Liên quan tới vấn đề này, chiều 31/5, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về những nỗ lực trong việc giải cứu thành công vụ việc cũng như khuyến cáo với doanh nghiệp xuất khẩu trong những vụ việc tương tự.
Xin ông chia sẻ về những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc giải cứu thành công vụ việc 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy và vai trò phối hợp của chính quyền sở tại để giải quyết công việc tương tự?
Từ đầu tháng 3 năm 2022, Bộ Công Thương đã nhận được thông tin về việc các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu 100 container hạt điều sang Italy.
Tuy nhiên, khi gặp dấu hiệu lừa đảo, ngay lập tức Bộ Công Thương đã có chỉ đạo cơ quan Thương vụ tại Italy đến các cái cảng để chứng kiến, tìm hiểu sự việc và liên hệ với chính quyền địa phương.
Qua đó, Thương vụ đã làm việc với các đơn vị chức năng và giữ lại các container đã đến cảng. Hơn nữa, cùng với nỗ lực những container chưa tiến hành giao hàng và một số các container chưa chuyển giao chứng từ gốc đã được giữ lại.
Ngoài ra, với những container đã có chuyển giao chứng từ gốc cho phía khách hàng mà thống kê ra là 35 bộ, chúng ta đã nỗ lực để đưa được 30 container trở lại Việt Nam hoặc tiêu thụ cho các khách hàng khác.
Tóm lại, đến thời điểm này chỉ còn có 5 container đang nằm ở các cảng của Italy và chờ thủ tục để giải tỏa. Có thể nói một cách khái quát nhất tới thời điểm này là chúng ta chưa bị mất một container hạt điều nào. Đây là một nỗ lực rất lớn và có sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt từ phía Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Italy vào ngày 20/4; trong đó, có đề cập đến vấn đề này và đề nghị phía Italy quan tâm hỗ trợ để giải quyết và hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã có Công thư gửi Bộ trưởng Bộ Kinh tế tài chính cũng như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế của Italy đề nghị các cơ quan hữu quan hỗ trợ cho Đại sứ quán Việt Nam và cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Italy để giải quyết vụ việc này.
Đại diện cho phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông khuyến cáo điều gì tới doanh nghiệp xuất khẩu tránh các vụ việc tương tự để giảm thiểu thiệt hại đáng tiếc xảy ra?
Trong hoạt động thương mại quốc tế, vụ việc tương tự cũng có thểxảy ra. Do đó, với những trường hợp như vừa qua có thể thấy quy mô khá lớn. Vì vậy, để hạn chế những rủi ro như vậy, hành trang mà các doanh nghiệp cần trang bị khi bước vào tiến trình hội nhập là hết sức quan trọng; trong đó, có những cái việc cần phải tìm hiểu khách hàng, đối tác một cách kĩ lưỡng trước khi tiến hành giao dịch.
Đặc biệt, với khách hàng giao dịch lần đầu, kể cả có giao dịch 1,2 lần nhưng doanh nghiệp vẫn phải lưu ý kiểm tra các lý lịch, khả năng thanh toán của khách hàng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng có thể thông qua các cơ quan của Việt Nam và nước ngoài, cơ quan Thương vụ nhờ kiểm tra cũng là yếu tố rất tốt. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể sử dụng dịch vụ của những nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp về các thông tin doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, khi doanh nghiệp tìm được bạn hàng, khâu ký kết hợp đồng cũng là một khâu mà giúpđảm bảo được lợi ích. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam thường có thói quen là nhường việc này cho doanh nghiệp đối tác. Thế nhưng, rút kinh nghiệm từ vụ việc trên, doanh nghiệp nên dành cái quyền soạn thảo hợp đồng về phía mình để có thể đảm bảo được điều khoản ở trong đó phản ánh được tốt nhất.
Và một điều nữa cũng rất quan trọng là doanh nghiệp nên sử dụng dịch vụ bảo hiểm để có thể hạn chế tối đa rủi ro. Bởi nếu như xảy ra biến cố, doanh nghiệp vẫn có thể thu hồi được lại một phần lợi ích vật chất trong những trường hợp rủi ro như vậy.
Trước đó, Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) đã có công văn hỏa tốc số 19/2022/TM-HHĐ gửi Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Italy cùng các bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước liên quan đến rủi ro 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy, trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Toàn bộ lô hàng trên được đóng vào 100 container, điểm đến là Cảng Genoa, Cảng LA Spezia do các hãng tàu quốc tế là Cosco, YANGMING, HMM, ONE vận chuyển.
Quá trình gửi hồ sơ nhờ thu từ 5 ngân hàng Việt Nam như Eximbank, HDBank... tới đầu mối ngân hàng bên mua tại Italy thì được hướng dẫn đến một đầu mối ngân hàng khác tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, sau khi ngân hàng bên mua nhận được bộ chứng từ thì thông báo người mua không phải khách hàng của họ, chứng từ lại chỉ là bản photocopy và đã trả lại bộ chứng từ trên nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào; đồng thời, cũng không cung cấp số vận đơn. Tình huống này dẫn tới, nếu ai cầm trong tay bộ chứng từ gốc, chỉ cần đến cảng gặp hãng vận chuyển là nhận hàng. Trong khi đó, một số lô hàng đã cập cảng, một số lô khác sắp đến còn bên công ty môi giới lại không liên lạc được.
Xin trân trọng cảm ơn ông!