Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Pháp đã và đang đầu tư và xuất khẩu sang Việt Nam, cũng như các đối tác muốn tìm hiểu về tình hình kinh tế Việt Nam. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn và đại diện các cơ quan chức năng của Đại sứ quán đã giới thiệu về môi trường đầu tư, cũng như các thế mạnh của Việt Nam đối với doanh nghiệp Pháp.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Theo ông Michel Jonquères, Chủ tịch Ủy ban quốc tế của MEDEF Ile-de-France, hai nước có tiềm năng thúc đẩy hợp tác kinh tế và đầu tư, nhưng đến nay chưa tận đụng được các thế mạnh của nhau.
Ông nêu rõ: “Xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 1,7 tỷ euro, chỉ chiếm khoảng 1% nhập khẩu của Việt Nam và giữ tỷ trọng rất thấp trong xuất khẩu của Pháp, các doanh nghiệp Pháp phải tham gia tích cực hơn nữa vào sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng hơn 6% một năm, GDP Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong vòng một thập kỷ tới và tương đương với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp hiện nay trong khoảng 20 năm tới. Xuất nhập khẩu của Việt Nam tương đương bốn phần năm GDP, là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Pháp”.
MEDEF Ile-de-France là hiệp hội giới chủ của vùng thủ đô Pháp, khu vực bao gồm thủ đô Paris và bảy tỉnh phụ cận. Đây là khu vực phát triển kinh tế năng động và lớn nhất của Pháp, với dân số lên tới gần 12 triệu người.
Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá quan hệ Việt Nam-Pháp phát triển liên tục trong những năm gần đây, với hàng loạt trao đổi diễn ra trên nhiều lĩnh vực từ chính trị cho tới kinh tế-thương mại, đầu tư và văn hóa xã hội. Theo Đại sứ, quan hệ kinh tế song phương chưa tương xứng với tầm mức mối quan hệ chính trị giữa hai nước.
Pháp mới chỉ là bạn hàng thứ 15 và là nước xuất khẩu thứ 13 vào Việt Nam, thị phần của Pháp khá nhỏ, đứng sau Đức và Italy. Xét về đầu tư, Pháp chỉ xếp thứ 16 trong số các nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam và thứ ba châu Âu, sau Anh và Hà Lan.
Phân tích bức tranh đầu tư của Pháp vào Việt Nam, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Tham tán Thương mại Việt nam tại Pháp, lấy làm tiếc vì nhiều doanh nghiệp có tiếng của Pháp chưa tận dụng được mối quan hệ truyền thống giữa hai nước để hợp tác.
Cụ thể hãng ô tô Peugeot vốn được biết đến rộng rãi tại Việt Nam nhưng chỉ gần đây hãng mới xuất khẩu và lắp ráp các mẫu xe 308 và 3008 lưu hành trên cả nước. Tuy nhiên, theo bà số lượng xe ô tô Pháp còn hết sức khiêm tốn, trong khi các nước láng giềng châu Âu như Đức, Italy đã hoạt động khá mạnh từ lâu và chiếm tới hơn 3% thị phần ô tô Việt Nam.
Đại diện các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam tại Pháp đã giới thiệu lợi thế lớn của môi trường đầu tư Việt Nam, như chế độ chính trị ổn định, triển vọng tăng trưởng tích cực và bền vững, thị trường nội địa lớn và chi phí nhân công cạnh tranh cao, đặc biệt là dân số trẻ.
Luật đầu tư ban hành năm 2014, các quy định cấp phép cho đầu tư nước ngoài cũng như chế độ thuế doanh nghiệp, ưu đãi của các địa phương và của nhiều lĩnh vực làm cho môi trường đầu tư Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn với doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Lê Công Thanh, Tham tán phụ trách đầu tư Việt Nam tại Pháp, cho biết Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài tập trung vào các dự án tạo ra sản phẩm có giá trị thặng dư cao, sản phẩm có sức cạnh tranh lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, công nghệ hiện đại và bảo vệ môi trường, các chương trình giáo dục đào tạo chất lượng cao, dự án công nghệ thông tin và công nghệ sinh học.
Mục tiêu này phù hợp với các nhà đầu tư Pháp, vốn có thế mạnh trên hàng loạt lĩnh vực như y tế, công nghệ thực phẩm, sản xuất năng lượng có hàm lượng phát thải carbon thấp, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng thành phố thông minh.
Tại cuộc thảo luận, đại diện một số doanh nghiệp Pháp, trong đó có tập đoàn xây dựng Vinci, hãng hóa chất và thiết bị y tế VWR, luật sư Nga Nguyen-Baud của đoàn luật sư Paris, đã chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam. Bà Aurélia Saulnier, đại diện của hãng VWR nhận định thị trường Việt Nam năng động và hấp dẫn, nhưng các doanh nghiệp nên tranh thủ các công cụ hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài của Pháp, đồng thời thích nghi với thực tế địa phương.
Ngay từ khi bắt đầu hoạt động, công ty đã thuê dịch vụ của hãng bảo hiểm tín dụng hàng đầu Coface của Pháp để tránh các rủi ro trong thanh toán, đồng thời thiết lập quan hệ với các đối tác địa phương để nhanh chóng nắm vững thị trường. VWR mới đi vào hoạt động từ năm 2016 với doanh số khiêm tốn hơn 700.000 euro tại thị trường Việt Nam, nhưng đặt mục tiêu tăng trưởng gấp đôi trong năm 2018.
Theo ước tính hiện nay có 300 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 3,4 tỷ euro, tạo ra khoảng 26.000 việc làm. Trong số đó có 130 dự án trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp công nghiệp, 104 dự án khoa học công nghệ, 64 dự án liên quan đến thông tin và truyền thông, 24 dự án về nhà hàng và khách sạn.