Vẫn “loạn” giá sữa bán lẻ

Theo quy định áp trần giá sữa của Bộ Tài chính, kể từ ngày 21/6, các hãng sữa, cửa hàng, siêu thị… phải áp dụng giá trần bán lẻ mới đối với mặt hàng sữa cho trẻ dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, nhiều cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn bán mặt hàng này với mức giá cao hơn mức giá trần đã đăng ký, thậm chí có nơi còn tự làm giá.


Cửa hàng tự làm giá


Ghi nhận tại nhiều cửa hàng sữa và trên các tuyến đường chuyên kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại TP Hồ Chí Minh như Nguyễn Thông (quận 3), Nguyễn Tri Phương (quận 10), Thống Nhất (quận Gò Vấp), Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức)… cho thấy, giá bán lẻ sữa mỗi nơi mỗi khác. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được bán với giá cao hơn giá áp trần.

 

Giá bán lẻ sữa tại siêu thị ổn định hơn.

 

Chẳng hạn, sản phẩm Dialac Alpha 123 HT, loại 900g của Vinamilk đang được nhiều cửa hàng, siêu thị bán với giá 186.000 - 190.700 đồng/hộp, trong khi giá bán lẻ tối đa chỉ là 176.000 đồng/hộp. Sữa Nan 1 của Nestle loại 800g được bán ra với giá 380.000 đồng/hộp, trong khi giá bán lẻ tối đa ở mức 371.000 đồng/hộp; Nan Pelargon loại 400g có giá bán lẻ 220.000 đồng/hộp, vượt 3.000 đồng/hộp so với giá áp trần.


Lý giải về sự chênh lệch giữa giá bán với giá trần này, nhiều chủ cửa hàng cho rằng, do các hãng sữa cắt hết các khoản ưu đãi, chiết khấu phần trăm cho cửa hàng, họ chỉ còn khoản lợi nhuận từ việc bán sản phẩm nên không thể bán giảm giá quá sâu. “Chẳng hạn, với sản phẩm của Vinamilk, hãng không ra cửa hàng kiểm kê xem lượng hàng tồn kho nhiều hay ít để hỗ trợ cửa hàng. Giá bán trên là do cửa hàng phải tự tính toán để đưa ra nếu không muốn thua lỗ. Sản phẩm Dialac Alpha 123 HT loại 900g, giá bán buôn tối đa là 167.000 đồng/hộp, nhưng họ bán cho cửa hàng 176.000 đồng/hộp. Vì vậy, cửa hàng phải bán cho người tiêu dùng là 190.000 đồng/hộp để bù vào các khoản phí như thuê nhân viên, kho bãi, vận chuyển”, một chủ cửa hàng kinh doanh sữa (xin giấu tên) cho biết.


Tại Hà Nội, khảo sát của phóng viên tại một số cửa hàng sữa trên phố Phương Mai (quận Đống Đa) cũng cho thấy tình trạng giá bán lẻ vượt giá trần. Theo đó, loại sữa NanPro 3 loại 900g hiện có giá 390.000 đồng/hộp, cao hơn mức giá trần 6.000 đồng/hộp. Cụ thể, nếu tính đúng theo giá trần của Bộ Tài chính thì mức trần áp cho dòng sữa Nan Pro3 loại 900g là 334.000 đồng/hộp với giá bán buôn, còn giá bán lẻ cao nhất đến tay người tiêu dùng là 384.000 đồng/hộp.


Theo quy định, giá trần sữa bán lẻ tới tay khách hàng được tính bằng cách lấy giá trần bán buôn đã công bố cộng thêm 15%. Tuy nhiên, một số chủ cửa hàng cho biết, đơn vị phân phối trước khi bán cho cửa hàng đã hưởng 15% này rồi nên khi tới cửa hàng, cửa hàng không biết tính làm sao để khỏi thua lỗ.


Kiểm soát chặt chẽ


Bên cạnh một số sản phẩm sữa bị các cửa hàng tự làm giá, một số mặt hàng sữa cũng đã giảm giá đúng hoặc giảm nhiều hơn giá áp trần bán lẻ. Ghi nhận tại các cửa hàng bán buôn, bán lẻ sữa tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, sữa Abbott Grow 3 loại 900g, giá chỉ từ 250.000 - 267.000 đồng/hộp, giảm từ 4.000 - 21.000 đồng/hộp; sữa Similac GainPlus IQ giá 412.000 đồng/hộp 900g, thấp hơn giá trần 13.000 đồng/hộp; Enfagrow A+3 giá cũng thấp hơn giá trần 23.000 đồng/hộp… Chị Mỹ Dung, chủ cửa hàng sữa trên đường Võ Văn Ngân, cho biết: “Giá một số loại sữa được bán với giá rẻ hơn là do hãng sữa phân phối trực tiếp cho cửa hàng chứ không qua trung gian. Do đó, chiết khấu còn nguyên và các cửa hàng không bị cắt quyền lợi. Cửa hàng mua được từ các nhà phân phối với giá rẻ thì sẽ bán cho người tiêu dùng giá rẻ”.

“Giải mã” sản phẩm chức năng dành cho trẻ em

Tại phiên họp báo thường kỳ tháng 6 của Bộ Tài chính vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, cho biết: Sau khi quy định áp trần giá sữa. Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra tại Hà Nội, Đà Nẵng và gần đây nhất là TP Hồ Chí Minh, nhưng chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm trần giá sữa (?). Trước đó, Cục Quản lý giá đã yêu cầu các sở tài chính phải thường xuyên cập nhật thông tin, rà soát, kiểm tra, giám sát việc xác định giá bán lẻ tối đa và đăng ký giá bán lẻ sữa. Lãnh đạo Cục cho biết, Cục đang phối hợp với Bộ Y tế “giải mã” một số sản phẩm chức năng cho trẻ em không gọi là sữa mà có tên gọi khác như “bổ sung vi chất” nhằm làm rõ hoài nghi của dư luận về khả năng “lách luật” của doanh nghiệp sữa.

Theo ông Tuấn, Bộ Tài chính có nghe thông tin về việc có trường hợp doanh nghiệp thay đổi chất lượng, mẫu mã, khối lượng sữa để “lách luật”. Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định, từ khi Bộ Tài chính công bố giá trần của 141 dòng sản phẩm thì những dòng này chưa có sự bổ sung hay thay đổi nào. Tất cả các dòng sữa đã được đăng ký giá trần bán buôn và bán lẻ đang được cơ quan tài chính và chi cục quản lý thị trường các quận, huyện kiểm tra thường xuyên.

Minh Phương


Trong khi đó, tại các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh, giá bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi có phần ổn định hơn khi hầu hết các mặt hàng đều được niêm yết bằng đúng giá trần quy định hoặc rẻ hơn giá trần công bố từ 20.000 - 54.000 đồng/hộp tùy loại. Theo Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, đã có 12 công ty tại TP Hồ Chí Minh công bố giá bán buôn tối đa và bán lẻ tối đa sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi với 175 sản phẩm. Hiện còn 5 doanh nghiệp nữa đang làm thống kê giá bán buôn, bán lẻ để báo cáo Sở. Theo đó, giá sữa bán lẻ tối đa được thông báo tăng không quá 15% so với giá bán buôn và thấp hơn so với giá bán lẻ trước đó 1 - 31%, tương đương 2.000 - 90.000 đồng/hộp tùy loại.


Ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng Ban Vật giá, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, cho biết, vừa qua thành phố đã thành lập tổ liên ngành đi kiểm tra thị trường sữa và phát hiện một số cửa hàng nhỏ lẻ bán không đúng với quy định áp giá trần. Tuy nhiên, do quy định còn mới, các cửa hàng này chưa hiểu kỹ vấn đề dẫn đến tình trạng nhầm lẫn khi tính giá bán. Đa số các cửa hàng đều nhầm lẫn ở khoản cộng thêm 15%.


“Nếu các cửa hàng còn tái diễn vi phạm, cơ quan chức năng sẽ căn cứ theo quy định để phạt tiền ở mức từ 5 - 10 triệu đồng/lần. Nếu có nhiều hành động tiêu cực hơn, cửa hàng có thể sẽ bị phạt ở mức cao hơn; bằng cách tính theo lợi nhuận thu được và số sản phẩm bán ra để truy nộp ngân sách nhà nước. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, ngành tài chính sẽ thường xuyên phối hợp tổ chức các đoàn đi kiểm tra, để giá cả mặt hàng này được ổn định hơn”, ông Chiến cho biết.


Theo chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long, trước việc nhiều doanh nghiệp sữa lách luật bằng các chiêu giảm trọng lượng, biến tướng mẫu mã, tên gọi, tăng độ tuổi của trẻ..., nếu Bộ Tài chính không có những giải pháp quyết liệt để buộc các doanh nghiệp sữa phải đi vào khuôn khổ thì biện pháp áp giá trần coi như vô hiệu. Và khi đó, "con ngựa giá sữa" lại càng bất kham hơn.

 

Hoàng Tuyết - Hoàng Dương

Sữa không nguồn gốc tràn lan: Mối họa từ đâu?
Sữa không nguồn gốc tràn lan: Mối họa từ đâu?

Với quan niệm cứ hàng ngoại là tốt, nhiều gia đình thường không ngại chuyện giá cao để con em mình được uống sữa ngoại và không ít người tin rằng sữa ngoại xách tay tốt hơn sữa ngoại đăng ký chính thức tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN