Vàng trải qua đợt giảm giá mạnh nhất trong vòng 4 tuần

Với 4 phiên liên tiếp đi xuống, giá vàng tuần qua đã nếm trải đợt tuột dốc mạnh nhất trong vòng 1 tháng qua theo sau mối lo về triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone cũng như sự u ám của kinh tế Mỹ.

Giá vàng giảm hơn 6 USD trong phiên đầu tuần tại Niu Yoóc do đồng USD mạnh lên làm giảm nhu cầu mua vào kim loại quý này như nguồn đầu tư thay thế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn. Chốt phiên 17/10 tại Sàn giao dịch kim loại Niu Yoóc (COMEX), giá vàng giao tháng 12/2011 giảm 6,4 USD so với phiên cuối tuần trước xuống 1.676,6 USD/ounce.

Tính chung trong tuần giá vàng đã giảm 2,5%, đợt giảm mạnh nhất trong vòng 4 tuần.


Giới phân tích thị trường cho rằng các nhà kinh doanh khá dè dặt trong hoạt động buôn bán vàng và một số đã chọn cách bán ra để chốt lời ngay khi thấy đồng USD tăng giá so với các ngoại tệ khác trong rổ tiền tệ. Tuy nhiên, sự sụt giảm này bị hạn chế do nhu cầu gia tăng của các hãng kim hoàn tại châu Á.

Tiếp đó giá vàng lại giảm sâu hơn tới hơn 20 USD vào phiên 18/10 do giới đầu tư đẩy mạnh bán ra sau khi Trung Quốc công bố tăng trưởng GDP quý III ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua cùng với nỗi lo kéo dài về cuộc khủng hoảng nợ công chưa có lối thoát tại Eurozone trong bối cảnh vàng đã không còn là "nơi trú ẩn an toàn". Giá vàng kỳ hạn Niu Yoóc rơi xuống 1.652,8 USD/ounce, hạ 23,8 USD (1,4%).

Giới phân tích nhận định mối quan hệ nghịch truyền thống giữa vàng và các tài sản rủi ro đang ngày càng lỏng lẻo và vàng đang mất dần vai trò là "nơi trú ẩn an toàn" trong thời kỳ thị trường hỗn loạn.Thực tế cho thấy do những biến động mạnh trong thời gian gần đây, vàng đã đánh mất vị thế là tài sản đầu tư được ưa chuộng hàng đầu cũng như "vũ khí" chống lạm phát trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Đầu tư vào vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến giới kinh doanh quay lưng với kim loại quý này.

Phiên 19/10 ghi dấu phiên thứ ba liên tiếp giá vàng sụt giảm trên thị trường Niu Yoóc, theo sau các tài sản rủi ro, trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư hoang mang khi các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone chưa có dấu hiệu tiến triển và triển vọng kinh tế Mỹ còn ảm đạm. Trên Sàn COMEX, giá vàng giao tháng 12/2011 giảm 5,8 USD xuống 1.647 USD/ounce.

Sự chia rẽ sâu sắc giữa Đức và Pháp về cách thức mở rộng Quỹ cứu trợ tài chính châu Âu, giữa lúc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) chưa tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết các khoản nợ của Hy Lạp trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 23/10, đã khiến đồng USD lại lên ngôi, khiến các hàng hoá, trong đó có vàng, tuột dốc mạnh hơn vào phiên 20/10. Có thể nói sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu đang phủ bóng lên các hàng hóa có truyền thống là một tài sản an toàn như vàng, khiến kim loại quý này trở thành hàng hóa rủi ro giống như cổ phiếu hay các hàng hóa khác. Phiên 20/10 cũng ghi dấu chuỗi xuống giá liên tiếp 4 phiên liền của vàng và là phiên giảm sâu nhất trong 2 tuần qua khi có lúc rơi xuống 1.609,24 USD/ounce.

Nhưng rồi giá vàng đã bất ngờ đảo chiều đi lên để khép lại phiên cuối tuần 21/10 tăng giá mạnh nhất trong vòng 2 tuần khi Phố Uôn tăng điểm và các thị trường hàng hóa tăng giá trở lại theo sau kỳ vọng các nhà lãnh đạo EU sẽ tìm được giải pháp ngăn ngừa cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone lan rộng khi nhóm họp trong ngày 23/10.

Chốt phiên cuối tuần 21/10 giá vàng giao tháng 12/2011 tại Niu Yoóc tăng 23,2 USD lên 1.636,10 USD và giá vàng giao ngay tăng 1,2% lên 1.637,39 USD/ounce. Giá vàng tại Luân Đôn đứng ở mức 1.642 USD/ounce. Các quỹ ETF dường như đang hướng tới một tháng mua vào mạnh nhất trong vòng 3 tháng qua khi tính tới cuối tuần trước lượng vàng mà họ nắm giữ đã tăng hơn 170.000 ounce lên 67,229 triệu ounce.

Tuy nhiên, tính chung trong tuần giá vàng đã giảm 2,5%, đợt giảm mạnh nhất trong vòng 4 tuần, theo sau đà đi xuống của các tài sản có rủi ro hơn như chứng khoán hay các kim loại cơ bản dùng trong công nghiệp.

Theo nhà chiến lược đầu tư từ công ty môi giới Janney Montgomery Scott, không có gì đáng ngạc nhiên khi khách hàng trở lại thị trường vàng khi họ nghĩ rằng nếu không mua vào vào thời điểm giá vàng đang xuống như lúc này họ sẽ đánh mất cơ hội đẩy giá vàng lên cao hơn về sau.

Mặc dù vậy, giới đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng khi đề xuất sử dụng thêm tài chính từ Ngân hàng trung ương châu Âu để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công khu vực mà Pháp đưa ra đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Đức và một số nước EU.

Hoàng Hà

Vì sao giá vàng lên xuống bất thường?
Vì sao giá vàng lên xuống bất thường?

Sau nhiều tháng liên tiếp tăng giá, vào cuối tháng 9, giá vàng trên thế giới “hụt hơi” và rớt xuống mức thấp nhất vào ngày 23/9 - mức thấp kỷ lục kể từ tháng 3/2008. Tại sao hiện tượng này diễn ra? Liệu đây chỉ là sự sụt giảm tạm thời hay là một chiều hướng diễn ra trong dài hạn?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN