Đua nhau phát hành trái phiếu
Theo thống kê Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tháng 7/2019 có 23 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, tuy nhiên có một đơn vị không thành công là Công ty Cổ phần Đầu tư đường Mặt trời (do phát hành loại trái phiếu riêng lẻ). Theo đó, lượng trái phiếu doanh nghiệp hút tới 6.764 tỷ đồng và 300 triệu USD, trong khi 6 tháng trước là trên 116.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lượng TPDN phát hành nhiều nhất chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản (BĐS), như Công ty ĐT & PT Du lịch Phú Quốc với 1.710 tỷ đồng, được chia thành nhiều đợt. Kế đến là Công ty Cổ phần Khu Du lịch Bắc Mỹ An, chỉ trong một đợt, phát hành thành công 1.000 tỷ đồng.
Không chỉ thế, hầu hết lãi suất TPDN đều cao ngất ngưởng. Cụ thể, Công ty TNHH Mặt trời Sông Hàn phát hành 2 đợt, mỗi đợt 100 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, lãi suất cố định 2 năm đầu là 10%/năm, sau đó lãi suất thả nổi bằng lãi suất tiết kiệm 5 năm của VPBank + 2,25%/năm. Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Công phát hành kỳ hạn 2 năm thì lãi suất cố định chốt ở mức 12%/năm. Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest và Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) phát hành TPDN cũng 12%/năm.
Tuy nhiên, lãi suất cao nhất trong nhóm trái phiếu BĐS là Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR). Trong 6 tháng đầu năm, PDR đã phát hành 3 đợt trái phiếu, trong đó đợt phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm hồi tháng 3 có lãi suất lên tới 14,5%/năm, 2 đợt phát hành trong tháng 5 với lần lượt 100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn một năm lãi suất 12%/năm và 550 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm lãi suất 10,5%/năm. Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PDR, cho biết lãi suất 14,45%/năm mà công ty này đưa ra chưa phải là cao.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), việc doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu một phần đến từ lộ trình hạn chế tín dụng vào bất động sản mà Chính phủ đưa ra. Đó là giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay tiêu dùng trị giá trên 3 tỷ đồng. Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, TPDN vốn là “cuộc chơi” của các tổ chức chuyên nghiệp, nhưng trong nửa đầu năm lại có khoảng 7% nhà đầu tư cá nhân rót tiền tham gia.
Bàn thêm vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho biết, nguyên nhân là nhu cầu vốn của doanh nghiệp rất lớn, trong khi đó, việc vay vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn vì đòi hỏi các điều kiện khắt khe, phải có tài sản thế chấp, đảm bảo. Mặt khác, 70% nguồn vốn hệ thống ngân hàng cho vay mức dài hạn lại lấy từ dòng vốn huy động ngắn hạn, do đó khó đáp ứng đủ nhu cầu vốn trung và dài hạn của DN, nếu có đáp ứng được thì cũng không bền vững. Chính vì vậy, từ khi có Nghị định 163/2018/NĐ - CP, tốc độ phát triển của TPDN diễn ra nhanh hơn, khá nhiều DN dần dần chuyển kênh huy động vốn từ hệ thống ngân hàng sang huy động từ phát hành trái phiếu, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là các công ty bất động sản. Theo đó, TPDN đang được xem là điểm tựa mới cho các DN cần nguồn vốn trung và dài hạn.
Lãi suất cao đi kèm rủi ro lớn
Chuyên gia Bùi Quang Tín cũng tỏ ra lo ngại, khi DN phát hành TPDN bao nhiêu thì ngân hàng thương mại (NHTM) lại “ôm” gần bấy nhiêu, trong khi đó lãi suất TPDN lại rất cao. Tiến sĩ Tín cho rằng, cần phải có sự cân đối giữa chi phí trả cho người mua và tỷ suất sinh lời từ nguồn vốn huy động được.
Điển hình như trong đợt phát hành trái phiếu 740 tỷ đồng kỳ hạn 7 năm của Công ty Cổ phần Dịch vụ cáp treo Bà Nà cuối tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là đơn vị ôm trọn số trái phiếu này. Trước đó, ngày 29/5, Công ty Cổ phần Dịch vụ cáp treo Bà Nà cũng đã phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm với lãi suất 10,3%/năm.
Đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản, 800 tỷ đồng trái phiếu của VPI phát hành ngày 9/5 vừa qua đã được Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mua toàn bộ. Số trái phiếu này có lãi suất 12%/năm.
Theo chuyên gia Bùi Quang Tín, mặc dù quy mô thị trường TPDN hiện vẫn còn nhỏ nên một số đợt phát hành với lãi suất 12-14,5%/năm chưa tác động nhiều đến hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Tuy nhiên, theo định hướng của NHNN là tăng trưởng tín dụng thấp, đặc biệt siết tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản. Bởi khi phát hành trái phiếu với lãi suất 12-14%/năm, tỷ suất sinh lời phải đạt trên 20% mới cân đối được, trong khi đây là tỷ lệ không dễ đạt được trong thời kỳ thị trường tăng trưởng chậm.
“Về nguyên tắc, lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao. Trong thời điểm này, những kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời trên 10%/năm sẽ có rủi ro càng lớn. Điều này càng quan trọng khi cách thức tiếp cận thông tin về DN của nhà đầu tư hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nhà đầu tư muốn mua TPDN, đặc biệt là của các công ty bất động sản cần đặc biệt chú trọng các yếu tố như độ minh bạch của báo cáo tài chính, tính pháp lý của dự án, độ hợp lý trong vấn đề định giá…”, chuyên gia Bùi Quang Tín chia sẻ.
Ngoài ra, chuyên gia Bùi Quang Tín cũng khuyến cáo, hiện đa phần TPDN được phát hành theo hình thức riêng lẻ, chỉ khoảng 3-5% phát hành đại chúng. Trái chủ phổ biến là các NHTM, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm. Nhóm trái chủ này có bộ phận phân tích tài chính DN nên độ rủi ro vẫn chưa lớn. Nhưng nếu nhà đầu tư cá nhân tham gia cần thận trọng vì để các nhà đầu tư cá nhân thẩm định được hồ sơ phát hành trái phiếu của DN là điều khó vô cùng.
Đó cũng là lí do vừa qua NHNN yêu cầu các NHTM phải rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định, đặc biệt liên quan đến hoạt động mua TPDN như: Quy định về quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt và quyết định mua TPDN, nguyên tắc, chỉ tiêu đánh giá, xác định mức độ rủi ro mua trái phiếu.
NHNN yêu cầu các NHTM không được mua TPDN, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành. Các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro.