Xây dựng giá trị cho người lao động trong doanh nghiệp

Dịch COVID-19 lần 1, rồi lần 2 liên tiếp dội những cú sốc lên cộng đồng doanh nghiệp. Cầm cự hoạt động, luân phiên cho công nhân nghỉ, tạm ứng kinh phí cho lao động chờ bão dịch đi qua, buộc phải tạm hoãn hợp đồng lao động... là những biện pháp mà các doanh nghiệp đã và đang áp dụng để giữ chân người lao động. Dưới đây là những ghi nhận về gần 3/4 chặng đường sóng gió với doanh nghiệp trong năm 2020.

Chú thích ảnh
Công nhân được trang bị phòng dịch Covid- 19 an toàn trong khi sản xuất tại Công ty KH Vatec, Khu công nghiệp Điềm Thụy, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Quân Trang/TTXVN

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR): Một năm vô vàn khó khăn  

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến ngành đường sắt, khiến ngành khó khăn hơn, kéo theo hàng nghìn lao động bị ảnh hưởng, giảm thu nhập hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.

Cụ thể, 9 tháng năm 2020, doanh thu của Công ty mẹ -Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạt gần 1.308 tỷ đồng, ước tính kết quả sản xuất, kinh doanh trước thuế của Công ty mẹ lỗ hơn 428 tỷ đồng. Về vận tải hàng hóa của VNR chỉ đạt hơn 3,6 triệu tấn, bằng 99,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, lượt hành khách lên tàu chỉ đạt trên 3 triệu lượt hành khách, chỉ bằng 45,7% so với cùng kỳ; hành khách km đi tàu chỉ đạt gần 1,2 tỷ hành khách km, bằng 46,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung doanh thu vận tải đường sắt 9 tháng năm 2020 giảm 34,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng giảm trên 1.179 tỷ đồng.

Dự tính tổng thâm hụt dòng tiền của VNR cả năm 2020 khoảng 1.000 tỷ đồng. Do ảnh hưởng xấu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều lao động của ngành đường sắt không có việc làm, các doanh nghiệp đã phải cho người lao động nghỉ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, nghỉ luân phiên.

Từ đầu năm đến nay, toàn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có tới 1.634 lao động bị ảnh hưởng thiếu việc làm; trong đó 423 lao động phải nghỉ luân phiên không hưởng lương từ 5-13 ngày công/tháng; 1.211 lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động.

Để khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tổng công ty đang đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng và các cơ quan có thẩm quyền xem xét các giải pháp hỗ trợ Tổng công ty vượt qua khó khăn.

Tổng công ty đã có văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị tháo gỡ khó khăn cho VNR một số nội dung. Đó là miễn, giảm khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt 8% trên doanh thu vận tải cho năm 2020; miễn trích nộp ngân sách Nhà nước 20% tiền thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020...

Ông Phạm Tuấn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Gia Khanh (Kiên Giang): Các hoạt động ở mức cầm cự

Khi dịch COVID-19 đợt 1 được kiểm soát, tỉnh Kiên Giang có những chính sách kích cầu du lịch nội địa. Lượng khách đổ về đảo ngọc Phú Quốc trong tháng 6 và 7 tăng cao đáng kể, vượt so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì dịch COVID-19 quay trở lại gây ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt của đời sống và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Một số cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú phải tạm dừng hoạt động, thậm chí xin giải thể hoặc đổi chủ. Điều này đã khiến một lực lượng lao động trong ngành du lịch không tìm được việc làm do các cơ sở kinh doanh du lịch ngưng hoạt động trong thời gian dài. 

Khu resort của chúng tôi có khoảng 30 phòng cùng chuỗi nhà hàng với số nhân viên phục vụ lên tới hàng trăm lao động. Thế nhưng dịch COVID-19 xảy ra, lượng khai thác tại khu resort giảm tới 80% kéo theo kinh doanh chuỗi nhà hàng giảm mạnh.

Thay vì cho nhân viên làm việc luân phiên như trong đợt dịch đầu tiên thì khi dịch quay trở lại, công ty quyết định cắt giảm nhân viên, chọn lọc lực lượng cốt lõi. Số lao động còn lại được huấn luyện làm việc đa năng, số lượng nhân sự còn thiếu thì sẽ sử dụng nhân viên thời vụ để giảm chi phí.

Đây là một thực tế đáng buồn dù doanh nghiệp đã cố gắng tái cấu trúc, tiết kiệm chi phí, huy động nguồn vốn để trả lương cho người lao động thời gian qua, nhưng do dịch bệnh kéo dài nên tài chính rất khó khăn. Hàng tháng công ty vẫn bù lỗ để duy trì hoạt động, vì số tiền thu không đủ chi. Hiện các hoạt động đều ở mức cầm cự, nếu tình trạng này kéo dài công ty khó có thể tồn tại.

Ông Mai Văn Thanh, Giám đốc Công ty Thành Nhân (Kiên Giang): Mong muốn được hỗ trợ hiệu quả hơn

Với loại hình hoạt động dịch vụ tour du lịch thăm quan các đảo tại Phú Quốc, kết hợp kinh doanh ca nô, xe ô tô du lịch phục vụ du khách, Công ty Thành Nhân cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Mặc dù công ty đã cố gắng hỗ trợ tối đa cho người lao động ở mức tương đối nhưng có thời điểm hàng loạt xe cano lướt sóng đắp chiếu, các tour đi các đảo cũng phải cho tạm dừng hoạt động, buộc phải cho nhân viên nghỉ việc. 

Điều này đã gây tổn thất cho doanh nghiệp. Do không có nguồn thu, mỗi tháng công ty vẫn bù lỗ cả trăm triệu động để trả lương nhân viên, chi trả bến bãi và các chi phí như: lãi vay ngân hàng, thuê văn phòng... Nguồn tài chính công ty có hạn nên "giữ chân" người lao động trong điều kiện dịch bệnh là điều không dễ. Nếu dịch bệnh và tình trạng này tiếp diễn dễ dẫn đến phá sản công ty.

Gần 1 tháng nay bắt đầu có khách du lịch tới Phú Quốc, 40% lao động của công ty đã làm việc trở lại. Tuy nhiên nguồn thu vẫn rất hạn chế, chưa bù đắp được chi phí công ty đã bù lỗ thời gian qua.

Chúng tôi mong Chính phủ có những hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp du lịch, khách sạn như các giải pháp kích cầu du lịch, hỗ trợ lãi suất ngân hàng, từ đó tạo công ăn việc làm cho người lao động và sự tồn tại của doanh nghiệp.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần SHINEC (Hải Phòng): Giá trị văn hóa doanh nghiệp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2020 cả nước có gần 38.600 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp ngừng làm thủ tục giải thể là hơn 27.600 doanh nghiệp. Đây là một số ví dụ nhỏ trong 9 tháng của năm COVID-19 về sức khỏe doanh nghiệp.

Để thích nghi với tình hình thị trường đứt gãy, doanh nghiệp phải chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, chuẩn hoá lại các tiêu chí đã thay đổi sau chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhưng theo tôi, giá trị cốt lõi lại nằm ở văn hoá doanh nghiệp...

Với nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp là một thực thể luôn có những biến động của môi trường tự nhiên cũng như môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt, điều này đã làm cho doanh nghiệp thấu hiểu nguồn nhân lực chất lượng cao là kết cấu vững chắc trong hoạt động doanh nghiệp.

Thời đại dịch bệnh COVID-19 đã làm vỡ các chuỗi cung ứng một cách có hệ thống làm cho doanh nghiệp lâm vào cảnh lao đao và ảnh hưởng lớn nhất là người lao động trong doanh nghiệp. Đã có rất nhiều doanh nghiệp sa thải nhân công vì không có đơn hàng, có doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, có doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội gây khó khăn đời sống người lao động. Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai, nhưng doanh nghiệp mới là các phần tử năng động nhất.

Để có được tính ổn định vững chắc nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và mọi người cùng chung một ý chí, cùng đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp để vượt qua sóng gió thương trường nhất là thử thách qua thời dịch bệnh COVID-19 chính là tinh thần, là giá trị văn hoá doanh nghiệp. Giá trị này được xây dựng trên nền tảng của sự chân thành giữa người sử dụng lao động và người lao động, giữa cách đối xử tôn trọng nhau trong lao động sản xuất, khuyến khích được sự sáng tạo của từng cá nhân người lao động cống hiến.

Và những người lao động được trả công xứng đáng khi chung sức cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Điều này nói như lý thuyết nhưng trên thực tế thì rất đúng, bởi chỉ có con người mới điều khiển được máy móc thiết bị, chỉ có con người mới đem lại giá trị đích thực cho sự sáng tạo của doanh nghiệp và giúp cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Hậu COVID-19 chúng ta đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa, chứng kiến nhiều sự ra đi, thay đổi vị trí làm việc của người lao động nhưng cũng chứng kiến nhiều cuộc lội ngược dòng ngoạn mục của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường. Từ đó sẽ có sự so sánh đúng và sai trong cách xây dựng giá trị cho người lao động trong doanh nghiệp... và văn hoá doanh nghiệp là giá trị cốt lõi xây dựng nên một doanh nghiệp trường tồn.

Bích Huệ - Quang Toàn - Hằng Trần (TTXVN)
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động khi làm việc ở nước ngoài
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động khi làm việc ở nước ngoài

Chiều 23/10, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV tiếp tục diễn ra với phần thảo luận trực tuyến của các đại biểu về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri tại tỉnh Thanh Hóa quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN