Cuộc hội thảo bàn tròn do Phó Hiệu trưởng phụ trách Quan hệ quốc tế của FEFU, Giám đốc Viện Phương Đông - Trường Nghiên cứu Khu vực và Quốc tế của FEFU Evgeny Vlasov và Phó Giám đốc Viện Phương Đông FEFU Artem Lukin điều hành.
Cuộc hội thảo bàn tròn đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tới 8,02% trong năm 2022 sau đại dịch COVID-19,và tổng cộng, 3,7 triệu khách du lịch đã đến Việt Nam cùng năm đó. Hội thảo cũng đề cập mối quan hệ hợp tác không thể không nhắc tới giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí, điển hình là 2 liên doanh VietXoPetro tại Việt Nam và liên doanh RusVietPetro tại Nga.
Trong phát biểu của mình, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vladivostok Nguyễn Đăng Hiền đặc biệt lưu ý tới mức thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao vào nền kinh tế Việt Nam. Theo thống kê, vốn FDI đăng ký và bổ sung vào Việt Nam đã đạt hơn 25,1 tỷ USD. Ông Nguyễn Đăng Hiền cho biết duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư là những thế mạnh nổi bật của Việt Nam, để Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Nguyễn Đăng Hiền cũng cho rằng hai nước còn nhiều tiềm năng trong hợp tác về du lịch, song chưa tận dụng hết các cơ hội phát triển, trong đó có việc thu hút thêm khách du lịch từ Việt Nam đến Nga. Để làm được điều này, trước hết cần nối lại các chuyến bay thẳng, kết hợp với việc mở văn phòng quảng cáo giữa hai nước, điều này sẽ giúp ngành du lịch Nga và Việt Nam tiến thêm một bước nữa. Chính phủ Nga cũng có thể xem xét miễn thị thực cho du khách Việt Nam trong 15 ngày để kích cầu du lịch.
Trong khi đó, Đại diện Thương mại Việt Nam tại Viễn Đông Nguyễn Hồng Thành đánh giá Viễn Đông hiện đóng một vai trò quan trọng trong chính sách xoay trục của Chính phủ liên bang Nga sang phương Đông. Đây là cửa ngõ quan trọng trong quan hệ của Nga với các nước đang phát triển năng động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và Việt Nam sẵn sàng trở thành một trong những cầu nối kinh tế, thương mại và đầu tư của Nga với thế giới. Ông Nguyễn Hồng Thành cho biết nổi bật nhất trong quan hệ kinh tế thương mại giữa vùng Viễn Đông và Việt Nam là sự kiện hãng tàu biển FESCO nối lại tuyến đường biển vận tải container hàng hóa thẳng cảng Vladivostok - Hải Phòng - Hồ Chí Minh và ngược lại từ tháng 5/2022. Đến nay, tuyến vận tải này đã vận chuyển được gần 20.000 TEU hàng hóa hai chiều giữa Nga và Việt Nam. Được biết, FESCO đang có kế hoạch xây dựng điểm trung chuyển tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh để chuyển tiếp hàng hóa Nga tới những thị trường xa hơn như Indonessia, Malaysia, Thái Lan, Mianma, Ấn Độ… và ngược lại.
Bên cạnh FESCO, hiện nay các hãng tàu biển như OOO Transit, AO Transinergi cũng đã bắt đầu khai thác tuyến đường biển từ Viễn Đông tới Việt Nam. Các hãng tàu này sẽ tạo ra sự cạnh tranh tốt trong hoạt động kho vận làm giảm cước vận tải, tăng chất lượng dịch vụ, đem lại thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa hai bên trên thị trường của nhau. Ông Nguyễn Hồng Thành đánh giá Viễn Đông sẽ là điểm đến đầu tư tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu có kênh cung cấp đầy đủ thông tin về các tiềm năng này cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Một số lĩnh vực rất tiềm năng có thể quan tâm như xây dựng dân dụng và xây dựng công nghiệp tại các vùng của Viễn Đông, sản xuất đồ gỗ từng phần theo đơn hàng quốc tế, khai thác than và khoáng sản với công nghệ mới, triển khai trung tâm phát triển công nghệ cao tại đảo Russkyi, chế biến thực phẩm bằng nguyên liệu sở tại và nhập khẩu từ Việt Nam…