Theo thông tin từ đại diện của Vietjet, doanh nghiệp này đã hoàn thành việc đăng ký và được chấp thuận niêm yết tại HOSE từ ngày 6/2 và dự kiến sẽ niêm yết 300 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị cổ phiếu niêm yết theo mệnh giá là 3.000 tỷ đồng.
Mặc dù chưa chính thức công bố giá chào sàn, nhưng thông tin trong bản cáo bạch của Vietjet cho biết, mức giá tham chiếu được đưa ra trong ngày lên sàn là 90.000 đồng/cp, tương ứng với mức vốn hóa 27,000 tỷ đồng (2,1 tỷ USD).
Trước đó, Vietjet đã hoàn tất đợt chào bán đấu giá 44,8 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với cổ phần được chào bán là cổ phiếu do cổ đông hiện hữu đang nắm giữ.
Chia sẻ với phóng viên liên quan tới hoạt động IPO, CEO của Vietjet bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, cổ phiếu của hãng được đón nhận ở những thị trường lớn nhất thế giới như Hong Kong, London, Singapore và Mỹ với sự tham gia của các định chế tài chính thế giới.
Hiện Vietjet có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng với 664 cổ đông theo danh sách chốt đến ngày 12/1. Trong đó có 3 cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn điều lệ là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (23,24%), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (9,42%) và Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore (5,48%).
Sau 5 năm cất cánh, Vietjet là hãng hàng không có thị phần nội địa đứng thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Đây cũng là hãng hàng không có mức tăng trưởng cao nhất trên toàn thị trường.
Năm 2016, Vietjet đạt hơn 27. 232 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 38,7% so với năm trước. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 2.292 tỷ đồng, tăng trưởng 95,8% so với 2015.
Theo kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2017 - 2019, Vietjet đặt mục tiêu doanh thu tăng mạnh 49% ngay trong năm đầu tiên, lãi 3.395 tỷ đồng, tương ứng 64%. Hãng cũng cam kết mức cổ tức trong giai đoạn này sẽ duy trì ở mức 50%, trong đó ít nhất 30% bằng tiền mặt.