Những bức tranh sơn mài, những đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo, sản phẩm lụa tơ tằm, áo dài dân tộc, đồ thổ cẩm, kẹo, mứt, trà và cả những tô phở nóng mang hương vị ẩm thực Việt, tất cả đã khiến cho khu Việt Nam trở nên nổi bật và hấp dẫn khách tham quan đến với Hội chợ Paris 2023. Đặc biệt, một chương trình văn nghệ đặc sắc do các nghệ sĩ đến từ trong nước và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp thể hiện đã mang đến cho người xem một bữa tiệc âm thanh và màu sắc sinh động, khó quên về một đất nước phương Đông phong phú và đa dạng.
Theo bà Phạm Thị Bích Nga, Giám đốc Công ty mỹ nghệ Việt, đại diện Ban tổ chức các gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Paris, năm nay số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ đã tăng hơn nhiều so với năm ngoái, lên đến 34 đơn vị. Các sản phẩm vẫn là những đặc sản truyền thống của Việt Nam như sơn mài, đồ thủ công mỹ nghệ và dệt may mang đậm tính dân tộc. Bà Bích Nga hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp trong nước biết đến kênh quảng bá này để tham gia giới thiệu và bán sản phẩm của mình tại các kỳ hội chợ năm sau.
Nhận định về sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam tại các sự kiện như Foire de Paris, ông Vũ Anh Sơn, Trưởng đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp, cho biết đây là một trong những hội chợ lâu đời và lớn nhất tại Pháp. Hội chợ không chỉ là cơ hội tốt để quảng bá các đặc sản hàng hóa truyền thống của Việt Nam tới người tiêu dùng Pháp mà còn là phương thức lan tỏa hình ảnh Việt Nam khi kết hợp thương mại với quảng bá văn hóa Việt ngay tại hội chợ. Tuy nhiên, khi tham gia hội chợ, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý nâng cao chất lượng hàng hóa và đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Pháp.
Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã đến tham quan và động viên các doanh nghiệp tham gia hội chợ. Đại sứ cũng đã có buổi làm việc với Ban lãnh đạo Foire de Paris.
Trao đổi với bà Carine Preterre, Tổng giám đốc Comexposium, đơn vị quản lý và tổ chức sự kiện, và ông Steven Abajoli, Giám đốc Hội chợ Paris, Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam luôn đồng hành cùng sự kiện và mong muốn không chỉ mang các sản phẩm truyền thống đến với người dân Pháp mà còn cả văn hoá Việt Nam đến với nước Pháp.
Chia sẻ quan điểm này của Đại sứ, bà Carin Preterre cho biết Hội chợ Paris không chỉ muốn giới thiệu đến người dân Pháp giá trị thương mại mà cả giá trị văn hoá của sản phẩm để khách tham quan có thể có những trải nghiệm về văn hoá như đi du lịch tại chỗ. Bà hy vọng Hội chợ Paris năm tới sẽ có thêm những hoạt động văn hoá kết hợp của Việt Nam để tạo thêm nhiều trải nghiệm cho khách tham quan.
Ông Steven Abajoli đánh giá cao sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam. Ông cho biết Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Hội chợ Paris và đã tham gia ngay khi sự kiện được tổ chức lại sau đại dịch COVID-19. Ông Steven Abajoli mong muốn Việt Nam sẽ tỏa sáng tại hội chợ với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống và các nét văn hóa dân tộc. Ông nói: “Sự hiện diện của Đại sứ Việt Nam tại Foire de Paris cũng cho thấy Việt Nam coi trọng sự kiện này và chúng tôi cảm ơn về điều đó”.
Diễn ra từ ngày 27/4 - 8/5, Foire de Paris là hội chợ lớn nhất ở Pháp dành riêng cho không gian gia đình, ẩm thực, sáng tạo, nghề thủ công truyền thống của Pháp và quốc tế. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 119 năm thành lập, hội chợ có nhiều hoạt động và lễ hội đặc sắc. Đặc biệt, khu vực quốc tế với chủ đề “Sự phong phú của thế giới” sẽ cho phép du khách khám phá sự tài hoa của những người thợ thủ công và nhà sáng tạo đến từ khắp nơi trên thế giới, từ đó chia sẻ niềm đam mê với họ. Các nét văn hóa và ẩm thực châu Á, châu Phi, châu Mỹ hay phương Đông... sẽ đưa du khách đến với những cơ hội trải nghiệm của các giác quan với những hành trình tới hàng chục điểm đến như Senegal, Việt Nam, Bờ Biển Ngà, Trung Quốc, Peru, Ecuador , Kenya, Ý… và cả Brazil.
Theo dự kiến của Ban tổ chức, trong 12 ngày diễn ra hội chợ, hơn 1.250 gian hàng sẽ thu hút khoảng 400.000 khách tham quan đến với Foire de Paris.