Đề án do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận, Tập đoàn Lavifood xây dựng, góp phần phát triển bền vững chuỗi sản phẩm thanh long. Đồng thời, nâng cao hiệu quả kinh tế đối với hộ sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại, doanh nghiệp; tăng năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long của tỉnh Bình Thuận.
Thanh long được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là loại trái cây có lợi thế cạnh tranh đứng thứ nhất trong 11 loại trái cây ở Việt Nam. Cây thanh long không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập đáng kể người dân Bình Thuận mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp và làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh.
Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ thanh long hiện còn bất cập. Quy mô sản xuất của các hợp tác xã còn nhỏ lẻ, hầu hết các hợp tác xã chỉ tập trung ở khâu sản xuất, chưa đủ tiềm lực và năng lực để thu mua và xuất khẩu thanh long. Hệ thống phân phối thanh long hiện còn nhiều bất cập, chủ yếu là tiêu thụ theo kênh phân phối truyền thống qua nhiều tầng nấc trung gian. Các sản phẩm chế biến từ thanh long như: nước ép thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy khô... số lượng và quy mô sản xuất còn nhỏ, vì vậy, việc xây dựng đề án là hết sức cần thiết.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, hiện nay không ở đâu có vùng chuyên canh thanh long lớn như ở tỉnh Bình Thuận. Đây là thuận lợi khá lớn để xây dựng chuỗi trồng, chế biến và xuất khẩu thanh long.
Tuy nhiên, để việc xây dựng và thực hiện đề án chặt chẽ và hiệu quả, ông Nguyễn Ngọc Bảo yêu cầu tỉnh Bình Thuận đẩy nhanh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất thanh long; đồng thời, đảm bảo bảo cơ sở hạ tầng vùng tập trung sản xuất thanh long như: điện, nước, đường xá… Bên cạnh đó, Bình Thuận cần tập trung sản xuất thanh long sạch theo hướng hữu cơ, phải có lộ trình sản xuất theo nhu cầu đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Bình Thuận cũng nên mạnh dạn tổ chức hợp tác xã quy mô lớn trên vùng chuyên canh của đề án để tạo cầu nối thực sự hiệu quả giữa nông dân và thị trường tiêu thụ.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, đến cuối năm 2019, Bình Thuận có hơn 30.600 ha trồng cây thanh long với sản lượng hơn 640.000 tấn quả. Để nâng cao sức cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường, trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đẩy mạnh triển khai quy trình sản xuất an toàn trên trái thanh long.
Đến tháng 2/2020, tỉnh đã có hơn 10.300 ha và 450 cơ sở đóng gói đạt chuẩn VietGAP; 7 đơn vị được cấp Giấy chứng nhận sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích khoảng 387 ha. Tỉnh hiện có 35 hợp tác xã và 1 Liên hiệp Hợp tác xã sản xuất thanh long.
Từ năm 2018 đến nay, Bình Thuận đã có 338 đơn vị, cơ sở thu mua, đóng gói được cấp mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nhập khẩu từ phía Trung Quốc. Trái thanh long Bình Thuận hiện được xuất khẩu sang 17 quốc gia như: Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia…
Sau buổi làm việc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cùng các cơ quan liên quan sẽ trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển bền vững chuỗi sản phẩm thanh long. Trước đó, đoàn công tác đã tham quan đã khảo sát và làm việc tại một số hợp tác xã trồng thanh long trên địa bàn hai huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam nhằm nắm bắt những thuận lợi, khó khăn của các hợp tác xã trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.