Xây dựng nông thôn mới với tầm nhìn xa - Bài 2: Khát vọng khởi nghiệp

Xây dựng nông thôn mới, phải xác định là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững; nông thôn của một thế hệ nông dân dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo… thông điệp đó được truyền đến rất nhiều bạn trẻ ở nông thôn Hà Nội, họ quyết không để cái nghèo đeo bám, phải vươn lên và làm giàu ngay chính trên quê hương mình.

Trên hết họ dám đối mặt với thất bại, bởi có thất bại mới có thành công - một khát vọng khởi nghiệp. 

Chú thích ảnh
Một góc khu dân cư thôn Văn Xá, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín đang từng ngày đổi thay diện mạo. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Từ kỹ sư tin học đến chủ trang trại

Căn nhà 3 tầng khang trang nằm nổi bật giữa làng quê yên bình với đầy đủ tiện nghi. Chủ nhân ngôi nhà là một thanh niên sinh năm 1987, nổi tiếng với nghề nuôi chim bồ câu giống và thương phẩm, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng.

Đó là anh Nguyễn Văn Phúc ở thôn Hiệu Chân, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Anh Phúc là một trong mười gương mặt thanh niên Thủ đô tiên tiến xuất sắc làm theo lời Bác năm 2018 do Thành đoàn Hà Nội trao tặng.
 
Sau lời mời của anh Phúc, chúng tôi bước vào căn nhà khang trang giữa thôn Hiệu Chân. Căn phòng khách nổi bật với chiếc giá sách đầy ắp bằng khen, ghi nhận cho những nỗ lực làm kinh tế đầy sáng tạo của anh. Bên những bằng khen, tấm ảnh cưới của vợ chồng anh Phúc được đặt trang trọng. Hai đứa trẻ, một gái một trai đang cười đùa ríu rít.
 
Rót nước mời khách, anh Phúc chia sẻ, cách đây đúng 10 năm, khi anh mới ngoài 20 tuổi, trở về sau quá trình học ở Nga. Với tấm bằng kỹ sư công nghệ thông tin danh giá, anh Phúc nhanh chóng tìm được một công việc đúng ngành nghề với mức lương ổn định ở nội thành Hà Nội.
 
Tuy nhiên, anh Phúc chưa bao giờ hài lòng với việc làm công ăn lương. Nhất là sau khi lập gia đình, khát khao tự thân lập nghiệp, mang lại cuộc sống sung túc hơn cho vợ con càng trở lên mãnh liệt trong anh. Phúc quyết định nghỉ việc văn phòng, trở lại quê hương bắt đầu sự nghiệp nuôi chim bồ câu chỉ với 30 triệu đồng ít ỏi trong tay.
 
Khoảng thời gian này, anh Phúc nuôi chim bồ câu ngay trong căn nhà của gia đình sinh sống. Ngôi nhà 3 tầng chỉ dùng tầng 1 để sinh hoạt, 2 tầng trên để nuôi chim bồ câu. Tuy nhiên, vì không có kinh nghiệm, ngay lập tức anh Phúc gặp thất bại. 100 đôi chim bồ câu giống cứ chết dần, chết mòn, sau vài tháng ngắn ngủi, anh Phúc chỉ còn lại 20 đôi bồ câu.
 
"Bại không nản", với số tiền ít ỏi còn lại, anh mua thêm 30 đôi chim bồ câu, kiên trì chăm sóc. Lần này, trời không phụ lòng người bao đêm ngày vất vả anh đã thành công. Chỉ 4 tháng sau, từ 50 đôi bồ câu, anh Phúc đã nhân đàn lên thành 80 đôi, rồi 100, 150 đôi...

Đàn bồ câu cứ thế lớn dần, anh Phúc nuôi xoay vòng, chim đẻ được bao nhiêu anh bán lấy tiền mua thức ăn và nhân thêm đàn, bắt đầu có lãi. Trừ các loại chi phí, mỗi tháng anh Phúc dư ra khoảng 4 triệu đồng để ổn định cuộc sống.
 
Anh Phúc chia sẻ, thời gian đầu tập nuôi chim bồ câu, chưa có đầu ra, anh phải mang bồ câu đến từng quán ăn để chào hàng. Bên cạnh đó, tận dụng thế mạnh là một lập trình viên, anh tự lập trang web, fanpage, tự quảng cáo sản phẩm của mình.

Dần dần, khách hàng tìm đến anh ngày một đông. Đến nay, bồ câu giống và bồ câu thương phẩm do anh Phúc cung cấp luôn trong tình trạng "cung không đủ cầu". Trang trại bồ câu Hồng Phúc hiện có tổng đàn 9.000 đôi chim, chăn nuôi ở 5 cơ sở: 4 cơ sở tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn và 1 cơ sở tại tỉnh Thái Nguyên.
 
Mười năm gây dựng cơ nghiệp, từ một lập trình viên trẻ, đến nay anh Phúc đã trở thành ông chủ của một trang trại lớn, tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập ổn định. Với mức giá bán ra từ 200.000 - 250.000 đồng/đôi bồ câu giống, 150.000 đồng/đôi  bồ câu thịt, mỗi tháng, anh Phúc thu lãi 250-300 triệu đồng, một con số quá ấn tượng với "ông chủ" vừa qua tuổi 30.
 
Bản thân cũng từng là người đi học nghề nên anh Phúc không bao giờ giấu nghề. Ai tìm đến, anh đều nhiệt tình chia sẻ, cung cấp bồ câu giống và kỹ thuật cho họ. Người từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Lai Châu, Hà Giang,...  đều tìm đến trang trại của anh để mua bồ câu giống và học kỹ thuật nuôi bồ câu khá nhiều.

Hiện Nguyễn Văn Phúc là Phó Chủ nhiệm Hội Thanh niên lập nghiệp của huyện Sóc Sơn. Anh cho biết, tham gia vào các tổ chức của thanh niên, anh được đi tham quan nhiều mô hình sản xuất thuộc nhiều ngành nghề ở các địa phương khác nhau, mỗi mô hình, mỗi người lao động đều cho anh những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích, từ cách làm nghề đến sự kiên trì, sáng tạo trong công việc.

Sinh viên mỹ thuật trở thành "Vua ếch"

Đến Bắc Vọng, xã Bắc Phú huyện Sóc Sơn Hà Nội hỏi thăm anh Kết "ếch" ai cũng biết tiếng. Bởi con ếch của anh không chỉ phục vụ người dân quanh vùng phía Bắc mà vào tận miền Trung và sang tận khu vực Đông Nam Á.

Vốn là một sinh viên ngành mỹ thuật, khi ra trường, anh Nguyễn Văn Kết từng làm quảng cáo tại một cửa hàng ở huyện Sóc Sơn. Với đặc thù công việc hay phải lướt Web, anh tình cờ xem một chương trình giới thiệu về nuôi ếch thương phẩm vào một ngày năm 2006.

Anh thấy công việc này nhẹ nhàng, không tốn thời gian lại có thể kiếm thêm một khoản thu nhập. Từ đó, anh bén duyên với con ếch, rồi từ nghề phụ chỉ dành lúc rảnh rỗi nay lại trở thành nghề chính, nuôi gia đình và làm giàu.

Khi anh quyết định nuôi ếch, rất may mắn lại được địa phương tạo điều kiện tham quan các mô hình nông nghiệp tiêu biểu; trong đó, có mô hình nuôi ếch của ông Lý Thanh Sắc ở Hà Tĩnh. Nhận thấy ếch là loài dễ nuôi, anh Kết quyết định bắt ếch về nuôi "chơi".

Anh Kết bắt đầu mối duyên với 5.000 con ếch trên diện tích 50 m2 đất vườn. Vừa đi làm, anh vừa miệt mài trở về nhà mỗi buổi trưa, "phơi mình" ngoài bể ếch để quan sát, trăn trở với ếch có khi đến giữa đêm. Nhưng chỉ nhiệt huyết là không đủ, làm bất kỳ công việc nào cũng cần có kiến thức.

Anh Kết cho biết, ếch là loài ít dịch bệnh, bệnh thường gặp nhất là đầy hơi nếu môi trường nước không đảm bảo. Bởi vậy, anh rất hạn chế dùng thuốc kháng sinh mà tập trung nuôi ếch bằng tỏi và các cây lá thảo dược. Anh mong muốn nuôi được con ếch sạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho người tiêu dùng. Nhờ đó, ếch thương phẩm của gia đình anh được ưa chuộng, nhiều người tự tìm đến.

Từ nghề phụ thành nghề chính, đến nay, tổng diện tích trại ếch của anh Kết là 7.000 m2, cung cấp ếch giống và ếch thịt ổn định cho các siêu thị, trường học trên địa bàn 13 tỉnh phía Bắc. Giá ếch thương phẩm bán tại trại cho các đầu mối là 50.000 đồng/kg, ếch nuôi lâu để chắc thịt có thể lên mức 70.000 đồng/kg, ếch giống có giá 800 - 1.200 đồng/con.

Trung bình mỗi năm anh Kết thu lãi khoảng 700 - 800 triệu đồng và tạo công ăn việc làm cho 4 lao động với mức lương hàng tháng từ 5 - 6 triệu đồng/người.

Làm kinh tế giỏi, anh Kết còn là Bí thư chi đoàn thôn Bắc Vọng đồng thời là thành viên hội VAC của xã nên anh được hỗ trợ nhiều trong việc hỗ trợ tham quan các mô hình. Cũng đã có nhiều người trẻ tìm đến anh để học hỏi và lập nghiệp, tiêu biểu như anh Giáp Văn Bảo (Bắc Giang). Ban đầu anh Bảo chỉ đến trang trại ếch của anh Kết bắt giống về tự nuôi, đến nay đã bắt giống giúp bà con trong vùng làm kinh tế, vừa nuôi ếch thịt vừa tự sản xuất giống rất hiệu quả.

Với mong muốn tạo nên thương hiệu ếch sạch Bắc Phú, anh Kết ấp ủ dự định xây dựng một chuỗi sản xuất ếch khép kín, bắt đầu từ việc xây dựng một hệ thống nhà kính lớn hơn. Đây là một hướng đi đúng trong phát triển ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng được Hà Nội rất khuyến khích và nhân rộng.

Hiện nay, ngành nông nghiệp Hà Nội đang hướng tới liên kết chuỗi từ chăn nuôi đến chế biến, bao tiêu sản phẩm như vậy mới kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm khi đến với người tiêu dùng.

Với những gương thanh niên dám nghĩ dám làm, khát khao khởi nghiệp, vươn lên từ chính mảnh đất quê hương mình như các bạn trẻ Nguyễn Văn Phúc ở thôn Hiệu Chân, xã Tân Hưng hay Nguyễn Văn Kết Bắc Vọng, xã Bắc Phú huyện Sóc Sơn Hà Nội rất đáng được chính quyền địa phương quan tâm, ủng hộ để khuyến khích và lan tỏa trong thanh niên ở nông thôn.

Chính những thanh niên dám nghĩ dám làm này là những hạt nhân tiên phong, gương mẫu để lớp lớp thanh niên noi theo, từ đó cùng nhau góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp, là khởi nguồn cho những ước mơ, viết tiếp cho câu chuyện xây dựng nông thôn mới - chỉ có khởi đầu mà không có kết thúc.

Bài cuối: Đích đến không phải điểm dừng

Nam Giang (TTXVN)
Xây dựng nông thôn mới với tầm nhìn xa - Bài 1: Sẵn sàng hiến đất mở đường
Xây dựng nông thôn mới với tầm nhìn xa - Bài 1: Sẵn sàng hiến đất mở đường

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân", Hà Nội luôn đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới, bởi cách làm bài bản, khoa học, đi bước trước nhưng đã tính được những bước sau...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN