Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết, đây là lần đầu tiên sau 4 năm, huy động vốn của các TCTD, ngân hàng tại Thành phố có mức tăng trưởng cao hơn so với tín dụng. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8/2019, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD, ngân hàng trên địa bàn đạt hơn 2,398 triệu tỷ đồng; trong đó, tiền gửi dân cư chiếm tới 45% và tăng 7% so với cuối năm 2018.
Với tín dụng, tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 8 đạt 2,187 triệu tỷ đồng; trong đó, tín dụng ngắn hạn chiếm 48%, tín dụng trung dài hạn chiếm 52%. Theo đó, tỷ lệ cho vay bằng VND trong tổng dư nợ hiện chiếm 92%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, để dòng tiền cho vay tập trung vào sản xuất và kinh doanh thay vì đầu tư bất động sản, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên vào đầu tháng 8. Đây là lần thứ hai trong năm, ngành ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh với sự hưởng ứng tham gia của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Cụ thể, đầu năm nay đã có 15 ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh cam kết cho vay 268 ngàn tỷ đồng, hiện đã giải ngân được hơn 150 ngàn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, dư địa còn lại cho các tháng cuối năm khoảng trên 110 ngàn tỷ đồng, tương đương với 5,7% tăng trưởng tín dụng, đảm bảo cán đích mục tiêu tăng trưởng đầu năm của ngành là 14%.
Bàn về vấn đề tăng trưởng huy động cao hơn với tăng trưởng cho vay từ đầu năm đến nay, chuyên gia kinh tế LS.TS Bùi Quang Tín cho biết, đây là tín hiệu tích cực khi chuyển từ cơ chế nhà nước sang cơ chế thị trường, vì NHNN đã thành công trong việc kiểm soát và “nắn” dòng tiền đi đúng hướng. Bởi thứ nhất, việc giới hạn tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 chỉ còn 14%, buộc các TCTD, ngân hàng chọn lọc hồ sơ, ưu tiên cho vay các lĩnh vực sản xuất, giảm cho vay phi sản xuất để tránh rủi ro nợ xấu; đồng thời góp phần cho huy động vốn tăng cao. Thứ hai, nhờ lãi suất huy động cao nên nhiều cư dân, doanh nghiệp gửi tiết kiệm nhàn rỗi của mình vào ngân hàng để sinh lợi tốt hơn, thay vì đầu tư bất động sản, chứng khoán. Chưa kể, đây cũng là kênh thu hút khách hàng để ngân hàng có thể bán các sản phẩm đi kèm khác, giúp ngân hàng tăng thêm lợi nhuận doanh thu, cân đối với mặt bằng lãi suất cho vay đang giảm.
Về vấn đề ngân hàng giảm lãi suất cho vay, nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng là động thái giảm rủi ro nợ xấu trong ngân hàng, giảm gánh nợ cho doanh nghiệp khi có quá nhiều khoản phí, khoản nợ phải trả khi vay. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, đến nay, thanh khoản của các NHTM tại TP Hồ Chí Minh đều ổn định và dồi dào nên các ngân hàng không còn phải lo "tìm chỗ này bù đắp chỗ khác".
Có thể thấy, tính đến hết tháng 8/2019, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD, ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh chỉ còn ở mức 2,56% tổng dư nợ; nếu trừ số nợ xấu của ba “ngân hàng không đồng” thì tỷ lệ nợ xấu chỉ vào khoảng 1,9%.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, hoạt động cho vay sẽ sôi động hơn do nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao trong dịp Tết, do đó NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ có những giải pháp giám sát từ xa để ngăn chặn kịp thời các hoạt động biến tướng trong huy động vốn. Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh sẽ có hình thức xử lý những ngân hàng từ chối cho vay lãi suất ưu đãi đối với những đối tượng ưu tiên để tạo niềm tin cho thị trường.