VN-Index đảo chiều khởi sắc, rủi ro giảm điểm còn hiện hữu

Sau phiên “hoảng loạn” đầu tuần, trong phiên sáng 6/8, chỉ số VN-Index đã xanh trở lại, tiến sát mốc 1.200 điểm, nhờ lực cầu tích cực.

Chú thích ảnh
Sự hồi phục của nhóm cổ phiếu bluechip là điểm tựa chính giúp thị trường tìm lại sắc xanh, VN-Index thử thách ngưỡng tâm lý mạnh 1.200 điểm.

Tâm lý “hoảng sợ” tạm thời lắng dịu

Chốt phiên sáng 6/8, VN-Index tăng 10,22 điểm (+0,86%) lên 1.198,29 điểm với 272 mã tăng và 123 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 329,27 triệu đơn vị, giá trị 7.369,6 tỷ đồng, tăng 17,26% về khối lượng và 11,68% về giá trị so với phiên sáng 5/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,2 triệu đơn vị, giá trị 507,14 tỷ đồng.

Trong phiên sáng 6/8, nhóm VN30 cùng hồi phục tích cực, mức tăng hơn 10,5 điểm với 23 mã tăng và chỉ còn 6 mã giảm.

Ngược lại, cổ phiếu VNM đóng góp tốt nhất cho thị trường trong sáng 6/8 với gần 1,7 điểm, mức tăng mạnh của VNM lên tới 4,6%, tức là 72.600 đồng/cổ phiếu. Đây được xem là mức giá cao nhất trong khoảng 10 tháng qua; đồng thời, thanh khoản sôi động khi đứng ở vị trí thứ 6 toàn thị trường với gần 8,2 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các cổ phiếu ngân hàng cũng đóng góp tích cực về mặt thanh khoản khi mã SHB khớp gần 12,5 triệu đơn vị; TCB và MBB cùng khớp hơn 10 triệu đơn vị. Chốt phiên sáng 6/8, MBB tăng 1,3%, SHB tăng 1%.

Chốt phiên sáng 6/8, sàn HNX có 68 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index tăng 0,67 điểm (+0,3%) lên 223,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 26,2 triệu đơn vị, giá trị gần 462 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,17 triệu đơn vị, giá trị 127,34 tỷ đồng, trong đó riêng GKM thỏa thuận hơn 2,81 triệu đơn vị, giá trị hơn 122 tỷ đồng. Theo đó, mã SHS tăng khá mạnh 2,1% lên 14.400 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt 4,82 triệu đơn vị; MBS tăng 2,1% lên mức 28.700 đồng/cổ phiếu và khớp 1,89 triệu đơn vị hay BVS tăng 3%...

Mặc dù, nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì áp lực bán tương đương sáng 5/8 với hơn 1000 tỷ đồng nhưng mức bán ròng chỉ là -379,9 tỷ đồng (sáng 5/8 đạt -481,3 tỷ). 

Ky vọng phục hồi sau ‘cú rơi’ giảm sâu

Phiên ngày 5/8 đã khiến nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng khi chỉ số VN-Index sụt gần 50 điểm xuống dưới 1.200 điểm, thấp nhất trong hơn 3 tháng gần đây nhất. Mức sụt giảm xấp xỉ 4% được coi là mức giảm mạnh thứ 2 kể từ đầu năm của VN-Index, chỉ sau phiên ngày 15/4 khi chỉ số mất 60 điểm (-4,7%).

Thống kê dữ liệu cho thấy từ khi biên độ HoSE trở lại mức +/-7% đầu năm 2013 đến nay, chỉ số VN-Index đã có 24 lần giảm trên 4% trong một phiên, đa phần tập trung trong giai đoạn 2020 - 2022, sau khi đại dịch COVID-19 “phủ bóng đen” lên thị trường tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên một số chuyên gia nhận định: TTCK thường hồi phục khá nhanh sau những cú rơi sâu. Theo thống kê, VN-Index đã có 15/24 lần tăng điểm trở lại ngay sau phiên giảm hơn 4%, như vậy xác suất phục hồi của chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam lên đến 62,5%.

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng; TTCK toàn cầu có những sự liên thông nhất định, có thể không cùng tăng nhưng khi giảm thì thường giảm cùng nhau. “Dù không có mối liên hệ trực tiếp nhưng mức độ thận trọng của nhà đầu tư tại Việt Nam cũng như toàn cầu thường rất cao. Hiện rất khó để có thể đưa ra một dự báo chính xác về thị trường trong bối cảnh đang có quá nhiều yếu tố bất định”, đại diện BSC băn khoăn.

Phía Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam dự báo: Trong ngắn hạn nhà đầu tư cực kỳ thận trọng, tạm thời đóng các vị thế giao dịch ngắn hạn và quan sát thêm diễn biến của thị trường. Ngưỡng kháng cự quan trọng là ngưỡng 1.250 điểm và vùng hỗ trợ cần quan sát là vùng 1.180 - 1.200 điểm.

Tập đoàn Tài Chính Mirae Asset (Hàn Quốc) cũng đưa ra lo ngại rủi ro chứng khoán giảm điểm còn hiện hữu. Đó là: Thị trường lao động suy yếu tại Mỹ có khả năng sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải hành động nhanh hơn cùng với các đợt cắt lãi suất có quy mô lớn và liên tục. Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư vào nhóm cổ phiếu công nghệ dần hạ nhiệt tại Mỹ. Nhà đầu tư lo sợ thị trường sẽ bước qua giai đoạn tương tự với sự kiện bong bóng Dotcom năm 2000. 

“Rủi ro xung đột leo thang và toàn diện giữa Israel và Iran cùng các đồng minh tại khu vực Trung Đông hay xung đột thương mại giữa Mỹ - Trung sẽ làm kéo dài thời gian phục hồi của giao thương toàn cầu”, nhóm phân tích Mirae Asset lo ngại. 

Từ những phân tích trên, Mirae Asset cho rằng: Diễn biến giao dịch ở những phiên đầu tiên của tháng 8/2024 đang phản ánh sự e ngại rủi ro của nhà đầu tư, đặc biệt nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước. Dù vậy, rủi ro giảm điểm vẫn còn hiện hữu khi áp lực giảm điểm chung trên các nền thị trường chứng khoán lớn sẽ góp phần tác động tiêu cực đến diễn biến giao dịch tại thị trường Việt Nam.

Trong viễn cảnh kém khả quan nhất, Mirae Aset kỳ vọng: Thị trường sẽ tìm thấy lực cầu tại các vùng định giá hấp dẫn của VN-Index, tiêu biểu như vùng -1 đến -2 lần độ lệch chuẩn so với Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) bình quân 10 năm gần nhất, kéo dài trong khoảng 1.050 - 1.150 điểm.  “Kỳ vọng vùng hỗ trợ này dựa trên đánh giá sự cải thiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 7 tháng năm nay và xu hướng phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2024”, báo cáo Mirae Asset nêu.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối Phân tích và Phát triển sản phẩm, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết: Chỉ số VN-Index đang về vùng đáy của tháng 4/2024, định giá về mức thấp. “Theo nhìn nhận, 2024 là năm không có nhiều lý do để chỉ số VN-Index thủng mốc 1.200 điểm song điều này lại xảy ra. Vì vậy, tôi cho rằng một vài phiên tới TTCK sẽ hồi phục và lấy lại mốc 1.200 điểm, bởi với đà bán tháo xảy ra đồng loạt trên toàn cầu, tất cả yếu tố xấu và rủi ro đã phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu ngày 5/8”, ông Nguyễn Thế Minh nhận định.

Do vậy theo ông Minh, nhà đầu tư đang nắm tỷ trọng cổ phiếu cao, nếu không áp lực về (giao dịch ký quỹ) margin, không cần thiết bán vào thời điểm này vì sẽ bất lợi. “Với nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn, nếu có ‘khẩu vị’ rủi ro cao, có thể cân nhắc giải ngân thăm dò với tỷ trọng thấp; nếu ngại rủi ro, có thể chờ đến khi thị trường xác lập xu hướng rõ hơn. Hiện vùng này giải ngân là khá hợp lý trong bối cảnh kinh tế trong nước đang giai đoạn hồi phục và tăng trưởng trong thời gian tới”, lãnh đạo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đưa ra lời khuyên.

 

Bài, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Hàn Quốc kích hoạt cơ chế 'tạm dừng giao dịch' do chứng khoán giảm mạnh
Hàn Quốc kích hoạt cơ chế 'tạm dừng giao dịch' do chứng khoán giảm mạnh

Chứng khoán Hàn Quốc ngày 5/8 ghi nhận mức giảm mạnh nhất sau gần 9 tháng, vốn hóa thị trường "bốc hơi" 235.000 tỷ won (171,5 tỷ USD) trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ của nhà đầu tư ngày một gia tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN