Một góc Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất tại KKT Dung Quất. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Các chỉ số này không chỉ nói lên hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị, mà còn khẳng định bước “chạy đà” thuận lợi để về đích trong năm 2017, năm mà nhà máy có nhiều nhiệm vụ trọng tâm phải hoàn thành.
Cụ thể như đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ hơn 5,1 triệu tấn sản phẩm các loại; doanh thu đạt 62.400 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước 7.179 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là năm thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần thứ 3 Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR, cho biết, kế hoạch 2017 được xây dựng trên cơ sở kịch bản giá dầu 50 USD/thùng. Với kỳ vọng giá dầu năm nay diễn biến tốt hơn, kết quả kinh doanh của Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ khả quan.
Được thiết kế để chế biến dầu thô Bạch Hổ và hỗn hợp dầu Bạch Hổ và dầu Dubai, Nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể sản xuất các sản phẩm như: Polypropylene, propylene, LPG, xăng RON 95, xăng RON 92, nhiên liệu phản lực Jet A1, dầu hỏa (kerosene), dầu diesel và dầu FO.
Tiêu chí đối với các sản phẩm của BSR đặt ra là phải luôn đáp ứng yêu cầu không chỉ về chất lượng mà còn về môi trường và an toàn sức khỏe. Hệ thống quản lý An toàn Sức khỏe Môi trường của BSR tích hợp tiêu chuẩn ISO 14001:2015 về hệ thống quản lý môi trường, tiêu chuẩn OHSAS 18001: 2007 về hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp, tiêu chuẩn OSHA 3132 về hệ thống quản lý an toàn công nghệ và các tiêu chuẩn khác… đã được Tổ chức chứng nhận quốc tế DNV cấp giấy chứng nhận phù hợp lần đầu vào ngày 8/3/2011 và tái chứng nhận lần thứ 3 bởi BSI vào ngày 19/12/2016.
Theo Tiến sĩ Trương Đình Hợi, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chế biến Dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam, xăng dầu Dung Quất đang “tặng” cho người sử dụng xe và cho quỹ bảo vệ môi trường ở Việt Nam một món quà “chất lượng vàng”.
Theo quy chuẩn của Việt Nam từ năm 2005, quy định hàm lượng lưu huỳnh tối đa là 500 phần triệu (ppm), nhưng xăng Dung Quất hiện nay có hàm lượng lưu huỳnh là 135ppm và thậm chí 30ppm, không tới 1/3 so với quy định cho phép. Theo quy định về tiêu chuẩn chất lượng, xăng dùng ở Việt Nam từ năm 2005 phải có trị số ốc tan RON từ 90 trở lên.
Xăng Dung Quất đang sản xuất có RON 92, thực tế kết quả kiểm tra là 92,6 và 92,3 mà chưa cần phải pha thêm bất kỳ loại phụ gia nào. Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đầu tư cho công nghệ tái cấu trúc (reforming), công nghệ làm nhánh hóa (đồng phân hóa)… cho xăng chất lượng cao, có trị số octan RON 92 và RON 95 mà không cần pha thêm phụ gia hóa học khác.
Vận hành hoạt động tại Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Từ khi đi vào vận hành thương mại từ 1/6/2010 đến nay, BSR đã sản xuất và tiêu thụ hơn 47 triệu tấn sản phẩm các loại, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước; đạt doanh thu thuần lên tới 785 nghìn tỉ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 133 nghìn tỉ đồng (tương đương 7 tỷ USD).
Để đạt được mục tiêu về sản lượng cũng như chất lượng, thời gian qua BSR đã chú trọng và chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý năng lượng, đồng bộ thực hiện các nhóm giải pháp về quản lý bằng việc kiện toàn Hội đồng Quản lý năng lượng và tổn thất; thành lập các tổ đặc trách (TFT) nhằm giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân để theo dõi, triển khai các giải pháp, xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về quản lý năng lượng ISO 50001.
Đồng thời thực hiện kiểm toán năng lượng Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho năm 2016; thuê nhà thầu đánh giá hiệu quả vận hành của Nhà máy theo chuẩn Solomon. Bên cạnh đó, triển khai công tác đào tạo tối ưu hóa. Đặc biệt, BSR đã cử những nhân sự chủ trì đến học tập, trau dồi kinh nghiệm về lĩnh vực tối ưu hóa năng lượng tại Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn…
Bên cạnh đó, BSR đã thực hiện việc kiểm soát, theo dõi và báo cáo hàng ngày về việc tiêu thụ năng lượng và phụ trợ, đề xuất các giải pháp tối ưu sử dụng năng lượng, phụ trợ hàng ngày trong phạm vi khu vực, phân xưởng tại nhà máy.