Trong phiên giao dịch ngày 3/9, giá vàng thế giới tiếp tục đi xuống, giảm khoảng 1%, do đồng USD mạnh lên so với đồng euro sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ dự báo về lạm phát của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tại cuộc họp chính sách mới nhất diễn ra cùng ngày. Thêm vào đó, một nhân tố khác đẩy giá vàng lùi sâu là báo cáo tích cực về thị trường việc làm của Mỹ, khiến những đồn đoán về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất lại dấy lên sôi động.
Giá kim loại quý tiếp tục giảm. Ảnh: THX/TTXVN
|
Tính tới 1 giờ 47 phút sáng ngày 4/9 giờ Việt Nam, tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX), giá vàng giao ngay giảm 0,8%, xuống 1.125,20 USD/ounce, sau khi có lúc rơi xuống 1.121,35 USD/ounce (hạ 1,1%). Trong khi đó, giá vàng giao tháng 12/2015 cũng mất 0,8%, xuống 1.124,50 USD/ounce.
Chuyên gia tư vấn George Gero từ RBC Wealth Management cho biết, không một nhân tố nào hỗ trợ giá vàng trong phiên này: số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ giảm, ECB giữ nguyên lãi suất, thị trường chứng khoán khởi sắc và lạm phát vẫn ở mức thấp.
Ngoài ra, việc đồng USD tăng 0,5% so với rổ các đồng tiền chủ chốt sau thông tin mới nhất cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng trong tháng 7/2015 cũng tạo sức ép giảm giá đối với kim loại quý này.
Hiện thị trường đang hướng sự chú ý về báo cáo việc làm tháng Tám của Bộ Lao động Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào 19 giờ 30 phút (giờ Việt Nam) ngày 4/9, nhằm có được bức tranh rõ nét hơn về nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhiều nhà phân tích cho rằng số liệu việc làm tốt sẽ làm gia tăng khả năng FED nâng lãi suất tại cuộc họp chính sách sắp tới (16-17/9), thay vì tháng 12/2015 như đồn đoán trước đó. Dự báo, nhiều khả năng giá vàng có thể rơi xuống mức 1.117 USD/ounce trong ngắn hạn.
Một nhân tố khác góp phần khiến giá vàng đi xuống trong phiên này là thị trường Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, đóng cửa nghỉ lễ tới ngày 4/9.
Trong khi đó, giá dầu thế giới đi lên trong phiên thứ hai liên tiếp sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để ngỏ khả năng mở rộng chương trình nới lỏng định lượng (QE).
Cụ thể, khép lại phiên giao dịch ngày 3/9, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10/2015 tăng 50 xu Mỹ lên 46,75 USD/thùng. Tại London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tăng 18 xu Mỹ và đóng cửa ở mức 50,68 USD/thùng.
Phát biểu sau cuộc họp chính sách ngày 3/9, Chủ tịch ECB Mario Draghi nói rằng chương trình mua trái phiếu - dự kiến được thực hiện đến cuối tháng 9/2016 - có thể được kéo dài sau thời điểm này, nếu điều đó là cần thiết đối với nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro. Bình luận này của ông Draghi hỗ trợ giá dầu, bất chấp thông tin ECB hạ dự báo tăng trưởng và lạm phát của khu vực đồng tiền chung trong giai đoạn 2015-2017.
Theo nhà phân tích Tim Evans của Citi Futures, nhà đầu tư vui mừng trước khả năng nới rộng QE hơn là quan ngại về nhu cầu yếu. Ông nhận định giá dầu có thể tăng trong ngắn hạn, song thị trường dầu mỏ vẫn đang chứng kiến tình trạng dư cung.
Giá dầu thô trong các giao dịch kỳ hạn, cùng các thị trường khác, đã biến động mạnh kể từ khi Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng NDT vào ngày 11/8, làm dấy lên quan ngại về tình trạng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc - cũng là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.