Vận tải hàng hóa đường sắt giảm tốc những tháng đầu năm

Thông tin về tình hình sản xuất kinh những tháng đầu năm 2023, lãnh đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay, vận tải hàng hóa trong lĩnh vực đường sắt có sự giảm tốc so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, vận tải hành khách mặc dù tốc độ phát triển tốt song cũng chỉ phục hồi bằng 80% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19 diễn ra).

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng Chi cục hải quan ga đường sắt Lào Cai kiểm tra niêm phong kẹp chì với các mặt hàng đến và đi tại ga. Ảnh tư liệu: Quốc Khánh/TTXVN

Lý giải về khó khăn trong vận tải hàng hóa, lãnh đạo VNR đánh giá, hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải đường sắt còn chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch COVID-19, trong khi vẫn gặp nhiều áp lực cạnh tranh với vận tải hàng không và đường bộ về vận tải khách. Vận tải hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng do vận tải đường biển sau giai đoạn biến động cước tăng cao đã giảm trở lại mức cước cũ và cạnh tranh trực tiếp với đường sắt.

Trong thời gian gần đây, VNR đã đưa ra nhiều giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19. Cụ thể, đường sắt đang tăng cường khai thác tối đa vận tải hàng hóa và tìm giải pháp phục hồi vận tải hành khách.

Ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) thông tin, trong 2 tháng đầu năm và nửa đầu tháng 3, tình hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là vận tải hàng hóa của đơn vị gặp khó khăn khi có dấu hiệu giảm tốc. Cụ thể, vận tải hàng hóa của Haraco chỉ bằng 90% so với cùng kỳ. Trong khi vận tải hành khách chỉ phục hồi bằng 75-80% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyên nhân được ông Đỗ Văn Hoan chỉ ra là do suy thoái của kinh tế thế giới cùng với đó là khó khăn của các doanh nghiệp trong nước. Đơn hàng và hàng hóa hóa xuất nhập khẩu giảm. Điều này kéo theo vận tải hàng hóa tuyến Bắc – Nam sụt giảm. Một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa của đường sắt giảm sút so với với cùng kỳ là do sự cạnh tranh của các phương thức vận tải khác như đường biển, đường bộ sau thời gian bị hạn chế khi dịch COVID-19 diễn ra phức tạp.

Giải pháp của Haraco đưa ra đó là cố gắng làm việc trực tiếp với các đối tác theo hướng giảm các khâu trung gian qua đó giảm được giá thành cho khách hàng. Cùng với đó, Haraco cũng yêu cầu bộ phận kinh doanh tiếp tục nghiên cứu, rà soát để giảm thời gian làm thủ tục cho khách hàng.

Đối với vận tải hành khách, ông Đỗ Văn Hoan thông tin, đến thời điểm này đơn vị đã mở bán vé cho kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 đồng thời xây dựng chương trình bán vé cho kỳ nghỉ hè năm nay. Đặc biệt, Haraco sẽ tăng cường hợp tác các công ty du lịch, các Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch của Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng để tổ chức quảng bá du lịch các địa phương này, xây dựng các tour du lịch mà đường sắt đứng ra chủ trì. Đường sắt cũng đưa ra các chương trình giảm giá sâu cho khánh đi theo đoàn, khách đặt vé sớm, tăng cường cải thiện dịch vụ phục vụ.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR cho hay, năm 2022, doanh thu của ngành đường sắt đạt hơn 7.700 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 400 tỷ so với năm trước đó. Năm 2023 ngành này đặt mục tiêu thoát lỗ và 2 năm tới sẽ có lãi.

Để làm được điều này, ngay từ đầu năm hàng loạt kế hoạch đã được đặt ra như cải thiện chất lượng hạ tầng, nâng cao hiệu quả vận tải hành khách và hàng hóa. Cả nước có 8 nhà ga đang được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho phép trở thành ga liên vận hàng hóa quốc tế nhằm nâng cao năng lực vận tải hàng hóa. Một trong số đó có ga Kép tại tỉnh Bắc Giang, nằm trên tuyến Hà Nội - Lạng Sơn đã khai trước dịch vụ liên vận từ ngày 18/2 vừa qua và bước đầu phát huy hiệu quả tích cực.

Vận tải hàng hóa đang trở thành mảng kinh doanh mũi nhọn khi mục tiêu chiếm đến 70% doanh thu toàn ngành đường sắt. Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc nâng cấp, cải tạo các khu ga hàng hóa cũng đã được Bộ Giao thông Vận tải đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2026.

“Đưa ra giải pháp tăng các luồng chạy tàu trên tuyến, chạy tàu hàng nhanh, chạy tàu hành lý. Bên cạnh đó chúng tôi đang nỗ lực để nâng cao hơn nữa sản lượng doanh thu về vận tải liên vận quốc tế", ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết.

Ngoài ra, mô hình đường sắt kết hợp du lịch trong năm vừa qua đã mang về hơn 4,5 triệu lượt khách, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng sẽ là mảng kinh doanh được đẩy mạnh trong năm nay.

"Chúng tôi đưa ra các giải pháp như nâng cao chất lượng phục vụ; phối hợp với các tỉnh, tour du lịch, công ty du lịch hoặc lữ hành để chúng tôi đón nhận luồng khách để tổ chức vận chuyển", ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết thêm.

Cũng theo đại diện VNR, việc Trung Quốc đã có các chính sách kiểm soát dịch bệnh thông thoáng hơn từ đầu năm nay và chiến lược tập trung khai thác dịch vụ logistics tại các khu ga cũng sẽ là cơ hội cho ngành đường sắt cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh.

Quang Toàn (TTXVN)
Rốt ráo triển khai quy hoạch tổng thể ngành đường sắt
Rốt ráo triển khai quy hoạch tổng thể ngành đường sắt

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, để triển khai Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất tăng vốn đầu tư công trung hạn, ưu tiên đầu tư nhiều dự án đường sắt lớn để kết nối, giảm chi phí logistics giai đoạn 2021 - 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN