Nếu các dự án trên đủ điều kiện sẽ được trình Quốc hội ngay tại kỳ họp thứ 3 khai mạc ngày 23/5 tới đây. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về tính hiệu quả của phương thức đầu tư các dự án này.
Trình bày tờ trình ba dự án này tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội vừa được tổ chức đầu tuần, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, quy hoạch mạng lưới đường bộ từ năm 2021- 2030, định hướng 2050 đã xác định đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa -Vũng Tàu. Theo đó, tuyến cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu có chiều dài 54 km, quy mô từ 6-8 làn xe. Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 130km, quy mô 4 làn xe. Tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191km, quy mô 6 làn.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, cả ba dự án đều được đầu tư bằng hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư của cả 3 dự án được Chính phủ tính toán là gần 85.000 tỷ đồng được dùng cả ngân sách Trung ương và địa phương; trong đó, ngân sách địa phương tổng là 8.358 tỷ đồng, chiếm 12%. Sau khi hoàn thành sẽ thu phí để hoàn trả phần vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho dự án.
Đánh giá về các dự án này, các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết, tính cấp bách của việc đầu tư cả 3 dự án để phát triển kinh tế - xã hội vì đặc biệt vùng Tây Nguyên chưa có tuyến cao tốc nào.
Các đại biểu cũng đánh giá cao Chính phủ, các bộ và địa phương có dự án đi qua đã chủ động rà soát để bảo đảm nguồn vốn thực hiện dự án từ nguồn của kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phân bổ, nguồn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021, nguồn từ ngân sách địa phương…
Song các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính khả thi, khả năng bố trí và cân đối vốn, cam kết bố trí vốn từ các địa phương phải theo đúng quy định là thẩm quyền thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Bởi hiện tại mới chỉ có duy nhất Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có cam kết về vốn.
Cùng với đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ có báo cáo giải trình làm rõ đề xuất hình thức đầu tư công đối với 3 dự án. Nhiều ý kiến cho rằng, đối với dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu có khả năng thu hút đầu tư tư nhân cùng tham gia thực hiện dự án, nên hoàn toàn có thể đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Phó chủ nhiệm Uỷ ban tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn nêu vấn đề nếu các tỉnh còn lại chỉ có UBND cam kết thì chưa đủ cơ sở pháp lý. Vì vậy, các tỉnh có dự án đi qua cân đối thật kỹ nguồn vốn để báo cáo Hội đồng Nhân dân quyết định.
Liên quan đến hình thức đầu tư, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, trong 3 dự án này cần cân nhắc việc chuyển sang đầu tư tư dự án Biên Hòa -Vũng Tàu. Bởi, khả năng thu hồi vốn của tuyến này là cao và là cơ hội để đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Trong bối cảnh này cần có sự chung tay của nhân dân nhiều hơn vì vốn ngân sách Trung ương hạn hẹp; ngân sách địa phương thì còn nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Ở tờ trình dự án Biên Hòa -Vũng Tàu, Bộ Giao thông vận tải nhận định: nếu đầu tư công thì tiến độ hoàn thành dự án sẽ sớm hơn 1 năm. Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, thực tế đã chứng minh nếu chọn được nhà đầu tư tư nhân có uy tín thì tiến độ công trình sẽ rút ngắn không kém, thậm chí sẽ thực hiện nhanh hơn. Do đó, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị giữ lại phương thức đối tác công tư (PPP) với dự án Biên Hoà - Vũng Tàu.
Các chuyên gia giao thông nhìn nhận, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) mới đi vào cuộc sống và được Nhà nước khuyến khích. Đây cũng là phương thức để huy động nguồn lực toàn xã hội chung tay vì chiến lược phát triển mạng lưới đường cao tốc. Do đó, việc Bộ Giao thông Vận tải lại đề xuất chuyển các dự án đường cao tốc mới về hình thức đầu tư công liệu có hợp lý khi Luật PPP có hiệu lực từ tháng 1/2021 đã dẫn hướng cho môi trường đầu tư mới.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đang khuyến khích áp dụng rộng rãi mô hình đầu tư này cho các dự án hạ tầng giao thông, giúp giảm tải cho ngân sách nhà nước. Nếu trong lúc này, những dự án tốt đều được quy về đầu tư công, chỉ để lại những dự án khó mới thực hiện PPP thì luật này sẽ không còn hiệu quả. Các dự án sẽ không thể hút được các doanh nghiệp tư nhân tham gia. Như vậy, áp lực lên ngân sách nhà nước tăng, Luật PPP không phát huy được tác dụng, các công trình sẽ đứng trước nguy cơ không thể thực hiện do thiếu vốn.