Phát biểu tại hội thảo, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm quý báu của các vị đại biểu, chuyên gia để nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng lúa gạo Việt Nam và ngành nông nghiệp Hậu Giang theo hướng xanh sạch an toàn, ghi dấu ấn đặc biệt trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế, đồng thời tạo ra sức lan tỏa lớn trong và ngoài nước.
Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đây cũng là dịp để kết nối giữa những quốc gia cần trợ giúp với những quốc gia có khả năng hỗ trợ; các nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân trồng lúa trong tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư về tài chính để xây dựng hệ sinh thái chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo xanh, sạch và bền vững.
Thông tin về thành tựu sản xuất lúa gạo của Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Trong số đó, có đóng góp không nhỏ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong ngành hàng lúa gạo. Điều này thể hiện qua việc các nhà chọn tạo giống Việt Nam đã làm chủ công nghệ và chọn tạo được bộ giống lúa rất đa dạng, phù hợp cho từng vùng, từng mục tiêu cụ thể như: bộ giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, giống lúa chịu phèn, mặn thích ứng với biến đổi khí hậu, giống lúa năng suất cao phục vụ chế biến.
Bên cạnh đó, các kỹ thuật tiên tiến, quy trình canh tác lúa tổng hợp đã được phát triển khá đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, Việt Nam đã nghiên cứu và làm chủ được các công nghệ thu hoạch, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong tất cả các khâu, để giảm tổn thất trong và sau thu hoạch. Thời gian tới, để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục là động lực phát triển cho ngành hàng lúa gạo, việc tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo là giải pháp tất yếu, quan trọng.
Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học, chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong lúa gạo tại Việt Nam và trên thế giới gồm: hệ thống canh tác tối ưu thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, giống mới kháng sâu bệnh, chống chịu hạn, mặn, năng suất, chất lượng, phát thải thấp, và đáp ứng thị trường; quy trình canh tác tiên tiến thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, giảm vật tư đầu vào; cơ giới hóa trong quá trình sản xuất đồng bộ và phù hợp chuỗi giá trị; giảm tổn thất trong thu hoạch và sau thu hoạch; các công nghệ tạo các sản phẩm giá trị gia tăng từ gạo...
Giám đốc phục trách Vùng châu Á (Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế), ông Jongsoo Shin cho biết, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế luôn định hướng nghiên cứu tập trung vào những vấn đề mang tính giải pháp, vượt qua những thách thức, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các quốc gia khác trên thế giới. Tập trung cung cấp giống mới, có giá trị cao, đề cao vấn đề dinh dưỡng trong lúa gạo; giảm phát thải trong quá trình canh tác lúa gạo; nâng cao năng lực khuyến nông, hỗ trợ phát triển khuyến nông điện tử với nguồn hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng Thế giới...
Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, cần tập trung nghiên cứu giống lúa mới giúp nâng cao năng suất và khả năng chống chịu sâu, bệnh và điều kiện không thuận lợi của môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, chú ý đến các giải pháp kỹ thuật phục vụ sản xuất lúa gạo cho từng vùng sinh thái ở Việt Nam như: quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý dinh dưỡng tổng hợp, bón phân theo vùng chuyên biệt, ứng dụng các chế phẩm vi sinh phòng trừ sâu bệnh trên lúa.
Trong khuôn khổ hội thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển và mở rộng quy mô các công nghệ mới và đổi mới sáng tạo cho ngành lúa gạo Việt Nam.