Tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc nhận định, Việt Nam đứng đầu trong việc mở cửa thị trường và đã có nhiều bứt phá về thứ hạng năng lực cạnh tranh theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF.
Kỷ nguyên công nghệ 4.0 là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững theo xu hướng toàn cầu. Lấy sáng tạo và công nghệ làm động lực bên cạnh nỗ lực cải cách thể chế và hoàn thiện môi trường kinh doanh.
Ông Lộc khẳng định, Việt Nam sẽ đồng hành cùng nhân loại trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 bằng thực tiễn thúc đẩy các ứng dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Song song đó là sự tiếp cận các ứng dụng của thế giới về trí tuệ nhân tạo AI.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã không ngừng đổi mới, phát huy các nguồn lực tổng hợp và tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong kỷ nguyên số, với các phương thức kinh doanh hiện đại và tận dụng tốt các thành tựu về công nghệ… chắc chắn thời gian tới, Việt Nam sẽ đạt được những đột phá trong phát triển nền kinh tế, ông Lộc nhấn mạnh.
Ngay trong phiên đầu tiên của hội nghị về chủ đề “Đổi mới khoa học công nghệ và cơ hội đối với Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy đã khái quát một số chính sách hiện hành giúp thúc đẩy tiến trình đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, nhấn mạnh những tác động của công nghệ đối với nền kinh tế và các thị trường mới nổi ở Việt Nam.
Trong bối cảnh hội nhận như hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp và hỗ trợ tối đa để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển; trong đó, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với nền tảng ấy, các doanh nghiệp sẽ hội tụ đủ điều kiện để tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới và thực hiện việc số hóa trong quy trình sản xuất, kinh doanh.
Đánh giá tầm quan trọng của khoa học công nghệ và cơ hội dành cho các start-up Việt Nam của ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc Chương trình ươm tạo BK-Holdings nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 luôn khẳng định các phương thức sản xuất mới, tiên tiến để các quốc gia xác định rõ chiến lược phát triển kinh tế của mình.
Hướng đi cho Việt Nam trong thời gian tới đây nhất định sẽ là vươn tới nền kinh tế tri thức, sáng tạo, công nghệ. Ở thời đại này không chờ các quốc gia, các ngành kinh tế và doanh nghiệp xếp hàng để đi thứ tự từng bước độc lập mà đòi hỏi sự xen kẽ, tranh thủ cơ hội một cách phù hợp với thực tiễn của chính mình.
"Đổi mới sáng tạo là 1 quá trình, phức tạp, khó khăn, đòi hỏi luôn phải nghĩ ra cái mới, tốt hơn; phải nghĩ cách để thuyết phục thị trường sử dụng và mua nó và nhất là phải thuyết phục nhà đầu tư để đầu tư vào giải pháp/sản phẩm/mô hình kinh doanh/doanh nghiệp", ông Hiệp nhấn mạnh.
Chính vì lẽ đó, việc phát triển một trung tâm đổi mới sáng tạo là cần thiết, để có thể ươm tạo nên các start-up độc lập. Trung tâm đổi mới sáng tạo của các tập đoàn thì là để ươm tạo ra các start-up thành viên trong các tập đoàn. Trung tâm đổi mới sáng tạo còn là nơi tập trung nhất các cấu thành của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho mục tiêu lớn nhất là tạo nên startup nhiều hơn, khỏe khoắn hơn…
Ông Hiệp kết luận, Việt Nam đang đi đúng hướng và cần tiếp tục thúc đẩy các mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo như cách làm hiện nay, bao gồm phát triển các cơ sở sự nghiệp của nhà nước; các cơ sở tư nhân; các cơ sở theo mô hình hợp tác công tư PPP hay hợp tác với các nước tiên tiến.
Đáng ghi nhận là hiện, Việt Nam đã có Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; Chính phủ cũng đã có Đề án 844 về phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Đề án 1665 về hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp và Đề án E&I cấp độ địa phương như ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng.
Chia sẻ về những thách thức đặt ra trong quá trình chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp Việt Nam, ông Hồ Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết, đa phần các doanh nghiệp khi thực hiện việc chuyển đổi số thường gặp không ít khó khăn, thách thức.
Đầu tiên là con người (việc đào tạo, tuyển dụng và quản lý nhân sự về công nghệ trong doanh nghiệp). Sau đó là không có cơ sở hạ tầng phù hợp và hiệu quả làm nền tảng cho mục đích chuyển đổi số đúng nghĩa.
Để có thể khắc phục những khó khăn trên, các nhà cung ứng dịch vụ công nghệ cũng đưa ra các giải pháp cung cấp những nền tảng có sẵn giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí, thời gian và tối ưu hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ hỗ trợ kinh doanh.
Để tìm ra cho riêng mình con đường chính xác cần phải bước đi trong tiến trình công nghệ hóa hoạt động, doanh nghiệp phải hiểu được năng lực nội tại và nhu cầu cốt lõi của chính doanh nghiệp mình. Theo đó, các tiêu chỉ cơ bản để có thể phân tích gồm các yếu tố con người, mục tiêu, quy trình, sản phẩm dịch vụ trọng tâm…
Chỉ xét riêng về quy mô, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có thể có 2 xu hướng phù hợp cho từng mức độ quy mô của họ. Lợi thế của doanh nghiệp lớn là năng lực tài chính mạnh thường có điều kiện tốt thực hiện các mô hình đầu tư bài bản, bao gồm cả cơ sở vật chất lẫn đào tạo nhân sự.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ không vì thế mà không có lợi thế riêng, do sự đầu tư thường chưa sâu nên dễ dàng nắm bắt ngay những thay đổi mới nhất trong nhịp sống công nghệ. Lời giải phù hợp nhất cho các doanh nghiệp này là bắt thẳng vào những giải pháp có thể giải quyết ngay được những vấn đề trước mắt, từ đó từng bước làm chủ công nghệ.
Ngoài việc tìm được mô hình phù hợp cho mình, doanh nghiệp còn vướng phải một trở lại nữa là sự chuyển đổi quá nhanh công nghệ, có những hệ thống sau khi đầu tư rất lớn nhưng có thể sẽ lạc hậu ngay sau một thời gian ngắn, dẫn đến việc doanh nghiệp dù đã quan tâm đầu tư công nghệ từ rất sớm, nhưng lại bị “lỡ đà” trong dòng chảy chung.
Đưa ra một số khuyến nghị về ngành nghề nào thì nên chuyển dịch sang nền tảng số và những ngành nghề nào không nên, theo ông Tùng, trong bối cảnh chính sách của Việt Nam đang là nền kinh tế mở, cạnh tranh khốc liệt từ trong và ngoài nước rất gay gắt thì bản thân doanh nghiệp Việt phải sẵn sàng 100% cho việc quản trị và vận hành trên nền tảng số, thậm chí còn phải đi trước một bước, nếu không sẽ có thể mất toàn bộ thị trường vào tay đối thủ. Vì thế, tất cả các ngành nghề đều phải có sự chuyển dịch.
Ngay cả những ngành truyền thống như nông nghiệp hay các lĩnh vực rất mới như vận tải chia sẻ thông minh tại Việt Nam cũng đang chịu cạnh tranh từ những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Nông nghiệp thông minh, Grab, Uber…
“Tất nhiên có các mức độ ưu tiên khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu của từng ngành và năng lực của từng đơn vị. Tuy nhiên, đứng ở góc độ tập đoàn công nghệ tư vấn cho chuyển đổi số, CMC nhận thấy các ngành nghề có tầm ảnh hưởng lớn tới toàn bộ xã hội và thuộc về nhu cầu hàng ngày sẽ phải chuyển dịch càng sớm càng tốt, như: dịch vụ tài chính ngân hàng, logistics và vận tải, sản xuất và phân phối…", ông Tùng lưu ý.