Vietravel Airlines cần điều chỉnh dự án để đảm bảo khả thi

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế góp ý hồ sơ dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (dự án Vietravel) của Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam (Công ty Vietravel Airlines).

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, dự án đủ điều kiện để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, dự án Vietravel Airlines cần điều chỉnh một số nội dung để đảm bảo tính khả thi.

Cụ thể, mô hình khai thác dự kiến của dự án Vietravel Airlines là cung cấp chuyến bay thuê chuyến (charter) phục vụ du lịch. Mô hình này cần được khuyến khích vì hiện tại, Việt Nam chưa có hãng hàng không cung cấp dịch vụ này. Trên thế giới hiện có khoảng 30 hãng hàng không và công ty du lịch áp dụng mô hình khai thác này. Một số công ty như: Pegas (Thổ Nhỹ Kỳ), Nord Wind (Nga) đã khai thác theo mô hình này đến Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cũng nhận định, mô hình khai thác này của Công ty Vietravel Airlines tiềm ẩn khó khăn. Thực tế khai thác cho thấy, khách du lịch thường xuất phát từ các trung tâm vận tải hàng không như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hoà). Trong trường hợp khai thác các chuyến bay thuê chuyến không hiệu quả, Công ty sẽ khai thác thường lệ và sẽ phải sử dụng các Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh để đậu tàu bay qua đêm. Điều này góp phần gây khó khăn chung cho hệ thống hạ tầng hàng không.

Hơn nữa, với mô hình khai thác thuê chuyến, Công ty Vietravel Airlines sẽ khó có được slot (giờ hạ cất cánh) tại các Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng... vì mới tham gia thị trường, không thể có slot lịch sử. Do đó, Vietravel Airlines cần xây dựng kế hoạch khai thác linh hoạt phù hợp với thực tiễn tại các cảng hàng không nêu trên.

Đánh giá về mạng đường bay của Vietravel Airlines, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, mạng đường bay nội địa dự kiến khai thác tập trung vào các cảng hàng không thứ cấp như: Huế, Chu Lai, Vân Đồn, Hải Phòng, Cần Thơ..., gắn với nhu cầu vận chuyển khách du lịch của Công ty lữ hành Vietravel và các đường bay kết nối các cảng hàng không với nhau theo nhu cầu của khách du lịch.
 
Mạng đường bay quốc tế khai thác các đường bay từ các Cảng hàng không Phú Bài, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và các cảng hàng không quốc tế thứ cấp khác đi/đến các nước trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á... và các điểm du lịch tại châu Úc, châu Âu, châu Mỹ. Việc xây dựng mạng đường bay này phù hợp với quy hoạch mạng đường bay của các hãng hàng không Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ  lưu ý Vietravel Airlines cần tính toán kế hoạch khai thác các đường bay quốc tế đi/đến Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... phù hợp với slot của cảng hàng không chính tại các quốc gia này, nhất là slot cho các hãng khai thác thuê chuyến.

Ngoài ra, mạng đường bay của Vietravel Airlines cần thể hiện được sự phù hợp với kết cấu hạ tầng hàng không trong trường hợp có khai thác thường lệ các đường bay quốc tế, nội địa.

Liên quan đến việc Vietravel lựa chọn Cảng hàng không quốc tế Phú Bài làm sân bay căn cứ và khai thác các đường bay phục vụ khách du lịch theo hình thức thuê chuyến, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá “cơ bản phù hợp với năng lực của kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay”. Tuy nhiên, việc đỗ toàn bộ đội tàu bay qua đêm tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, một cảng hàng không có thị trường đi/đến không cao, nên việc tổ chức khai thác hàng ngày sẽ gây khó khăn cho hoạt động khai thác.

Bộ Giao thông Vận tải cũng lưu ý Vietravel Airlines về tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất, cụ thể là các hãng hàng không đã sử dụng hết các vị trí đỗ tàu bay qua đêm, giờ hạ cất cánh (slot) tại các khung giờ trong ngày. Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hiện vẫn còn vị trí đỗ tàu bay qua đêm và còn slot khai thác cho các hãng hàng không Việt Nam, song nguồn tài nguyên này sẽ đến giới hạn khai thác trong thời gian tới trước sự gia tăng về khai thác của các hãng hàng không….

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng đánh giá kế hoạch nhân sự của Vietravel Airlines, Bộ cho rằng dự án có quy mô khai thác và kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực, kế hoạch đào tạo và phương án đảm bảo khai thác, bảo dưỡng như báo cáo, dự án Vietravel Airlines không tạo áp lực với tổng thể nguồn nhân lực của ngành hàng không.

Quang Toàn (TTXVN)
Vietravel chính thức niêm yết trên sàn UPCoM với mã chứng khoán VTR
Vietravel chính thức niêm yết trên sàn UPCoM với mã chứng khoán VTR

Ngày 27/9, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đã diễn ra lễ khai trương giao dịch cổ phiếu Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel (mã chứng khoán: VTR).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN