Lạc quan Việt Nam sẽ vượt qua “cơn gió ngược”
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ, tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với 10/2023. Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm thì vốn đầu tư mới và GVMCP vẫn tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ.
Cụ thể, có 2.865 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 58,1% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 16,41 tỷ USD (tăng 42,4% so với cùng kỳ). Có 1.152 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 15,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 6,47 tỷ USD (giảm 32,1% so với cùng kỳ).
Bên cạnh đó, có 3.166 giao dịch GVMCP của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 4% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 5,97 tỷ USD (tăng 46,4% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022, tăng nhẹ 0,5 điểm phần trăm so với 10/2023.
Những số liệu này đã thể hiện khá rõ Việt Nam vẫn là khu vực hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, chủ yếu nhờ niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định và cởi mở của Việt Nam.
Trong khi đó, VinaCapital rất lạc quan cho rằng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2024 nhờ sự phục hồi của xuất khẩu và các ngành sản xuất. Còn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã xếp Việt Nam vào danh sách 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất toàn cầu vào năm 2024, với con số dự kiến là 5,8%.
Theo ông Khanh Vũ, Phó Tổng giám đốc VinaCapital Vietnam Opportunity Fund, niềm tin này đến từ nguyên nhân Việt Nam là một trong những quốc gia có kết nối giao thương đa dạng hàng đầu thế giới thông qua các hiệp định thương mại, đây là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải thiện hạ tầng, gia tăng khả năng cạnh tranh, nếu không những khó khăn sẽ tích lũy khiến các chi phí như logistics tăng mạnh làm giảm sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Bên cạnh đó là nguồn nhân lực, muốn vượt qua bẫy thu nhập trung bình thì cần lực lượng lao động có tay nghề và chuyên môn cao hơn.
Còn theo ông Shanaka Peiris, Trưởng bộ phận Nghiên cứu khu vực thuộc Vụ châu Á, Thái Bình Dương của IMF, các dấu hiệu sự phục hồi của Việt Nam đã có, bao gồm cả trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, bất động sản hay ngành tài chính. Theo đó, khi những biện pháp cải cách được thực hiện, Việt Nam sẽ vượt qua được những “cơn gió ngược” ngắn hạn và duy trì được động lực tăng trưởng trong trung hạn, dựa trên sự hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Dòng vốn đầu tư sẽ chảy mạnh
Không phải ngẫu nhiên các chuyên gia kinh tế lạc quan về sự tăng trưởng của Việt Nam, bởi hơn 35 năm qua, Việt Nam luôn là điển hình thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho biết, gần 1/3 thành viên nhóm châu Âu đã tin tưởng Việt Nam và xếp Việt Nam là 1 trong 3 địa điểm đầu tư hàng đầu.
Không chỉ niềm tin thuần túy, hơn ½ số người được khảo sát trong nhóm châu Âu cũng dự đoán các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam khi năm 2023 kết thúc.
Không chỉ nhóm châu Âu, các nhà đầu tư Mỹ đang tiếp tục dồn mối quan tâm đến Việt Nam, trong đó là tâm điểm của chuỗi cung ứng toàn cầu, trọng tâm là ngành công nghiệp bán dẫn. Có thể thấy, "ông lớn" Apple đã liên tục hối thúc các nhà sản xuất của mình dịch chuyển tới Việt Nam và kết quả là lần lượt Foxconn, Luxshare, Winston, Pegatron, Compal, Goetek… đã tới Việt Nam để thiết lập các nhà máy sản xuất quy mô hàng trăm, thậm chí hàng tỷ USD.
Cụ thể, đầu tháng 11/2023, Luxshare đã quyết định tăng vốn đầu tư từ 174 triệu USD hiện tại lên 504 triệu USD để mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Trong khi đó, Goetek cũng không ngừng rót vốn vào Việt Nam với quy mô hiện tại lên hơn 1 tỷ USD; còn Foxconn đầu tư thêm tại các nhà máy Bắc Ninh, Bắc Giang và tới đây, có thể ở cả Thanh Hóa. Bên cạnh các nhà đầu tư châu Âu, châu Mỹ, sự trở lại của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có sự chú ý.
Tuy nhiên, để việc đầu tư vào Việt Nam thuận lợi hơn, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ưa “khẩu vị” M&A. Cụ thể, trong danh sách các thương vụ M&A tiêu biểu năm 2023, ngoại trừ thương vụ Vinfast Auto hợp nhất với Black Spade Acquisition Co, có thể kể đến thương vụ Sumitomo chi khoảng 1,5 tỷ USD mua 15% cổ phần VPBank, AEON chi 4.300 tỷ đồng mua 100% vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện từ SeABank, ESR đầu tư 450 triệu USD mua cổ phần BW Industrial…
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu như giai đoạn trước, vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu chảy mạnh vào lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu thì gần đây, trọng tâm được dịch chuyển sang ngành có tỷ trọng lớn như tài chính, bất động sản, tiêu dùng thiết yếu và cả không thiết yếu, năng lượng và tiện ích.
Ông Nguyễn Công Ái, Phó Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam cho biết, trước đây, khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thường hay đòi hỏi pháp lý phải hoàn hảo, nhưng gần đây, cùng với việc bên bán là doanh nghiệp Việt Nam đưa ra các mức giá phù hợp, đồng thời nỗ lực trong việc chịu trách nhiệm hoàn thiện các thủ tục pháp lý nên đã có những thương vụ nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận mức rủi ro nhất định.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Ái, huy động vốn đầu tư nước ngoài qua phát hành cổ phần, bán phần vốn góp là hướng đi cần được khuyến khích với các doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh.
Dự báo về nhóm ngành sẽ sôi động và đặc biệt thu hút đầu tư vốn ngoại trong năm 2024, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Công ty chứng khoán DSC cho biết, đó là ngành tài chính và bất động sản. Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đã lên kế hoạch phát hành chiến lược cho nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến sẽ có nhiều thương vụ tiếp nối sau Sumitomo.
“Với bất động sản, dòng vốn ngoại đang “chực chờ” để thu gom dự án, quỹ đất đang rất lớn. Tất nhiên, vẫn cần những quy định mới của Chính phủ để tháo gỡ các vấn đề pháp lý để kích hoạt làn sóng tiềm năng này”, ông Bùi Văn Huy chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Ái cho rằng, các nhà đầu tư trong nước đã đến lúc phải bán đi một số dự án với mức giá chấp nhận được, khi nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng tham gia thị trường, điều này sẽ tạo cơ hội cho các thương vụ M&A diễn ra sôi động hơn trong thời gian tới.
“Hiện nay, Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế đến cấp độ rộng lớn, ký 16 hiệp định thương mại tự do, sắp ký thêm 1 hiệp định, trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất trên thế giới, mở ra nhiều cánh cửa cơ hội, thu hút nhiều khoản đầu tư. Khoảng 3 năm tới, chúng ta sẽ thấy thị trường M&A của Việt Nam đạt con số 20 tỷ USD”, bà Bình Lê Vandekerckove, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thương vụ ASART nhận định.