Đường sắt bố trí 400 tỷ đồng lắp thiết bị tín hiệu tại 270 đường ngang

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, năm 2023 Tổng công ty sẽ ký hợp đồng đặt hàng và triển khai lắp đặt bổ sung thiết bị tín hiệu tại 270 đường ngang, chia thành 65 công trình với tổng số vốn 400 tỷ đồng nguồn ngân sách Nhà nước.

Chú thích ảnh
Thực hiện gác chắn để đảm bảo an toàn giao thông đường ngang giao với đường sắt tại Km 1408 + 941 đoạn qua địa bàn huyện Ninh Phước. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thành/TTXVN

Các công trình này được bố trí vốn để triển khai thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vào năm 2021. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đặt hàng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu theo quy định đối với 566 đường ngang có gác, thực hiện từ năm 2022 và hoàn thành toàn bộ trong năm 2023.

Trước đó, đường sắt đã tiến hành rà soát các đường ngang có gác và kiến nghị cấp có thẩm quyền cho đầu tư sửa chữa, lắp đặt các thiết bị tín hiệu đường sắt để đảm bảo theo quy định tại Thông tư 25/2018/TT-BGTVT Quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt. Đồng thời tăng cường biện pháp, thiết bị cảnh báo tàu đến gần, gia tăng đảm bảo an toàn chạy tàu, an toàn giao thông tại đường ngang có gác.

Tuy nhiên, năm 2022 từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế mới bố trí được 200 tỷ đồng, để triển khai lắp đặt tại 112 đường ngang có gác. Năm 2023, bố trí 400 tỷ đồng để thực hiện tại 270 đường ngang có gác.

“Do kinh phí bố trí cho các đường ngang chưa đủ nên chưa thể hoàn thành sửa chữa, lắp đặt toàn bộ 566 đường ngang theo tiến độ tại văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Hiện đường sắt đang kiến nghị kéo dài thời hạn thực hiện để cấp có thẩm quyền bố trí đủ vốn hoàn thành đối với các đường ngang có gác còn lại”, đại diện VNR cho biết.

Theo văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc giao kinh phí thực hiện việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang đảm bảo an toàn giao thông đường sắt theo Quyết định 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng đồng ý ý kiến của Bộ Tài chính về việc bổ sung từ nguồn dự toán chi các hoạt động kinh tế của ngân sách trung ương năm 2021 cho Bộ Giao thông Vận tải để giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thanh quyết toán các công trình đường ngang đã thực hiện, hoàn thành từ năm 2017 - 2019 và thực hiện, hoàn thành nâng cấp, cải tạo 82 đường ngang đang thực hiện dở dang từ năm 2020 xong trong năm 2022.

“Bộ Giao thông Vận tải đặt hàng toàn bộ với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu theo quy định đối với 566 đường ngang có người gác. Bộ Tài chính bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn để Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện từ năm 2022 và hoàn thành toàn bộ công tác này trong năm 2023”, văn bản chỉ đạo nêu rõ.

Quang Toàn (TTXVN)
Đánh giá tổng thể hiệu quả phương án đầu tư đường sắt Yên Viên - Cái Lân
Đánh giá tổng thể hiệu quả phương án đầu tư đường sắt Yên Viên - Cái Lân

Mới đây Bộ Giao thông Vận tải có văn bản số 717/ GTVT-KHĐT, trả lời kiến nghị cử tỉnh Quảng Ninh về tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN