Tại cuộc làm việc, hai bên nhất trí đánh giá việc Việt Nam và Mỹ chính thức nâng cấp lên mức Đối tác chiến lược toàn diện ngày 10/9/2023 là cột mốc lịch sử trong quan hệ song phương, trong đó trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại sẽ tiếp tục là động lực quan trọng, đóng vai trò tiên phong thúc đẩy sự thịnh vượng chung giữa hai quốc gia. Các cơ quan quản lý của hai nước nói chung, và giữa Bộ Công Thương Việt Nam và USTR nói riêng cần có nhiều hoạt động hợp tác sâu rộng hơn nữa để triển khai và hiện thực hoá tầm nhìn của Lãnh đạo cấp cao, xác lập những mục tiêu phát triển tương xứng với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cho chặng đường sắp tới.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và USTR trong thời gian qua, đặc biệt là việc thúc đẩy hiệu quả, làm sâu sắc hoạt động trao đổi chính sách trong hàng loạt các vấn đề kinh tế, thương mại thông qua cơ chế đối thoại của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Mỹ (TIFA). Trong năm 2023, hai bên cũng đã có nhiều cuộc gặp cấp Chủ tịch, cấp Phó Chủ tịch và cấp kỹ thuật.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng khẳng định mong muốn của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Mỹ một cách toàn diện và bền vững. Bộ Công Thương - với vai trò Chủ tịch phân ban Việt Nam trong TIFA - cam kết sẽ tiếp tục chủ động điều phối, hợp tác với các cơ quan quản lý của Mỹ để giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của cả hai nước, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhắc lại tầm quan trọng của việc các cơ quan liên quan của Chính phủ Mỹ cần có tiếng nói thực chất, ủng hộ sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường; khẳng định việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ cho phép các doanh nghiệp Việt Nam được đối xử công bằng hơn, không ảnh hưởng đến các quyền hợp pháp của lĩnh vực sản xuất trong nước Mỹ. Ngoài ra, việc Mỹ ghi nhận các nỗ lực của Việt Nam trong cải cách nền kinh tế sẽ tạo động lực cho các nền kinh tế khác, cũng như tạo thêm động lực cho Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tạo ra nguồn cung chất lượng, ổn định chuỗi cung ứng cho nhu cầu nhập khẩu, tiêu dùng của các doanh nghiệp, người dân Mỹ.
Trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tần suất ngày càng gia tăng của các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; đề nghị Mỹ xem xét kỹ lưỡng các ý kiến của Việt Nam trong từng vụ việc cụ thể nhằm đảm bảo tự do hóa thương mại, tính công bằng, khách quan, minh bạch cho hoạt động giao thương của doanh nghiệp hai nước.
Đối với các hoạt động hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị hai bên thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận đã ký kết, đề nghị Mỹ và các nước phát triển xây dựng những gói tài trợ cụ thể để hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả; đề nghị Mỹ hỗ trợ, giúp Việt Nam nâng cao năng lực chế biến và bảo vệ môi trường trong quá trình làm chủ và khai thác tài nguyên.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã có các cuộc làm việc sâu rộng với Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Mỹ (AAEI) và Chủ tịch phòng Thương mại châu Á - Mỹ (AACC).
Tại cuộc làm việc, các hiệp hội Mỹ đánh giá rất cao tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, cho biết nhiều doanh nghiệp thành viên hiện đang rất quan tâm việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực thương mại và dịch vụ số, phát triển cảng biển, giáo dục, tài chính… tại Việt Nam. Vì vậy, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam - Mỹ trong các lĩnh vực này vô cùng lớn và có nhiều ý nghĩa đối với quan hệ hai nước trong thời kỳ mới.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã gửi lời mời AAEI và AACC giới thiệu các doanh nghiệp thành viên tổ chức đoàn tham dự Hội chợ Vietnam International Sourcing Expo vào tháng 6 tới tại Thành phố Hồ Chí Minh.