Vì sao IPP Air Cargo xin dừng cấp phép bay?

Công ty cổ phần IPP Air Cargo vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không IPP Air Cargo.

Chú thích ảnh
Máy bay của các hãng đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN

Theo đó, IPP Air Cargo xin rút toàn bộ hồ sơ xin phê duyệt cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không được nộp vào đầu tháng 1/2022 và dừng các hoạt động cấp phép bay theo quy định với lý do "tình hình kinh tế thế giới đang có diễn biến xấu, suy thoái toàn cầu ngày một hiện hữu, biến động giá nhiên liệu khiến ngành vận chuyển hàng hóa toàn cầu sẽ gặp khó khăn".

Văn bản do bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần IPP Air Cargo ký nêu rõ: "Khi thị trường thế giới có sự phục hồi và ổn định trong tương lai, hãng bay này sẽ cân nhắc trở lại vào thời điểm thích hợp và chấp nhận việc nộp lại hồ sơ xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không từ đầu".

Dự án lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD; trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.

Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng; đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3.

Năm đầu khai thác, IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD. Doanh nghiệp dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.

Trước đó, Cục Hàng không cho hay IPP Air Cargo đã ký với Boeing biên bản ghi nhớ mua 10 tàu bay B777F để phục vụ kế hoạch lâu dài. Doanh nghiệp này cũng đã ký Ý định thư (LOI) với BBAM về việc thuê 4 tàu bay B737- 800BCF; trong đó, 1 tàu bay đã hoàn tất việc chuyển đổi cấu hình (khoang chở hàng, sơn tàu bay theo logo đã đăng ký) để sẵn sàng khai thác theo phương án đã báo cáo sau khi được cấp giấy phép.

Tất cả các tàu bay đáp ứng yêu cầu về tuổi tàu bay theo quy định tại (Nghị định 89/2019/NĐ-CP của Chính phủ về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng) để sẵn sàng nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận việc thuê tàu bay theo quy định.

Hiện có 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác vận chuyển hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách, chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng máy bay chuyên dụng.

Thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam chỉ đạt 18% năm 2019 và giai đoạn 2020 - 2021 đạt 11% thị phần hàng hoá quốc tế. Có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác tàu bay chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam.

Quang Toàn (TTXVN)
Sẽ mở các tuyến hàng không giữa Quảng Ninh với các địa phương thuộc khu vực Đông Á
Sẽ mở các tuyến hàng không giữa Quảng Ninh với các địa phương thuộc khu vực Đông Á

Trong khuôn khổ Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17, đang diễn ra tại Hạ Long từ 25-27/10, lãnh đạo các địa phương thuộc EATOF đã thống nhất thúc đẩy liên kết hàng không, mở các chuyến bay thẳng giữa các địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN