Theo NHNN từ đầu năm đến nay, hoạt động đầu tư TPDN của các NHTM tiềm ẩn rủi ro khi một số ngân hàng có số dư đầu tư TPDN chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh.
Đặc biệt, số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn khi thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn; đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát; tiếp tục đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành năm 2019.
Nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, NHNN yêu cầu các NHTM phải rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định, đặc biệt liên quan đến hoạt động mua TPDN như: Quy định về quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt và quyết định mua TPDN, nguyên tắc, chỉ tiêu đánh giá, xác định mức độ rủi ro mua trái phiếu.
NHNN yêu cầu các NHTM không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành. Các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro.
Không chỉ vậy, phải tăng cường kiểm tra, giám sát sau cho vay, đặc biệt giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích, thường xuyên theo dõi, đánh giá để xác định sớm các dấu hiệu bất thường về khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp.
Trước đó, một số chuyên gia tài chính cũng bày tỏ sự lo ngại về mức độ rủi ro của trái phiếu là cao, lợi nhuận lớn khi đầu tư vào TPDN. Với mặt bằng lãi suất huy động hiện nay, một kênh đầu tư có mức sinh lời cao trên 10% đương nhiên cũng sẽ có độ rủi ro tương ứng. Trong khi đó, so với các nhà đầu tư tổ chức thì nhà đầu tư cá nhân hiện nay đang chịu nhiều rủi ro do không có đủ năng lực và điều kiện để thẩm định doanh nghiệp trước khi mua trái phiếu.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, khi thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu, bản thân các NHTM (thông qua các công ty chứng khoán) gần như phải bao tiêu toàn bộ lượng trái phiếu mà doanh nghiệp bán ra. Trường hợp các khâu thẩm định hoặc phân phối không được thực hiện tốt, trái phiếu bán chậm hoặc không bán được thì NHTM sẽ trở thành bên cho vay hoặc nhà đầu tư.
“Do mức độ minh bạch thông tin ở nhiều doanh nghiệp thường không cao nên các NHTM tham gia bảo lãnh phát hành trái phiếu cũng có thể đối mặt với những "rủi ro kép" khi tham gia bảo lãnh cho các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả. Bởi nhà đầu tư trái phiếu được phép cầm cố trái phiếu để vay vốn từ chính ngân hàng bảo lãnh”, TS Cấn Văn Lực nói.