Đồng thời, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành một trong các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của chính sách, cần điều chỉnh một số nội dung quy phạm pháp luật có liên quan về nguồn vốn thực hiện và trách nhiệm huy động vốn của các tổ chức.
Theo VCCI, các nguồn vốn huy động được là từ Quỹ “Vì người nghèo” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Ủy ban phối hợp vận động từ cộng đồng xã hội và các doanh nghiệp. Song, trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu tham gia vào chương trình mà không trong đợt vận động của các tổ chức trên có được hay không? Nếu được thì đầu mối liên hệ và trình tự, thủ tục như thế nào là những vấn đề chưa được làm rõ. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét làm rõ các vấn đề này để tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp chung tay, chia sẻ cùng Nhà nước trách nhiệm với cộng đồng xã hội.
Liên quan tới trách nhiệm huy động vốn của các tổ chức, dự thảo quy định “Phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan trong việc phân bổ nguồn vốn do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã huy động được gồm vốn bằng tiền hoặc hiện vật như nhà ở, vật liệu xây dựng cho các địa phương đảm bảo hợp lý và công bằng”. Về nội dung này, VCCI cho rằng chưa rõ ràng yếu tố trách nhiệm phối hợp phân bổ là trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay là trách nhiệm chung của tất cả các tổ chức thực hiện hoạt động huy động nguồn vốn hỗ trợ? Lý do bởi hàng năm VCCI tổ chức vận động, kêu gọi các doanh nghiệp ủng hộ, giúp đỡ hỗ trợ hộ nghèo, song không trực tiếp thu nhận các nguồn lực hỗ trợ mà vẫn thông qua Quỹ “Vì người nghèo”.
Vì lẽ đó, VCCI không thể thực hiện trách nhiệm này và đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định cho phù hợp với tình hình thực tế.