Quy định chưa phù hợp với thực tế
Theo Điều 4, Nghị định 67 quy định, chủ tàu đóng mới tàu cá vỏ thép có thể vay vốn tối đa lên đến 95% tổng giá trị đầu tư. Như vậy, để đóng một con tàu vỏ thép, chủ tàu chỉ cần nộp đối ứng 5% tổng giá trị đầu tư. Số tiền còn lại sẽ được ngân hàng thương mại cho vay. Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo từng năm. Tuy nhiên, với Nghị định 17 thì chủ tàu phải bỏ 100% kinh phí đóng mới tàu cá. Sau đó nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ 1 lần với định mức hỗ trợ tối đa không quá 8 tỷ đồng/tàu.
Cụ thể, tàu cá có tổng công suất máy chính từ 800 CV đến dưới 1.000 CV, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu; tàu cá có tổng công suất máy chính từ 1.000 CV trở lên, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu.
Thực hiện Nghị định 67, huyện Quỳnh Lưu có 52 tàu được đóng mới (trong đó có 4 tàu vỏ thép), với tổng kinh phí đã được giải ngân là 380,18 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị định 17 trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu vẫn không có con tàu mới nào được đóng, với bản thân ngư dân lại không mặn mà hay thiết tha gì với nghị định mới này.
Ông Trần Văn Tiếp ở xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu cho rằng, chính sách hỗ trợ 1 lần sau đầu tư được quy định trong Nghị định 17 đã mang đến nhiều thuận lợi, giúp giảm thủ tục rất nhiều so với chính sách hỗ trợ tín dụng trước đây. Nhưng khi triển khai vào thực tế thì có vướng mắc ở chỗ, ngư dân phải tự tìm nguồn vốn để đầu tư, sau khi hoàn thành con tàu mới được hỗ trợ.
Ông Nguyễn Việt Hùng, ngư dân xã Sơn Hải chia sẻ, quy định ngư dân phải tự ứng vốn ra đóng tàu và nhận hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Nghị định 17 là rất khó. Bởi ngoài số ít hộ có tiền tích lũy, còn lại chủ yếu trông cậy vào việc vay ngân hàng thương mại (có thế chấp) khiến việc vay vốn không hề đơn giản.
"Chưa kể đến trong quy định chỉ áp dụng hỗ trợ cho đóng mới tàu cá bằng vỏ thép và vỏ composite. Như vậy, đóng tàu vỏ gỗ không được hỗ trợ, trong khi đại đa số ngư dân vẫn muốn đóng tàu bằng vỏ gỗ. Với những quy định mới này, ngư dân không dễ huy động nguồn vốn hay xoay sở đủ tiền để đóng tàu", ông Hùng bộc bạch.
Đóng mới đã khó, việc chuyển đổi (bán) cho chủ tàu chủ tàu khác theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP cũng gặp khó khăn. Đơn cử, tàu của anh Đặng Đức Tiến, xã Sơn Hải được đóng theo Nghị định 67, vì nhiều lý do nay muốn chuyển sang cho anh Hoàng Văn Lương, xã Quỳnh Long để tiếp tục hoạt động; song cũng gặp nhiều vướng mắc trong thủ tục giải quyết.
"Đề nghị Trung ương điều chỉnh sửa đổi nội dung chuyển đổi tàu cá theo Nghị định 17 vì một số chủ tàu muốn chuyển đổi (bán) cho chủ tàu khác trên địa bàn nhưng gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi rất e ngại khi phải nhận toàn bộ khoản nợ vay từ chủ tàu cũ, bao gồm cả nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh mà chủ tàu cũ chưa trả cho ngân hàng trước thời điểm bàn giao, trong khi giá trị thực tế con tàu thấp hơn khoản nợ ngân hàng", anh Hoàng Văn Lương xã Quỳnh Long cho hay.
Một số ý kiến ngư dân thể hiện thêm, họ rất muốn sở hữu tàu vỏ thép, vỏ composite hiện đại, vững chãi để sản xuất thuận lợi hơn nhưng họ không dám đăng ký triển khai vì lo ngại giá trị kinh tế thu được sẽ không cao sau khi con tàu hoàn thành đi vào hoạt động, nhất là trước thực tế không ít tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 hoạt động kém hiệu quả, gặp rắc rối như thời gian qua.
Cần chính sách sát thực, kịp thời hỗ trợ ngư dân
Theo phân tích của Chi cục Thủy sản Nghệ An, việc triển khai thực hiện Nghị định 17 gặp rất nhiều khó khăn vì ngư dân trên địa bàn tỉnh không đủ nguồn lực để ứng vốn đóng mới tàu.
Để đóng mới tàu cá, hầu hết ngư dân đều trông cậy vào nguồn vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, khác với Nghị định 67, hầu hết các ngân hàng thương mại đều siết chặt việc vay vốn đóng mới tàu theo Nghị định 17.
"Nghị định 17 hỗ trợ tối đa 35% tổng giá trị chiếc tàu, nên một số chủ tàu đăng ký vay 30% tổng giá trị đầu tư chiếc tàu, nhưng ngân hàng vẫn chưa chấp thuận. Vì vậy, nhiều ngư dân không xoay được nguồn vốn đầu tư, đành gác lại ước mơ sở hữu tàu composite công suất lớn", anh Bùi Xuân Trúc, Phó phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho hay.
Nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại "ngại" cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu theo Nghị định 17 là lo phát sinh nợ xấu. Bởi thực tế, toàn tỉnh Nghệ An có 104 chủ tàu được các ngân hàng cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 với dư nợ cho vay 860 tỷ đồng. Hiện nay tình trạng nợ xấu trong vay vốn đóng tàu mới và cải hoán tàu cá theo Nghị định số 67 ở các địa phương có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước thì hiện có 42 chủ tàu nợ quá hạn, chiếm 41% tổng số chủ tàu đang được Ngân hàng cho vay vốn với dư nợ 343 tỷ đồng, chiếm 48,8% tổng dư nợ. Số dư nợ gốc bị chuyển quá hạn là gần 60 tỷ đồng; trong đó, 29 chủ tàu bị chuyển nợ xấu, dư nợ xấu là hơn 210 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ.
"Tháo gỡ khó khăn cho ngư dân chính là tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng. Vì vậy, ngành ngân hàng cũng đề nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cùng với thời gian của dự án, tức là theo tuổi thọ con tàu; đồng thời cần có chính sách hỗ trợ ngư dân khi tái cơ cấu nợ, ngư dân vẫn được hưởng phần hỗ trợ theo lãi suất (hiện nay nếu ngư dân nợ quá hạn thì không được hưởng chính sách này nên rất khó khăn cho ngư dân). Về phía Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An mong muốn có sự vào cuộc rà soát tạo điều kiện, giám sát quá trình đánh bắt, đánh giá kết quả, hiệu quả thực sự của ngư dân khi ra khơi, ngăn chặn tình trạng bán sản phẩm ngay ngoài khơi hoặc những ngư dân cố tình chây ì không trả nợ cho ngân hàng", ông Cao Văn Hợi, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An bày tỏ.
Một nguyên nhân khác khiến người dân không mặn mà để đóng mới tàu theo Nghị định 17 là do nguồn lợi thủy hải sản ngày càng suy giảm, trong khi đó đội tàu đánh bắt cũng đã được cân bằng nên không có nhu cầu đóng mới. Bên cạnh đó, lực lượng lao động đi biển thời gian qua thiếu hụt trầm trọng nên không phát sinh đóng tàu mới.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, thực hiện Nghị định 17 của Chính phủ, đến nay, Nghệ An có 3 tàu cá vỏ thép được đóng mới, với tổng mức đầu tư 72 tỷ đồng; trong đó ngư dân đầu tư 48 tỷ, Nhà nước hỗ trợ 24 tỷ đồng. Sau một năm đưa vào khai thác, sử dụng nhưng các tàu này chưa được nhận hỗ trợ nguyên do đến nay nguồn chính sách chưa bố trí nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Trung bình mỗi năm, mỗi con tàu được đóng theo Nghị định 17 phải trả lãi cho ngân hàng là 1,8 tỷ đồng.
"Chính phủ sớm cấp kinh phí hỗ trợ sau đầu tư cho 3 tàu vỏ thép đã đóng mới theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP. Với UBND tỉnh Nghệ An có chính sách hỗ trợ phần chênh lệch bảo hiểm thân tàu theo quy định tại Nghị định 17 so với Nghị định 67, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển", ông Hoàng Ngọc Thủy, Trưởng phòng Kinh tế, Thị xã Hoàng Mai đề nghị.
So với Nghị định 67, Nghị định 17 được đánh giá là có nhiều ưu điểm hơn, nhất là việc hỗ trợ một lần sau đầu tư sẽ giúp ngư dân toàn quyền sử dụng và chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của chiếc tàu.
"Song, với nghị định này, vốn đóng tàu lớn, trong khi đó điều kiện tài chính của ngư dân lại hạn chế, vì vậy chúng tôi kiến nghị Chính phủ nên hỗ trợ cho ngư dân mức 50% đóng tàu vỏ thép công suất từ 800 - 1.000 CV nên hỗ trợ khoảng 10 tỷ và tàu công suất trên 12.000 CV thì hỗ trợ 12 tỷ, như vậy người dân sẽ có thêm động lực để đóng mới tàu vươn khơi bám biển", ông Nguyễn Chí Lương, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An đề nghị.