Sau hơn 17 tháng không hoạt động, 8 tàu cá của ông Trương Văn Ngữ và ông Trần Hon ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang chưa thể ra khơi trở lại vì không có giấy phép hoạt động trên vùng biển Việt Nam.
Được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam và Indonesia về việc hợp tác khai thác thủy sản tại vùng biển của Indonesia, ngày 30/8/2013, tỉnh Kiên Giang đã trao giấy phép cho 8 tàu cá của ông Trương Văn Ngữ và ông Trần Hon khai thác ở vùng biển Indonesia. Tuy nhiên, chỉ mới sau vài tháng thực hiện hợp đồng, ngày 4/1/2014, trong khi đang đánh bắt trên vùng biển thỏa thuận thì 4 tàu cùng 61 thuyền viên bị Cảnh sát biển Indonesia bắt giữ. Theo văn bản của Bộ Ngoại giao Indonesia gửi cho Lãnh sự quán Việt Nam thì 4 tàu cá cùng 61 ngư dân bị bắt giữ do “Vi phạm tọa độ theo luật đánh bắt thủy sản của nước sở tại; sử dụng bất hợp pháp thiết bị kéo lưới đôi; tiến hành đánh bắt khi chưa được sự cho phép, cấp phép”.
Đóng mới tàu cá tại phường An Hòa, TP Rạch Giá, Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Trước đó, để làm hồ sơ thủ tục đưa các tàu đi khai thác hợp pháp trên ngư trường Indonesia, qua hợp đồng với Công ty Cổ phần Đại Dương, hai chủ tàu cá này là ông Trần Hon và ông Trương Văn Ngữ, mỗi người đã đóng cho công ty này 90.000 USD. Sau 3 tháng đánh bắt có hiệu quả, theo gợi ý của Công ty hai chủ tàu cá tiếp tục đóng thêm 30.000 USD (10.000 USD/tháng).
Sau gần một năm tàu bị bắt giữ, hai chủ tàu và các đơn vị có liên quan đã nỗ lực để đưa tàu và các thuyền viên trở về Việt Nam. Theo ông Trương Văn Ngữ, sau khi tàu được trả về, ông phải đầu tư sửa chữa, mua trang thiết bị ngư lưới cụ gần 2 tỷ đồng. Còn ông Trần Hon đã phải vay mượn nhiều nơi để có số tiền trên 3 tỷ đồng sửa chữa, mua sắm lại ngư lưới cụ. Thế nhưng đến nay cả 8 tàu của ông Trương Văn Ngữ và Trần Hon chưa được cấp phép hoạt động trên vùng biển Việt Nam. Nguyên nhân là có vướng mắc trong thủ tục đăng ký, đăng kiểm vì tranh chấp về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi giữa Công ty Cổ phần Đại Dương và các chủ tàu.
Đến nay Công ty Cổ phần Đại Dương không làm thủ tục đề nghị Tổng cục Thủy sản khôi phục hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam cho các tàu của ông Ngữ và ông Hon. Để tàu được đánh bắt ở Indonesia, ông Ngữ và ông Trần Hon phải chấp nhận ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đại Dương và đơn vị này tiếp tục ký với Công ty PaPua ở Indonesia. Các tàu hợp tác đánh bắt phải tuân thủ theo những quy định về pháp luật của Indonesia và phải mang quốc tịch nước này. Do vậy, khi tàu muốn quay trở về đánh bắt trên vùng biển Việt Nam thì phải được cấp phép quốc tịch Việt Nam. Ông Trương Văn Ngữ cho biết, liên hệ với Tổng cục Thủy sản thì được biết Công ty Cổ phần Đại Dương không tiến hành làm các thủ tục cần thiết để Cục cấp phép lại quốc tịch Việt Nam. Còn Công ty Cổ phần Đại Dương thì trả lời là Tổng cục chưa đồng ý. Công văn của Tổng cục Thủy sản thông báo cho Công ty Cổ phần Đại Dương đến ngày 30/5/2015 phải hoàn tất thủ tục để Tổng cục Thủy sản cấp phép cho 8 chiếc tàu được khai thác trên vùng biển Việt Nam. Thế nhưng, đến nay Công ty Cổ phần Đại Dương chỉ hứa suông.
Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Kiên Giang làm công văn gửi Tổng cục Thủy sản về việc thông báo kết thúc khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam đối với 8 tàu cá của ông Trương Văn Ngữ và ông Trần Hon. Trong công văn ghi rõ, nhằm giảm bớt những khó khăn và thiệt hại cho chủ tàu và người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho ông Trương Văn Ngữ và ông Trần Hon sớm đưa tàu vào hoạt động khai thác thủy sản, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Kiên Giang đề nghị Tổng cục Thủy sản xem xét trường hợp đặc biệt này và đơn giản hóa thủ tục để sớm ban hành văn bản thông báo khôi phục hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam đối với 8 tàu cá nêu trên.
Tuy nhiên, sau hơn hai tháng gửi đi công văn của Chi cục, đến nay vẫn chưa có câu trả lời từ Tổng cục Thủy sản.