OECD nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 2,6%

Trong một báo cáo công bố ngày 17/3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá kinh tế toàn cầu đã và đang trên đà cải thiện, trong bối cảnh cú sốc lạm phát đã hạ nhiệt. OECD đã nâng mức dự báo tăng trưởng cho các nền kinh tế lớn trên thế giới, song cũng cho rằng tình trạng tăng lãi suất sẽ khiến các rủi ro duy trì ở mức cao.

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại một chợ ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu mang tên "Sự phục hồi mong manh", OECD cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm nay, tăng so với mức dự báo 2,2% được tổ chức này đưa ra tháng 11/2022, nhưng vẫn ở dưới mức tăng trưởng thực tế 3,2% ghi nhận hồi năm ngoái. Theo tổ chức có trụ sở tại Paris (Pháp), việc giá năng lượng - lương thực giảm và Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp hạn chế để chống dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến họ hy vọng về một năm tươi sáng hơn của kinh tế thế giới. 

Cũng theo OECD, trong năm 2024, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ có thể đạt 2,9% - cao hơn so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 11/2022 là 2,7%, trong bối cảnh những tác động giá năng lượng cao đã giảm bớt đối với các hộ gia đình.

Báo cáo nêu rõ: "Các dấu hiệu tích cực hơn đã bắt đầu xuất hiện, khi tâm lý của giới kinh doanh và người tiêu dùng bắt đầu cải thiện, giá lương thực và năng lượng giảm và Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn". Tuy nhiên, OECD cũng cảnh báo rằng "triển vọng vẫn còn mong manh, những nguy cơ đã phần nào được xoa dịu, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều yếu tố tiêu cực".

Để lý giải cho nhận định này, báo cáo của OECD viện dẫn tình hình xung đột tại Ukraine, nguy cơ về những áp lực mới đối với thị trường năng lượng và tác động của việc tăng lãi suất. Theo OECD, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát đã lên tới mức kỷ lục trong nhiều thập kỷ, nhưng thị trường lo ngại rằng chi phí vay tăng có thể khiến các nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Báo cáo của OECD nêu rõ: "Các dấu hiệu về tác động của việc siết chặt chính sách tiền tệ đã bắt đầu xuất hiện ở một số bộ phận thuộc ngành ngân hàng, trong đó bao gồm cả các ngân hàng tại Mỹ. Lãi suất cao hơn cũng có thể có tác động mạnh hơn đến tăng trưởng kinh tế so với dự kiến, đặc biệt nếu điều này làm lộ ra các lỗ hổng tài chính cơ bản".

Thanh Phương  (TTXVN)
ECB tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2008
ECB tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2008

Ngày 16/3/2023, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo nâng các mức lãi suất chính thêm 50 điểm cơ bản (0,5%) ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhằm kiềm chế lạm phát. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn chủ chốt sẽ được tăng lên 3,5%, lãi suất cho vay cận biên tăng lên 3,75% và lãi suất tiền gửi qua đêm tăng lên 3%. Các mức lãi suất mới có hiệu lực từ ngày 22/3/2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN