Vải thiều Lục Ngạn được mùa, được giá

Năm nay, vải thiều Lục Ngạn được mùa lớn với tổng sản lượng lên tới 90.000 tấn, tăng gấp đôi so với thời vụ năm trước, chiếm non nửa sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang; doanh thu ước đạt 800 tỷ đồng trong tổng doanh thu toàn tỉnh về cây vải thiều là 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, người trồng vải vẫn còn nhiều băn khoăn về khâu tiêu thụ.

Được mùa lớn, giá tốt

Không giống như năm trước bị mất mùa, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, tỷ lệ ra hoa và đậu quả của vải thiều Lục Ngạn đạt trên 90%. Vào thời điểm này, người trồng vải đang tất bật thu hoạch vụ vải thiều sớm, vụ vải thiều chính vụ sẽ nối tiếp vào cuối tháng 6.

Gia đình ông Trần Quang Quyền, thôn Lai Hòa, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn đang thu hoạch vụ vải sớm. Ảnh: Đình huệ-TTXVN


Ông Trần Quang Quyền, một hộ dân trồng vải thuộc thôn Lai Hòa, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn vui mừng cho biết, nhà ông trồng trên 200 cây vải trên diện tích gần 1 ha, gồm 3 loại vải u hồng, vải lai Thanh Hà và vải chính vụ, trong đó vải chính vụ chiếm phần lớn. Năm nay do thời tiết thuận lợi, mọi cây vải trong vùng đều ra hoa và đậu quả rất sai, tính sơ bộ vụ này gia đình ông sẽ thu được khoảng 10 tấn quả, với giá thị trường đang diễn biến thuận lợi như hiện nay, sẽ thu được khoảng 100 triệu đồng.

Niềm vui của ông Quyền cũng là niềm vui chung của các hộ gia đình trồng vải của huyện Lục Ngạn do sản lượng vải năm nay tăng gấp 2 lần so với năm ngoái. Hơn nữa, vải sớm năm nay tiêu thụ rất tốt do chất lượng quả vải đã được nâng lên và hầu hết các hộ đã thực hành trồng vải sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Chỉ tính riêng vụ vải sớm, huyện Lục Ngạn đạt khoảng 7.000 tấn, giá bán ở mức 25.000 đồng/kg đầu vụ và 18.000 - 20.000 đồng cuối vụ. Riêng loại vải lai Thanh Hà, do quả to tròn, mẫu mã đẹp, màu sắc hồng đẹp, mùi vị thơm nhưng hơi chua, 2 năm nay được thị trường Trung Quốc ưa chuộng, nên hầu hết sản lượng đều do các thương lái của Trung Quốc đặt mua và giữ giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.

Vụ vải chính vụ sẽ tiếp theo ngay khi kết thúc vụ vải sớm với sản lượng khoảng 80.000 tấn, bắt đầu từ ngày 30/6, rộ lên từ ngày 10 - 15/7. Đây là thời điểm thu hoạch cao điểm với sản lượng lớn nhất, chiếm đa số trong tổng sản lượng thu hoạch vải của huyện Lục Ngạn. Dự kiến, giá bán sẽ giữ ở mức từ 14.000 – 15.000 đồng/kg. Với mức giá này người trồng vải đang có lãi.

Ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho biết, năm nay toàn huyện có 18.000 ha trồng vải, trong đó có 1.750 ha trồng vải vụ sớm, còn lại là vải chính vụ. Do vải sớm được mùa, được giá, tạo thuận lợi cho vải chính vụ giữ ở mức giá tốt. Dự kiến năm nay, doanh thu từ quả vải đạt 800 tỷ đồng, tăng khoảng 20 tỷ đồng so với năm ngoái.

Vải thiều xếp thành từng đống ven đường chờ đóng thùng chở đi tiêu thụ. Ảnh: Đình Huệ-TTXVN


Trên thực tế, ngoài diện tích trồng vải của huyện Lục Ngạn, trên thị trường còn có sản phẩm vải của một số địa phương khác trong tỉnh Bắc Giang, nhưng chất lượng không bằng. Chẳng hạn tại huyện Lục Nam, một vùng giáp ranh với Lục Ngạn cũng có nhiều diện tích trồng vải, tuy nhiên vải tại đây không ngon như vải Lục Ngạn và thu hoạch cũng sớm hơn cho dù trồng chung một giống. Do chất lượng không cao, mẫu mã kém, quả nhỏ… nên giá bán vải lai Thanh Hà trên đất Lục Nam đầu vụ khoảng 14.000 -15.000 đồng/kg, vải chính vụ chỉ ở mức 4.000 – 6.000 đồng/kg, vào giữa vụ giá còn giảm xuống thấp hơn.

Thị trường vẫn chưa ổn định

Tuy được mùa, được giá, người trồng vải vẫn băn khoăn bởi đầu ra của quả vải vẫn chưa ổn định, thường bị thương lái ép giá khi vào vụ chính, nhất là khi vải chín rộ, trong khi đó thời gian thu hoạch lại ngắn, gây khó khăn cho việc tiêu thụ.

Ông Trần Quang Quyền, thôn Lai Hòa, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn cho biết: Vào chính vụ, có ngày toàn vùng thu hoạch 4.000 – 5.000 tấn, tiêu thụ không hết nên thường bị tư thương ép giảm giá. Do bán không hết, người trồng vải thường phải sấy khô để bảo quản. Thế nhưng giá vải sấy khô cũng rất thấp, vào khoảng 20.000 đồng/kg, trong khi để có được 1 kg vải sấy khô cần có 4 kg vải tươi. “Cái cần nhất đối với người dân vùng vải chúng tôi là đầu ra, nếu thị trường tiêu thụ tốt, vải tươi được bán hết, giá hợp lý thì chúng tôi sẽ yên tâm sản xuất theo hướng chuyên canh trồng được những loại vải chất lượng tốt, đảm bảo an toàn tiêu dùng”, ông Quyền bộc bạch.

Chợ phố Kim, một trong những trung tâm tiêu thụ vải của huyện Lục Ngạn. Ảnh: Đình Huệ-TTXVN


Hiện nay, Lục Ngạn có từ 4-5 chợ trung tâm chuyên thu mua và đem tiêu thụ tại các tỉnh thành trong cả nước và thị trường truyền thống Trung Quốc. Tuy nhiên sức tiêu thụ hiện nay chỉ đạt 10% sản lượng thu hoạch, giảm nhiều so với những năm trước do nhu cầu từ thị trường chính là Trung Quốc giảm (những năm trước thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 50% sản lượng vải tươi của Lục Ngạn), lượng vải còn lại được sấy khô thì thị trường Trung Quốc cũng tiêu thụ tới 90%.

Để giúp cho người trồng vải yên tâm canh tác, nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã dồn sức tìm hướng đi thích hợp cho phát triển cây vải. Nhiều giải pháp đã được thực hiện, thế nhưng kết quả mới là bước đầu, chưa tạo được hướng đi bền vững cho thị trường tiêu thụ quả vải.

Theo ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn: Để giúp cho quả vải dễ tiêu thụ, giá cao, chúng tôi đã khuyến cáo bà con phải thực hiện trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP. Thực hành theo tiêu chuẩn này, cây vải sẽ được chăm sóc khoa học, tạo ra những quả vải sạch, có giá thị thương phẩm cao, được thị trường ưa chuộng, nhất là thị trường Trung Quốc. Hiện nay huyện Lục Ngạn đã phối hợp với các nhà khoa học giúp người trồng vải phổ cập tiêu chuẩn VietGAP cho hầu hết các hộ trồng vải với 15.000 hộ tham gia.

Để thương hiệu vải thiều Lục Ngạn vươn xa, nhiều năm qua, lãnh đạo huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang đã cử nhiều đoàn cán bộ thực hiện xúc tiến thương mại quảng bá thương hiệu vải thiều Lục Ngạn không chỉ tại các tỉnh thành trong cả nước và thị trường truyền thống Trung Quốc mà còn đi tới các thị trường mới như Lào, Campuchia và sắp tới là các nước châu Âu. Tuy nhiên đến nay kết quả vẫn còn khiêm tốn do thời gian bảo quản quả vải thiều tươi chưa được dài. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Bắc Giang đang đặt hàng các nhà khoa học tìm ra những giống vải chất lượng cao, thời gian chín kéo dài, thời hạn bảo quản lâu hơn. Đây chính là một trong những giải pháp giúp cây vải Lục Ngạn được mùa được giá một cách bền vững.


Ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho biết: Để thương hiệu vải thiều Lục Ngạn có đầu tiêu thụ ổn định các cấp chính quyền cần chỉ đạo tháo gỡ nhiều vấn đề mấu chốt phát sinh trong khâu tiêu thụ quả vải thiều. Đơn cử như việc cung cấp điện ổn định để sản xuất đá bảo quản lạnh quả vải tươi. Nhiều năm qua tình trạng cắt điện thường xuyên tại khu vực nông thôn nói chung và Lục Ngạn nói riêng khiến cho hệ thống dịch vụ không cung cấp đủ đá. Nếu không có đá thì chủ hàng không dám thu mua vải vì không bảo quản được. Thêm vào đó là việc ưu tiên cho các doanh nghiệp vay vốn đầu tư tiêu thụ vải thiều cũng cần được tháo gỡ kịp thời. Theo đó, năm nay ngân hàng bố trí vốn cho các doanh nghiệp thu mua vải tại huyện Lục Ngạn vay khoảng 60 tỷ đồng nhưng đến thời điểm này công tác giải ngân rất chậm, doanh nghiệp không tiếp cận được với nguồn vốn. Điều cần thiết tiếp theo là cần có cơ chế thực hiện kiểm dịch một lần tại ngay nơi thu mua mà không thông qua cửa khẩu nữa giúp cho doanh nghiệp giảm thời gian vận chuyển.

Thành Hiển

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN