Từ nguồn vốn cho vay ưu đãi theo Quyết định 157/2007/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV), nhiều HSSV nghèo ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk đã được tiếp sức đến trường để học tập, thực hiện những mơ ước, hoài bão của mình.
Ở xã vùng sâu Ea Hiao, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk ai cũng yêu mến, khâm phục và kính trọng gia đình bác Trần Huy Liệu và Phạm Thị Chiến. Từ nhiều năm nay, gia đình đã nổi tiếng khắp vùng bởi cả 5 người con đều chăm ngoan, học hành đỗ đạt. Cầm số tiền vừa vay được, bác Liệu rưng rưng: “Tôi năm nay đã 72 tuổi, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua chương trình cho sinh viên vay vốn thì năm đứa con tôi không thể nào thực hiện được ước mơ đến giảng đường đại học”.
Bác Liệu quê gốc ở Quảng Nam. Vì cuộc sống quê nhà quá khó khăn nên bác đưa gia đình lên Đắk Lắk lập nghiệp từ năm 1996. Đông con, đất canh tác lại ít nên cuộc sống gia đình bác trên quê hương mới cũng khá chật vật. Dù kinh tế khó khăn nhưng các con bác Liệu đều ngoan ngoãn, học giỏi. Một ngày đầu tháng 8/2002, cả gia đình bác Liệu như vỡ òa trong vui sướng khi người con đầu Trần Trọng Nhân nhận giấy báo đỗ Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, “niềm vui dài chẳng tày gang”, hai bác lại canh cánh một nỗi lo lấy tiền đâu cho con ăn học. Để có tiền cho con nhập học, hai bác phải chạy ra tận thị trấn “nói khó” với chủ đại lý thu mua cà phê cho ứng tiền trước 3 tạ cà phê non đến khi nào thu hoạch thì tới nhà lấy. Theo gương anh cả, lần lượt Trần Trọng Tín, Trần Trọng Nghĩa, Trần Trọng Lễ và Trần Thị Nhã Ca nối tiếp bước chân vào giảng đường đại học. Gia đình vốn khó khăn, nay lại càng thêm túng bấn vì phải xoay sở nuôi các con ăn học. “Trước đây cứ đến kỳ đóng học phí cho con là tôi chạy vạy khắp nơi, bán cả cà phê non, thậm chí cắt một phần đất ở bán lấy tiền gửi cho các cháu. Có đồng vốn ưu đãi của ngân hàng cho vay, vợ chồng tôi như trút được gánh nặng. Đến nay, ba cháu ra trường và có việc làm ổn định. Còn hai đứa đang học năm thứ hai và thứ ba tại TP Hồ Chí Minh. Trong tổng số tiền gần 50 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi đã trả được một ít”, bác Liệu cho biết.
Cũng nhờ vốn vay từ chương trình tín dụng HSSV mà gia đình cô Nguyễn Thị An, một trong những hộ nghèo ở thôn 3, xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắk đã có điều kiện lo cho các con theo học đại học, cao đẳng. Gia đình cô An có 7 người con thì 6 người học đại học, cao đẳng. Các con đỗ đại học, cao đẳng, vợ chồng cô An vừa mừng vì con được đi học có cái nghề, lại vừa lo vì nhà nghèo không có tiền để nuôi con ăn học. “Có những lúc, gần đến ngày con vào trường nhập học, tôi chạy vạy mượn tiền khắp nơi nhưng nhà nghèo người ta không cho mượn. Gia đình có 3 sào ruộng tôi phải bán đi một nửa lấy tiền cho cháu đến trường. Quyết định thực hiện Chương trình vốn vay tín dụng cho sinh viên nghèo đã giúp gia đình tôi như trút được một phần gánh nặng”, cô An kể.
Đến nay, gia đình cô đã vay được tổng cộng gần 80 triệu đồng. Số tiền này đã góp phần giúp gia đình cô nuôi các con ăn học thành tài. Nhìn các bức ảnh nhận bằng tốt nghiệp đại học của các con, cô An tâm sự: “Với một gia đình ở nông thôn, nuôi một, hai con học đại học đã khó, nói gì đến 6 đứa. Chính sách cho vay vốn HSSV đã giúp những người nông dân nghèo chúng tôi nuôi được con cái học hành thành người để từng bước thoát nghèo. Đây là chương trình thực sự ưu việt và nhân văn”.
Gia đình bác Liệu, cô An chỉ là hai trong số hàng chục nghìn hộ gia đình được tiếp sức cho con tới giảng đường bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Đắk Lắk. Từ năm 2007 đến nay, ngân hàng đã giải ngân trên 953 tỷ đồng cho gần 48.100 hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay vốn. Nhờ đó, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn lại tiếp tục được học tập, thực hiện những ước mơ, hoài bão tiếp thu tri thức và tiến thân trên con đường lập thân, lập nghiệp sau này.
Bà Đỗ Thị Mến, Phó Giám đốc NHCSXH Đắk Lắk cho biết: Từ khi Quyết định 157/2007/QÐ-TTg ra đời, ngân hàng đã thực hiện quyết liệt theo đúng yêu cầu cam kết không để bất cứ sinh viên nghèo nào nghỉ học vì thiếu tiền đến trường.
Tất cả các phòng giao dịch trên địa bàn phải phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác tập trung tuyên truyền, vận động cho những hộ vay nắm được chủ trương, chính sách; hiểu và thực hiện đúng chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, ngân hàng đã thực sự trở thành “bà đỡ” đối với nhiều sinh viên nghèo hiếu học.
Anh Dũng