Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, song tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam - Israel vẫn đạt 1,6 tỷ USD, tăng 36,4% so với năm 2019. Riêng 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch song phương đạt 1,3 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tại buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar tại trụ sở Bộ Công Thương ngày 16/11.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự phát triển không ngừng trong quan hệ song phương giữa hai nước trên nền tảng quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Israel đang ngày càng đa dạng hơn về chủng loại, bao gồm: điện thoại di động và linh kiện; máy vi tính và linh kiện; hàng thủy sản; hạt điều; hàng dệt may và giày dép các loại; cà phê; hạt tiêu; máy móc thiết bị; cao su tự nhiên; nước giải khát; sản phẩm chất dẻo; sản phẩm gỗ; sản phẩm hóa chất; hàng thủ công mỹ nghệ, gốm sứ... Đây là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, đã được người tiêu dùng Israel ưa chuộng và có chỗ đứng ổn định trên thị trường Israel.
Với kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Đại sứ thúc đẩy Israel tạo điều kiện, tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kể cả trực tiếp và trực tuyến, nhằm đưa những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như hạt tiêu, hạt điều, cà phê, rau, quả, dệt may, da giày… vào Israel.
Đồng thời, hai bên xem xét cơ chế trao đổi thông tin về các quy định kỹ thuật, quy trình đánh giá phù hợp, từ đó đưa ra cơ chế hợp tác hài hóa giữa các tiêu chuẩn, áp dụng một số mặt hàng xuất nhập khẩu có kim ngạch lớn giữa hai bên, góp phần tăng cường thương mại hai chiều.
Đại sứ Nadv Eshcar nhận định, hợp tác giữa Việt Nam và Israel khá rộng, đa dạng và cho thấy tiềm năng to lớn để thúc đẩy quan hệ song phương toàn diện, thực chất hơn nữa. Đặc biệt, việc đàm phán FTA Việt Nam - Israel đang ở những bước cuối cùng, sẽ tạo đột phá mới cho quan hệ song phương hai nước.
“FTA được ký kết sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Israel và Việt Nam. Nếu FTA song phương được ký kết sẽ dễ dàng thúc đẩy đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 3 - 4 tỷ USD một cách dễ dàng và nhanh chóng” - Đại sứ Nadv Eshcar nói.
Thông tin thêm về quá trình đàm phán FTA Việt Nam - Israel, Đại sứ Nadv Eshcar cho biết, Việt Nam đã chuyển cho Israel những đề xuất mới liên quan đến hàng hóa. Đây là lĩnh vực trao đổi quan trọng và cuối cùng.
Do khó khăn của đại dịch, hai bên không thể trao đổi trong nhóm làm việc lớn nhưng cũng đã trao đổi qua các nhóm làm việc nhỏ và đang đẩy nhanh kết thúc đàm phán FTA này. Phía Israel đang khẩn trương thúc đẩy cơ quan có liên quan để phấn đấu hoàn thành việc đàm phán trong năm nay và tiến tới ký kết FTA vào năm sau.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận nỗ lực của cả Việt Nam và Israel trong việc đàm phán Hiệp định này và hy vọng với quyết tâm, sự đồng thuận về chính trị được thể hiện tại cuộc điện đàm ngày 12/7/2021 giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Thủ tướng Israel Naftali Bennet, việc đàm phán Hiệp định sẽ sớm kết thúc và đi đến ký kết.
Riêng lĩnh vực công nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng mong muốn các doanh nghiệp Israel quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực như công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử... tại Việt Nam.
Mặc dù FTA giữa Việt Nam và Israel chưa kết thúc đàm phán và ký kết, song các doanh nghiệp Việt Nam và Israel đã thể hiện sự quan tâm lớn vào các hoạt động song phương, như hợp tác của doanh nghiệp Israel với TH TrueMilk tại Nghệ An và Vinfast đầu tư vào Israel trong lĩnh vực sản xuất ô tô…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hy vọng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của Israel trong đầu tư, chuyển đổi và chuyển giao công nghệ số, phát triển hạ tầng công nghệ. Đồng thời, khẳng định Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy đàm phán hướng tới việc sớm đạt được một Hiệp định thương mại tự do cân bằng về lợi ích giữa hai bên, nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại – đầu tư song phương đi vào chiều sâu.
Theo Bộ Công Thương, cơ cấu mặt hàng của Israel và Việt Nam có sự bổ sung lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp. Điều này tạo điều kiện để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh sang Israel và giúp Việt Nam có điều kiện tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.