Vòng luẩn quẩn của Bồ Đào Nha

Liên minh cầm quyền trung tả của Bồ Đào Nha vừa tránh được nguy cơ tan rã do những bất đồng về chính sách “thắt lưng buộc bụng”, song vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính-nợ công đang làm xoay chuyển chính trường quốc gia này. Dường như đã xuất hiện một cái vòng luẩn quẩn đe dọa đẩy Bồ Đào Nha vào nguy cơ sụp đổ kinh tế như đã từng xảy ra với Hy Lạp và Italia.


Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho mới rồi tuyên bố đã tìm được “một công thức” giúp duy trì sự ổn định trong Chính phủ liên hiệp để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất kể từ khi Lisbon nhận cứu trợ năm 2011. Giải pháp này bao gồm các cách để đảm bảo sự ủng hộ chính trị của đảng bảo thủ CDS-PP, đối tác với đảng Dân chủ Xã hội (PSD) trong liên minh cầm quyền. Trước đó, liên minh hai đảng này có nguy cơ tan rã khi các bộ trưởng Tài chính và Ngoại giao thuộc CDS-PP đồng loạt xin từ chức, khiến việc thực thi các biện pháp khắc khổ để đổi lấy gói cứu trợ quốc tế trị giá 78 tỷ euro (102 tỷ USD) càng thêm khó khăn. Có thể thấy cuộc khủng hoảng nợ công đang làm xoay chuyển chính trường quốc gia này.

Người dân Bồ Đào Nha biểu tình phản đối chính phủ vì suy thoái kinh tế. Ảnh: THX/ TTXVN


Đối mặt khủng hoảng chính trị toàn diện


Lên nắm quyền sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn hồi tháng 6/2011, hai năm sau, Chính phủ liên hiệp theo đường lối trung tả của Thủ tướng Coelho phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ sau khi Bộ trưởng Tài chính Vitor Gaspar - kiến trúc sư trưởng của chương trình “thắt lưng buộc bụng”, và Ngoại trưởng Paulo Portas - lãnh đạo đảng CDS-PP, kiên quyết dứt áo ra đi. Nguyên nhân chính là sự bất đồng trong nội các về cách thức thực hiện thỏa thuận đạt được hồi tháng 5/2011 giữa Bồ Đào Nha với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU), theo đó IMF-EU cam kết dành cho quốc gia ở bán đảo Iberia gói cứu trợ khổng lồ 78 tỷ euro để tránh vỡ nợ. Nhưng đổi lại Lisbon phải thực hiện chương trình cải cách kéo dài 3 năm với những biện pháp ngặt nghèo như giảm lương của người lao động, cắt giảm các khoản phúc lợi và tăng mạnh thuế. Hậu quả là tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao kỷ lục (hơn 7%) và nhấn chìm nền kinh tế trong đợt suy thoái kéo dài nghiêm trọng nhất kể từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Theo Cơ quan thống kê Bồ Đào Nha, thâm hụt ngân sách của nước này trong quý I/2013 đã tăng vọt lên 10,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi nợ công cũng xấp xỉ 124% GDP.


Không chịu được sự khắc nghiệt của các điều kiện do các chủ nợ quốc tế áp đặt, người dân Bồ Đào Nha đã xuống đường biểu tình, yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Passos nới lỏng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, tạo thêm việc làm và kích thích tăng trưởng. Những đòi hỏi này đã dồn chính phủ vào chân tường vì nếu đáp ứng yêu cầu của người biểu tình thì không thực hiện đúng các cam kết với chủ nợ quốc tế và điều này cũng đồng nghĩa với việc không được nhận gói cứu trợ và nhanh chóng tiến đến bờ vực vỡ nợ. Sự bất lực của Lisbon đã biến cuộc biểu tình phản đối chủ nợ quốc tế thành biểu tình chống chính phủ và yêu cầu nội các của Thủ tướng Passos từ chức.


Bóng ma Hy Lạp trở lại


Việc liên tiếp hai nhân vật quan trọng trong nội các từ chức là dấu hiệu cho thấy các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” đang hủy hoại uy tín của chương trình cứu trợ tài chính của Bồ Đào Nha, hay nói cách khác, chương trình cải cách kinh tế của Bồ Đào Nha đang bên bờ vực sụp đổ. Một số chuyên gia nhận định Bồ Đào Nha có thể phải tổ chức bầu cử sớm. Viễn cảnh đó khiến giới đầu tư cảm thấy bất an, và có thể tạo làn sóng tháo chạy như đã từng diễn ra ở Hy Lạp cách đây một năm. Điều đó đồng nghĩa với tình trạng bất ổn và khủng hoảng nợ leo thang ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ bùng phát trở lại.


Việc Thủ tướng Coelho thuyết phục được CDS-PP tiếp tục tham gia chính phủ liên hiệp đã phần nào giúp cuộc khủng hoảng chính trị tạm lắng xuống. Thế nhưng điều kiện mà ông Coelho phải chấp nhận là chấm dứt chính sách chi tiêu khắc khổ, điều này cũng có nghĩa là không tuân thủ điều kiện của EU, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và như vậy Bồ Đào Nha sẽ không được giải ngân gói cứu trợ 78 tỉ euro. Rõ ràng giữ được chính phủ thì mất chữ tín với các chủ nợ quốc tế, mà không có gói cứu trợ khổng lồ này thì đất nước không tránh được nguy cơ vỡ nợ.


Nhưng nếu để chính phủ liên hiệp tan vỡ, Bồ Đào Nha sẽ phải tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn và đảng PSD của ông Coelho hầu như chắc chắn thất bại. Bên cạnh đó, bộ ba EU, IMF và ECB cũng muốn ông Coelho tiếp tục nắm quyền vì lo ngại mất ổn định chính trị kéo dài và người kế nhiệm không duy trì chính sách tiết kiệm. Nếu Bồ Đào Nha phá sản, hậu quả sẽ vô cùng tai hại với Eurozone và toàn EU.


Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Bồ Đào Nha khiến ta liên tưởng đến tình hình tại các quốc gia khác ở châu Âu như Hy Lạp, Ailen và Tây Ban Nha - ba nước đều đã lần lượt ngửa tay xin EU và IMF cứu trợ với những điều kiện ngặt nghèo kèm theo. Tuy nhiên, các gói cứu trợ này chưa mang lại kết quả: kinh tế vẫn chìm sâu trong suy thoái, thất nghiệp gia tăng, nợ công vẫn cao ngất ngưởng, các cuộc biểu tình phản đối chính phủ diễn ra như cơm bữa. Nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel Paul Krugman đã có lần cảnh báo các nền kinh tế đang suy thoái sẽ phải trả giá khá đắt cho các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, và thực tế đúng như vậy.


Thời gian qua, chính sách kinh tế khắc khổ là thủ phạm chính tạo ra làn sóng phẫn nộ và làm khuynh đảo chính trường nhiều nước đang vay nợ trong Eurozone hiện nay. Tương lai chính trị của Bồ Đào Nha cũng không nằm ngoài quy luật đó. Ngày 15/7 tới đây, bộ ba EU, IMF và ECB sẽ họp để đánh giá những cải cách của Bồ Đào Nha, vốn là điều kiện tiên quyết để nước này được giải ngân phần tiếp theo trong khoản cho vay quốc tế. Trước mắt, giới phân tích không băn khoăn nhiều vì nhu cầu tài chính mà Bồ Đào Nha được đảm bảo cho đến cuối năm và chính phủ đang cố hoàn tất chương trình giải cứu 78 tỷ euro vào năm tới. Nhưng, tình trạng hỗn mang chính trị hiện nay có thể làm sụp đổ quyết tâm của họ và như vâỵ các nỗ lực thắt lưng buộc bụng từ hai năm nay sẽ trở thành vô ích. Xem ra thật khó để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của khủng hoảng tài chính-chính trị-nợ công.


Nguyệt Ánh

Biểu tình rầm rộ ở Bồ Đào Nha chống 'thắt lưng buộc bụng'
Biểu tình rầm rộ ở Bồ Đào Nha chống 'thắt lưng buộc bụng'

Ngày 2/3, hàng trăm nghìn người đổ xuống các đường phố ở thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha và nhiều thành phố khác để phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà Chính phủ nước này đang thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ vỡ nợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN