Các hiệp định Hiệp định Đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu có mức độ cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư sâu rộng với lộ trình ngắn. Trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, các nước tham gia cam kết xóa bỏ từ 97% - 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam theo lộ trình 10 năm.
Ngay sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu có hiệu lực, Liên minh châu Âu (EU) sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Việt Nam cũng sẽ thực hiện lộ trình mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư cho các nước đối tác với thời gian ngắn hơn so với đa số các FTA trước đây nước ta đã ký và tham gia.
Các Hiệp định Đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu cũng đưa ra các cam kết trong các lĩnh vực như lao động, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, mua sắm Chính phủ và phát triển bền vững. Đây là những cam kết mới, chưa xuất hiện trong đa số các FTA trước đây.
* Cơ hội đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam
Với các cam kết sâu rộng, toàn diện, các Hiệp định Đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu được đánh giá sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Trước hết, các hiệp định góp phần tạo dựng khuôn khổ ổn định, lâu dài cho việc củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác, nhất là hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước tham gia ký kết.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, việc triển khai các FTA “thế hệ mới” là cơ hội để Việt Nam thực hiện chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, góp phần cụ thể hóa các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững, bao trùm. Trong bối cảnh gia tăng xu hướng bảo hộ và căng thẳng thương mại, việc Việt Nam ký kết, thực thi các FTA “thế hệ mới” đã khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về hội nhập quốc tế và ủng hộ tự do hóa thương mại theo hướng mở, minh bạch, dựa trên luật lệ.
Phó Đại sứ, Trưởng ban Phát triển Đại sứ quán Ai-len tại Việt Nam Elisa Cavacece cho rằng, thực tế Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương. Điều này tạo ra nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam cũng như các nước khác để có thể thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế, các hiệp định thương mại, trong đó có Hiệp định Đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu sẽ mang lại những thách thức, đòi hỏi Việt Nam phải có những cải cách mạnh mẽ về các vấn đề liên quan đến thể chế.
Bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đặt ra từ việc thực thi các FTA “thế hệ mới”, nhất là sức ép mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. Để tận dụng cơ hội về xuất khẩu, hàng hóa của Việt Nam sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn “khắt khe” trong Hiệp định Đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu về quy tắc xuất xứ, nhất là đối với lĩnh vực dệt may và thủy sản.
* Nâng cao năng lực sản xuất, mở đường hội nhập
Để tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức từ các Hiệp định Đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu mang lại, theo ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo Kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước hết cần tích cực phổ biến, tuyên truyền về hai Hiệp định rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thời gian tới, Việt Nam cần chủ động sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành theo đúng với lộ trình đã quy định của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu. Đặc biệt, các đơn vị liên quan cần khẩn trương xây dựng các báo cáo đánh giá tác động tiêu cực của Hiệp định Đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, trong đó chỉ rõ nhóm, ngành chịu nhiều tác động tiêu cực.
Các đơn vị có các giải pháp tuyên truyền phù hợp, tránh tuyên truyền một chiều về các Hiệp định, cần sớm xây dựng các chính sách, chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, ngư dân… phù hợp với cam kết quốc tế. Đồng thời các đơn vị liên quan chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ biến động thị trường quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập và phát triển thị trường thông qua các kênh hợp tác kinh tế, xúc tiến thương mại và đầu tư, bao gồm hỗ trợ giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh tại các thị trường xuất khẩu…
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, với các cam kết sâu rộng, tiến trình đàm phán và ký kết các FTA “thế hệ mới” phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, thậm chí có những thời điểm tưởng chừng như đi vào bế tắc. Sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành đã góp phần hiệu quả tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy đồng thuận giữa nước ta và các nước đối tác về các nội dung đàm phán. Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực phối hợp, hỗ trợ Bộ Công Thương và các cơ quan trong tiến trình đàm phán, ký kết hiệp định Hiệp định Đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu.
Trong đó, Bộ Ngoại giao được phân công là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành công tác vận động chính trị - ngoại giao, trao đổi, làm việc với phía EU để thúc đẩy ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu trong thời gian sớm nhất. Việc các thành viên EU sớm thông qua quyết định ký Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu khẳng định EU đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam, hết sức coi trọng quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện song phương, đồng thời là kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan hai bên.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong tiến trình đàm phán, ký kết, thực thi các hiệp định và thỏa thuận quốc tế, bao gồm các FTA “thế hệ mới” phù hợp với chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả tham gia của nước ta tại các cơ chế hợp tác đa phương.
Nhằm trợ giúp doanh nghiệp trong nắm bắt thông tin, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh rà soát, chuyển hóa các cam kết Hiệp định Đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương vào pháp luật nội địa. Do đó, việc rà soát hệ thống pháp luật với các cam kết Hiệp định Đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cần được thực hiện thận trọng, việc sửa đổi cần được thực hiện trong sự tham vấn thường xuyên, đầy đủ giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, các hiệp hội giúp họ hiểu cam kết, có những thay đổi chính sách để từ đó tạo đà nâng cao năng lực sản xuất, mở đường hội nhập.
Việc nước ta tham gia các FTA “thế hệ mới” như Hiệp định Đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu góp phần đánh dấu giai đoạn mới của hội nhập quốc tế, đó là giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện. Tuy đi kèm với không ít khó khăn, thách thức song các FTA “thế hệ mới” như Hiệp định Đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu về tổng thể sẽ đem lại nhiều lợi ích to lớn cho Việt Nam từ góc độ tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước đối tác cũng như các lợi ích cụ thể về thương mại, đầu tư, tăng trưởng, việc làm và phát triển bền vững.