Hiệp định MAAC được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Hội đồng châu Âu (EC) cùng phát triển vào năm 1988 và được sửa đổi bởi Nghị định thư năm 2010 để mở rộng cho các nước không phải thành viên OECD, Liên minh Châu Âu (EU) tham gia. MAAC là một khuôn khổ pháp lý quốc tế đa phương toàn diện nhất hiện nay quy định bao quát các hình thức hợp tác quốc tế về hành chính thuế để giải quyết trốn thuế và tránh thuế, như trao đổi thông tin (theo yêu cầu, tự động, tự nguyện), kiểm tra thuế đồng thời, kiểm tra thuế ở nước ngoài, hỗ trợ thu hồi nợ thuế, ...; và một số quy định khác về hiệu lực, phê duyệt, bảo lưu, bãi ước Hiệp định MAAC. Tính đến ngày 30/01/2023, MAAC đã có 146 nước tham gia ký kết.
Ngoài ra, MAAC là công cụ toàn cầu hữu hiệu nhất cho hoạt động hợp tác đa phương trong trao đổi thông tin và các hình thức hỗ trợ hành chính khác về thuế. Tham gia MAAC sẽ tạo khuôn khổ pháp lý đa phương để mở rộng hợp tác quốc tế về hành chính thuế, đem lại rất nhiều lợi ích, tạo tiền đề để Việt Nam tham gia ký Thỏa thuận đa phương giữa các Nhà chức trách có thẩm quyền (MCAA) về trao đổi tự động thông tin tài khoản tài chính (CRS), báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (CbC) và các quy tắc thuế khác. Hiệp định cũng cung cấp căn cứ pháp lý về hợp tác hành chính thuế với nhiều nước, giúp gia tăng nhanh chóng mạng lưới trao đổi thông tin với các bên tham gia MAAC.
Việc gia nhập MAAC cũng là điều kiện cần thiết theo yêu cầu đối với thành viên Diễn đàn hợp tác thực hiện chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận. Đây là tiêu chí của EU đánh giá mức độ hợp tác của một quốc gia về các vấn đề thuế. Vì thế, tham gia MAAC góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác với các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế đa phương như APEC, ASEAN.
Phát biểu trước lễ ký, Phó Tổng thư ký OECD Yoshiki Takeuchi bày tỏ hoan nghênh việc Việt Nam ký thỏa thuận MAAC, cho rằng đây là tín hiệu rõ ràng thể hiện quyết tâm ngăn chặn hành vi trốn thuế ở nước ngoài, tiến tới minh bạch thuế, ứng phó với các dòng tài chính bất hợp pháp. Theo ông Takeuchi, bước đi này của Việt Nam, tiếp theo quyết định tham gia Diễn đàn toàn cầu về minh bạch và trao đổi thông tin về thuế vào tháng 12/2019, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với chương trình nghị sự minh bạch về thuế toàn cầu.
Ông Takeuchi đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các tiêu chuẩn tối thiểu của Dự án chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS), bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ sớm tham gia ký kết thỏa thuận này.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Đặng Ngọc Minh, sau khi tham gia hiệp định, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tăng cường xây dựng hạ tầng cơ sở thông tin để trao đổi và khai thác thông tin từ các nước, đặc biệt là thông tin của người nước ngoài, thông tin của các tập đoàn xuyên quốc gia. Để thực hiện việc này, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng, hiện đại hóa hệ thống cơ sở thông tin, đảm bảo quy chuẩn bảo mật thông tin quốc tế, triển khai khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý thuế, hội nhập quốc tế và khu vực.
OECD hiện có 38 nước thành viên, trong đó đa số là những nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Tổ chức hiện có trụ sở tại Paris, Pháp.