Mặc dù các ngân hàng đã cam kết với Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất cho vay sản xuất xuống 17 -19%/năm, nhưng cho vay tiêu dùng vẫn không hạ.
Khách hàng giao dịch tại Hội sở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ngày 12/9 sau khi lãi suất được điều chỉnh. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Khảo sát một số ngân hàng cho thấy, mặt bằng chung lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân dường như chưa hề điều chỉnh giảm. Tại SeABank, lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân bình quân khoảng 24%/năm. Eximbank hiện cho vay tiêu dùng từ 22,8% - 23,1%/năm tùy vay ngắn hạn hay dài hạn. Tại ngân hàng ACB, lãi suất vay tiêu dùng cá nhân đều trên 21%/năm và tùy theo thời hạn vay để “cộng thêm lãi suất” từng năm. Cả 2 ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank cũng đều cho vay trên 20,5%/năm, dù đã có điều chỉnh giảm.
Ngân hàng BIDV có lẽ là ngân hàng cho vay tiêu dùng cá nhân với mức lãi suất thấp nhất, 19% - 20%/năm với thời hạn vay ngắn hạn (dưới 1 năm) và 20% - 20,5%/năm cho trung và dài hạn. Tuy nhiên, để vay được mức này khách hàng phải có tài sản thế chấp như bất động sản hoặc các chứng từ có giá, còn tín chấp thì BIDV đã “đóng cửa”. Với Techcombank, cơ hội cho vay tiêu dùng vẫn mở, theo kiểu vay thấu chi với khách hàng nhận lương qua tài khoản của ngân hàng. Tuy nhiên, nếu mức vay trước đây áp dụng bằng 5-6 lần mức lương thì nay chỉ khoảng 3 lần lương.
Tại ABBank, mặc dù đã giảm lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh đối với khách hàng cá nhân trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2011, nhưng mức lãi suất cho vay thỏa thuận đối với khách hàng cá nhân sau khi đã ưu đãi 1,5%/năm vẫn còn nằm trên ngưỡng 20%/năm. Tuy nhiên, với lĩnh vực vay tiêu dùng trên, ABBank không đặt mức ưu tiên, chỉ dành vốn và ưu đãi lãi suất với mục đích sản xuất - kinh doanh.
Theo lý giải của các ngân hàng, sở dĩ họ chưa thể mạnh tay cắt giảm lãi suất cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân là vì chi phí huy động vốn đầu vào còn ở mức cao. Mặt khác, tất cả các khoản vay tiêu dùng như mua các phương tiện thiết yếu như xe máy, mua nhà ở… vẫn bị xếp vào lĩnh vực phi sản xuất.
Trong khi đó, điểm khó hiện nay của các ngân hàng chính là phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới mức cho phép 20%, đồng thời giảm dần dư nợ phi sản xuất. Vì vậy, các ngân hàng còn “room” tín dụng để đáp ứng vốn cho khách hàng cá nhân cũng khó có thể ồ ạt cho vay, lãi suất ở mức cao cũng không nằm ngoài lý do trên.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển - Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và kinh tế ứng dụng, cho rằng cho vay tiêu dùng dù không giảm xuống mức 17% – 19% nhưng nếu ở 21% - 23% vẫn là quá cao. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần có cái nhìn đúng hơn về cho vay tiêu dùng hiện nay và phân chia cụ thể cái gọi là tín dụng “phi sản xuất”. Bởi cho vay tiêu dùng ở một mức độ nào đó sẽ kích thích sản xuất. Chỉ có vay đầu cơ mới có hại cho nền kinh tế, còn nếu dòng vốn chảy vào các nhu cầu thiết yếu và sản xuất thì sẽ có lợi. Vì vậy, không phải nhu cầu thiết yếu nào cũng bị gọi là phi sản xuất và cho vay với mức cao.
Hải Yên