Để hiểu rõ hơn thuận lợi, khó khăn của Việt Nam trong thu hút và tham gia chuỗi cung ứng, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.
Thưa ông, những bất định, khó lường trên thế giới diễn ra trong thời gian qua đã tạo ra xu hướng thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Xin ông cho biết, những thuận lợi của Việt Nam trong việc thu hút và tham gia chuỗi cung ứng?
Trong xu hướng điều chỉnh và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có một số lợi thế để tranh thủ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng. Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài với 8 nhóm lợi thế như: Môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng; tình hình chính trị ổn định, nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, là môi trường pháp lý đầy đủ; chính sách đầu tư nước ngoài thông thoáng, mở cửa thị trường, cải cách thủ tục hành chính và ưu đãi đầu tư; môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện.
Hơn nữa, Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng có quy mô, tầm vóc lớn; lực lượng lao động trẻ, dồi dào, dễ đào tạo và chi phí lao động thấp; vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi với đường bờ biển dài, nhiều cảng nước sâu, cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế bằng đường biển. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và công nghệ ngày càng đồng bộ cũng là lợi thế, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.
Theo báo cáo tại Hội nghị của Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), năm 2020 với tổng số vốn 16 tỷ USD, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn FDI và lần đầu tiên lọt vào top 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI. Việt Nam nắm giữ vị thế dẫn đầu trong cuộc đua giành vốn FDI với các đối thủ tiềm năng như: Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Mexico.
Trong năm 2020, Việt Nam là một trong các trung tâm đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc trong bối cảnh các doanh nghiệp trên thế giới đang đẩy nhanh quá trình đa dạng chuỗi cung ứng. Việt Nam cũng được đánh giá còn nhiều dư địa để cạnh tranh nguồn vốn FDI trong xu hướng chuyển dịch sản xuất toàn cầu hiện nay.
Năm 2021, mặc dù, đang trong “vòng xoáy” của dịch COVID-19, vốn FDI đổ vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Vốn FDI thực hiện trong khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 14,3 tỷ USD, chiếm 72,5% tổng vốn FDI thực hiện. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tôi cho rằng, nếu Việt Nam phát huy và khai thác tối đa những lợi thế trên, cùng với vị thế thuận lợi, chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam có cơ hội lớn tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, sẽ thu hút các tập đoàn lớn, tập đoàn công nghệ cao có nhu cầu dịch chuyển sản xuất và chuỗi cung ứng. Nhờ đó, thúc đẩy mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bên cạnh những thuận lợi, xin ông đánh giá về những khó khăn của Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?
Bên cạnh cơ hội và thuận lợi luôn đan xen với thách thức và khó khăn. Môi trường đầu tư của Việt Nam hiện còn một số bất cập chưa được khắc phục, như hạn chế về năng lực quản lý, kết cấu hạ tầng, thủ tục đầu tư, thiếu lao động có kỹ năng, công nghiệp phụ trợ và mạng lưới logistics…
Năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ là trở ngại lớn để thu hút chuỗi cung ứng của các tập đoàn công nghệ vào Việt Nam cũng như hạn chế khả năng Việt Nam tham gia vào các công đoạn cao trong mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đây cũng là điểm hạn chế để Việt Nam thích ứng với xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những điểm yếu này nếu không sớm khắc phục sẽ làm tăng nguy cơ lún sâu vào bẫy gia công, lắp ráp, khó kiểm soát được các dòng đầu tư chất lượng thấp, đầu tư nước ngoài thâu tóm thị trường và doanh nghiệp trong nước, đầu tư “núp bóng”...
Hiện nay, công nghiệp phụ trợ và nội lực của các ngành sản xuất còn hạn chế, nhiều ngành kinh tế chưa tự chủ được các yếu tố đầu vào, phụ thuộc phần lớn vào nguyên vật liệu, linh kiện, phụ kiện nhập khẩu. Với những tồn tại này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?
Đúng là ngành công nghiệp phụ trợ và nội lực của các ngành sản xuất còn hạn chế. Hiện nay, 37% nguyên vật liệu dùng cho sản xuất của nền kinh tế phải nhập từ bên ngoài, giá trị gia tăng của các ngành còn thấp; nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất ở một số ngành phụ thuộc vào một số ít thị trường.
Chẳng hạn, kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc với 25% kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá của toàn nền kinh tế đến từ thị trường này. Nhiều ngành, tư liệu sản xuất nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao như: phân bón chiếm 42%, thuốc trừ sâu 47,3%; sợi dệt 56,6%; vải 63,3%; sản phẩm từ sắt thép chiếm 60,5%…
Hoạt động của chuỗi cung ứng là sự vận hành với quá trình liên kết, phụ thuộc và tác động qua lại của 5 nhóm đối tác: nhà cung ứng nguyên, nhiên vật liệu và các yếu tố đầu vào; nhà sản xuất hàng hoá; nhà phân phối và logistics; đại lý bán lẻ; khách hàng.
Trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang tập trung phát triển để khẳng định vị thế của nhóm nhà sản xuất hàng hoá trong 5 nhóm đối tác của chuỗi cung ứng. Vai trò của nhà phân phối và logistics còn mờ nhạt, với nhiều hạn chế.
Xin ông đề xuất một số giải pháp cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm phòng ngừa, hạn chế rủi ro và tận dụng cơ hội của xu thế thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu?
Trước mắt, Chính phủ cần điều chỉnh quy hoạch phát triển và chiến lược tổng thể về sản xuất kinh doanh của từng vùng, từng ngành, lĩnh vực khi có sự điều chỉnh nội hàm của tự do kinh tế, toàn cầu hoá, chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại và những bất định khó lường diễn ra với tần xuất dày hơn.
Đồng thời, xây dựng và thực hiện hiệu quả Chiến lược độc lập, tự chủ của nền kinh tế nhằm nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước.
Cùng với đó, Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức tài chính, kinh tế quốc tế nghiên cứu, đề xuất giải pháp để kinh tế Việt Nam hoà nhịp với xu hướng thay đổi mô hình toàn cầu hoá kinh tế, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch quay trở lại; hoà nhịp với xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tận dụng các cơ hội, giảm thiểu rủi ro, xử lý những bất cập và thách thức đối với nền kinh tế.
Đây là nội dung quan trọng, cần khẩn trương thực hiện để Chính phủ chủ động trong điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các chiến lược, chính sách và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Bộ Công Thương cần đánh giá thực trạng, vị thế, cơ hội và thách thức của kinh tế Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực theo từng nhóm trong 5 nhóm đối tác của chuỗi cung ứng. Từ đó, xây dựng chiến lược quốc gia, các giải pháp thực hiện để kinh tế Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, giảm thiểu khó khăn, thách thức do đứt gãy chuỗi cung ứng tác động tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Công Thương cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chiến lược đa dạng nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu cho nền kinh tế theo từng ngành, lĩnh vực; từng bước xoá bỏ tình trạng phụ thuộc vào một vài thị trường, nhằm duy trì sản xuất khi diễn ra đứt gãy chuỗi cung ứng và bất ổn địa chính trị. Đặc biệt, cần đổi mới cơ bản, toàn diện về quan điểm, sứ mệnh và giải pháp xây dựng, vận hành hệ thống dự trữ quốc gia đối với các mặt hàng chiến lược của nền kinh tế. Nâng cao năng lực, trữ lượng dự trữ các loại nguyên, nhiên vật liệu công nghiệp thiết yếu, quan trọng của đất nước.
Ngoài ra, Việt Nam cần nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện về nền tảng vật chất và lực lượng lao động để đón đầu, tham gia và phát triển các loại hình và sản phẩm dịch vụ mới trong xu hướng thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, vốn để phát triển đội tầu vận tải biển, đặc biệt là đội tàu vận tải biển container để Việt Nam tham gia phân khúc vận tải đường dài, vươn ra các châu lục, phù hợp với xu hướng vận tải biển quốc tế.
Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tham gia sâu rộng các Hiệp định thương mại tự do trong xu thế toàn cầu hoá và tự do thương mại quốc tế. Vì vậy, khi xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại, xu hướng bảo hộ mậu dịch diễn ra, các nước lớn điều chỉnh chính sách kinh tế sẽ tác động rất mạnh và toàn diện đến kinh tế Việt Nam.
Để đón đầu xu hướng đó, Việt Nam cần có đối sách, giải pháp kịp thời, đồng bộ, phù hợp, nhằm phòng ngừa, hạn chế rủi ro, tận dụng cơ hội của xu thế thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và định hình lại mô hình phát triển kinh tế thế giới để khai thác, tận dụng các cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Xin cảm ơn ông!