Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia, đại biểu quan tâm thảo luận tại Tọa đàm “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt” do Báo Thanh niên tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 6/4.
Sản lượng cao - giá trị thấp
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh niên nêu vấn đề, giá gạo Việt cao nhất thế giới, gạo Việt đã đạt giải ngon nhất thế giới nhưng người nông dân trồng lúa của chúng ta lại chưa thể giàu, chưa có được mức lợi nhuận tương xứng với vị thế của ngành cũng như với công sức mà họ bỏ ra.
Một câu chuyện khác là sản phẩm đang “hot” hiện nay trái sầu riêng. Cùng là sầu riêng nhưng giống Musang King trồng tại Việt Nam đang được bán từ 500.000 - 800.000 đồng/kg. Nghĩa là để mua một trái sầu riêng 2 - 3 ký, người tiêu dùng phải chi tới hơn 2 triệu đồng. Trong khi giống sầu riêng RI6 của Việt Nam, chất lượng không hề thua kém thì giá cao nhất cũng chỉ khoảng 100.000 đồng/ký, bằng khoảng 1/6 - 1/8 so với giống sầu riêng nước bạn. Đó chính là sự khác biệt giữa một sản phẩm có thương hiệu và chưa có hoặc có nhưng thương hiệu chưa đủ mạnh.
Việt Nam là nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, tiêu, điều, trái cây, rau quả, thủy hải sản... nhưng tính đến thời điểm hiện tại, có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thế nên, mục đích của việc làm thương hiệu không phải để bán được nhiều sản phẩm hơn mà là để bán được giá cao hơn, đem về nhiều giá trị hơn cho đất nước, cho doanh nghiệp và đặc biệt là cho người nông dân Việt Nam.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia lĩnh vực lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long phân tích; trong các loại nông sản, gạo xây dựng được thương hiệu mạnh nhất, gạo Việt đã xuất khẩu được vào một số thị trường khó tính trên thế giới nhưng để trở thành thương hiệu mạnh và nói đến gạo nghĩ ngay đến Việt Nam thì còn rất nhiều việc phải làm.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, câu chuyện xây dựng thương hiệu nông thủy sản đã bàn rất lâu nhưng vẫn chưa có những thay đổi lớn. Có rất nhiều nguyên nhân, đầu tiên là Nhà nước cũng chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc quảng bá thương hiệu cho nông sản Việt. Về doanh nghiệp, chưa tổ chức được việc trồng trên diện tích rộng, chưa có nguồn nguyên liệu đồng nhất, đầu tư thiết kế bao bì đẹp...
Doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu, không có diện tích lớn nên muốn xuất khẩu gạo phải mua hàng qua thương lái là chính. Ngay cả Vinafood là công ty lương thực mạnh nhất Việt Nam nhưng cũng không có vùng nguyên liệu riêng thì rất khó đảm bảo chất lượng đồng đều và ổn định để làm thương hiệu. Trong khi đó, nông dân vẫn theo tập quán canh tác nhỏ, không muốn phá bờ thửa ruộng của mình để dồn điền.
Chia sẻ thực tế từ ngành chè, bà Võ Thị Tam Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Trà Rồng Vàng, cho biết, Việt Nam là nước có lợi thế sản xuất chè, không chỉ phục vụ trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới. Đến nay, Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè. Sản phẩm chè của Việt Nam đã có mặt tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, các thị trường chính gồm: Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia…
Trong những năm qua, ngành chè đã đem lại giá trị kinh tế lớn cho xã hội, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, khoảng 90% sản lượng chè xuất khẩu vẫn là ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu; xuất khẩu chè dưới dạng thành phẩm có thương hiệu còn rất hạn chế.
“1 kg chè Ô Long hái tay, có chất lượng cao nhưng xuất khẩu thô chỉ có giá dao động ở 10 USD – 12 USD/kg; tuy nhiên sau khi các nước nhập khẩu sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị nhập khẩu thì lại được bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần. Cùng với nhiều bất cập trong quy trình sản xuất, chế biến, khiến cho trà Việt không được đánh giá cao về chất lượng và giá trị xuất khẩu”, bà Võ Thị Tam Dân nêu thực tế.
Xác định đúng mục tiêu
Các chuyên gia đều cho rằng, ở thời điểm hiện tại, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Xây dựng thành công thương hiệu quốc gia sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp bà con nông dân thoát khỏi vấn nạn "trồng - chặt", có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Từ đó, tiến tới một nền kinh tế nông nghiệp giá trị cao thay vì sản xuất nông nghiệp và "buôn chuyến" như hiện nay.
Ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nutifood cho rằng, thương hiệu nông sản Việt, muốn có vị thế, muốn cạnh tranh được trên trường quốc tế phải bắt đầu từ phân tích lợi thế. Nếu đem táo, lê của Việt Nam cạnh tranh với Australia thì không bằng, nhưng chôm chôm, sầu riêng thì chúng ta có nhiều cơ hội. Nếu không biết lợi thế là gì sẽ rất khó để xây dựng thương hiệu nông sản Việt vì làm nông nghiệp phải có đất, mà đất có giới hạn.
Dẫn chứng từ câu chuyện nhân sâm Hàn Quốc, một củ sâm có giá rất rẻ, chỉ vài USD nhưng Hàn Quốc không bán củ sâm đó mà tạo ra cả hệ sinh thái quảng bá. Họ có các trường đại học, viện nghiên cứu liên tục ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm sâm ứng dụng vào cho trẻ em, cho phụ nữ làm đẹp, cho người già... Nhà nước bảo trợ cho những showroom sâm uy tín mà bất cứ đoàn du khách nào đến Hàn Quốc cũng nhất định phải tới đó để nghe câu chuyện về sâm Hàn Quốc và mua những sản phẩm được tạo ra từ các nguyên liệu thành phẩm của củ sâm. Cùng với đó, họ liên tục đưa ra khuyến nghị về lợi ích của sâm Hàn Quốc tới tất cả các nước, quảng bá qua cả phim ảnh... "Với cả hệ sinh thái như thế, liệu sâm Ngọc Linh của Việt Nam có cạnh tranh được không", ông Trần Bảo Minh gợi mở.
Theo ông Trần Bảo Minh, làm thương hiệu không chỉ có vùng sản xuất rồi dán tên vào sản phẩm và mang đi xuất khẩu. Quan trọng nhất là sản phẩm phải tạo ra lợi nhuận lớn để tất cả thành phần tham gia chuỗi giá trị đều được hưởng lợi. Nếu sản phẩm đầu ra không có giá trị gấp 5 - 7 lần thì không bao giờ thành thương hiệu. Tất cả mọi đối tượng tham gia chuỗi giá trị đều được hưởng lợi, đều có lợi nhuận, đều muốn bỏ tiền vào đầu tư thì lúc đó nông sản Việt Nam mới có được thương hiệu.
Ông Boonlap Watcharawanitchakul, Phó Tổng giám đốc cấp cao phụ trách ngành thức ăn chăn nuôi khu vực phía Nam, công ty chăn nuôi C.P chia sẻ, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản nhưng để xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm phải tạo được sự khác biệt, tạo lợi ích như thế nào cho khách hàng, đạt được tiêu chuẩn nào.
Câu chuyện marketing cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Với ngành thủy sản, Việt Nam có lợi thế về nuôi tôm, đặc biệt là tôm sú nhưng hiện nay đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ Ecuador, Thái Lan, Ấn Độ. Vậy nên, muốn có sự khác biệt, Việt Nam cần tập trung vào các sản phẩm vượt trội hơn như việc sản xuất tôm kích cỡ lớn, có giá trị cao mà các quốc gia khác chưa có. Với khách hàng ưa chuộng tôm kích cỡ lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, cần đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá sản phẩm tôm kích cỡ lớn thông qua hoạt động du lịch, xúc tiến thương mại để tạo ấn tượng mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, thương hiệu nông sản Việt là khát vọng, mong muốn và cũng là nỗi buồn của những người làm nông nghiệp hiện nay, từ nông dân, doanh nghiệp cho đến cơ quan quản lý. Trước khi muốn vươn mình ra thế giới, phải xây dựng được thương hiệu cho nông sản Việt ngay tại thị trường trong nước. Trách nhiệm này không của riêng ai, các doanh nhân, doanh nghiệp phải có tinh thần tiên phong, dẫn dắt nông dân dưới sự đồng hành, hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước.
Thời điểm này đề cập đến xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là muộn, nhưng chậm còn hơn không. Trước hết, mỗi loại sản phẩm cần xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, minh bạch, giám sát được, không chỉ qua tích tụ đất đai mà bằng liên kết các nông hộ. Bên cạnh đó, liên kết chặt chẽ vùng trồng với doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để đảm bảo sản lượng, chất lượng xây dựng thương hiệu. Song song đó, tổ chức tốt việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, nghiên cứu giống, cấp chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu tạo giá trị gia tăng cũng góp phần từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, ông Nguyễn Như Cường chia sẻ thêm.