Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tại hội chợ năm nay, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức tập hợp đoàn gồm 12 doanh nghiệp CNTT tiêu biểu của Việt Nam đến trưng bày, giới thiệu giải pháp công nghệ, đồng thời tìm hiểu thị trường, giao lưu kết nối với đối tác.
Trong khuôn khổ hội chợ, ngày 17/4, VINASA phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức đã tổ chức chương trình giao thương, kết nối doanh nghiệp với chủ đề “Chuyển đổi số công nghiệp” cho các doanh nghiệp tại khu gian hàng Việt Nam. Tham dự chương trình có đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại châu Á - Thái Bình Dương (OAV), Ngôi nhà Đức (Deutsches Haus), Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt - Đức (VGI) cùng đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Đức trong lĩnh vực CNTT như Hanel JSC, NTQ Solutions, Tuong Minh Software, MISA JSC, Công ty Sản xuất và Công nghệ UVT,… Các hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2023 đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Theo bà Vũ Phương Thảo, Giám đốc Ban Dịch vụ Phát triển Doanh nghiệp VINASA, đây là lần thứ ba hiệp hội tổ chức cho các doanh nghiệp phần mềm và công nghệ của Việt Nam tham dự Hội chợ Hannover. Bà cho biết, ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong năm 2022, doanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT đạt khoảng 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, trong khi doanh thu thị trường phần mềm và dịch vụ CNTT đạt 1,977 tỷ USD. VINASA đang hướng đến mục tiêu đưa ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT cán mốc 50 tỷ USD doanh thu trong 10 năm và 150 tỷ USD trong 20 năm tới.
Trao đổi với các doanh nghiệp Việt Nam tại buổi giao thương, bà Katharina Wittke, phụ trách thị trường Đông Nam Á – Thái Bình Dương của DIHK, cho biết ngành công nghiệp CNTT là một trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Chính phủ Đức. Chính sách đổi mới và kinh tế của Đức tập trung vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, nền kinh tế kỹ thuật số, hành chính công đổi mới, môi trường kỹ thuật số trong xã hội, giáo dục, nghiên cứu, khoa học, văn hóa và truyền thông, an ninh,...
Tại buổi trao đổi, bà Đỗ Việt Hà, đại diện Thương vụ, đã chia sẻ đến các doanh nghiệp một số thông tin về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Đức. Theo bà, chuyển đổi số là một trong những lĩnh vực hợp tác chính được Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu liên bang Đức (BMWK) đề cập trong Biên bản phiên họp lần thứ 2, khóa họp Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế Việt Nam – Đức. Với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực, quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam với Đức nói riêng và EU nói chung được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và đây là thời cơ rất tốt để khai thác tiềm năng hợp tác công nghệ mới giữa hai bên.
Ông Nguyễn Mạnh Hải, Tham tán phụ trách bộ phận đầu tư Đại sứ quán cho biết, Đức là một trong những thị trường ngành công nghiệp CNTT lớn nhất thế giới và là thị trường phần mềm lớn nhất ở châu Âu với khoảng 100.000 công ty CNTT. Đức hiện nằm trong số 3 nhà đầu tư hàng đầu của EU tại Việt Nam, với 442 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký hơn 2,35 tỷ USD. Theo ông, tiềm năng về đầu tư hai chiều trong lĩnh vực công nghệ số, chuyển đổi số còn rất lớn và cần được khai thác tích cực trong thời gian tới để nâng cao các hợp tác, đầu tư các dịch vụ liên quan trong lĩnh vực này.
Hội chợ Hannover năm nay thu hút khoảng 4.000 nhà triển lãm đến từ trên 100 nước, tập trung trọng tâm vào sản xuất thân thiện với khí hậu. Sau ba năm bị hạn chế do dịch bệnh, hội chợ được kỳ vọng sẽ mang lại những động lực mới có tính quyết định đối với ngành công nghiệp cạnh tranh và chuyển đổi sang trung hòa CO2. Các sản phẩm được giới thiệu tại hội chợ phần lớn là các giải pháp công nghệ hướng đến sản xuất trung hòa CO2 và nền kinh tế tuần hoàn tiết kiệm tài nguyên về trung hạn như quản lý năng lượng và phát triển nền kinh tế hydro. Hội chợ cũng tập trung vào tự động hóa và học máy, cũng như trí tuệ nhân tạo và các quy trình sản xuất được nối mạng.