Theo danh sách này, các doanh nghiệp niêm yết gồm: Công ty cổ phần Dược phẩm Bến Tre (mã chứng khoán: DBT), Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 (mã chứng khoán: DP1), Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha tăng 5% (mã chứng khoán: CDP)…
Thực tế, cổ phiếu của các doanh nghiệp dược vốn được coi là “tí hon” trên sàn chứng khoán; tuy nhiên, tất cả đang gia tăng giá trị với nhiều phiên tăng trần liên tiếp kể từ thời điểm ngày 2/6.
So với thời điểm này, đóng phiên giao dịch 15/6, cổ phiếu DBT tăng 15% giá trị, giao dịch ở mức 15.200 đồng/đơn vị. Cổ phiếu DP1 tăng 11% giá trị, giao dịch ở mức 31.000 đồng/đơn vị; cổ phiếu CDP tăng 5% giá trị, giao dịch ở mức 16.300 đồng/đơn vị (đóng phiên giao dịch 15/6)
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp khác vẫn còn gặp khó khăn do giãn cách xã hội ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh và tiêu thụ thuốc bán theo kênh nhà thuốc (kênh OCT).
Theo giới phân tích, kết quả này phản ánh đúng thị trường dược trong nước khi sự tăng trưởng của các doanh nghiệp phụ thuộc vào diễn biến của dịch COVID-19.
Việc một loạt đơn vị đủ thẩm quyền nhập khẩu vaccine, kinh doanh, bảo quản vaccine phòng COVID-19 dự kiến đẩy nhanh quá trình kiểm soát dịch của Việt Nam trong năm nay. Theo đó, các bệnh viện siết chặt được nguy cơ lây nhiễm, người lao động ổn định thu nhập do hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp được duy trì, giúp tăng chi tiêu thuốc bình quân đầu người của Việt Nam.
Cùng với đó, các quy trình liên quan đến cấp phép và nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 nếu đầy đủ hồ sơ hợp lệ đã được Bộ Y tế rút gọn tối đa, chỉ trong khung thời gian từ 5-10 ngày làm việc. Điều này góp phần sớm phục hồi doanh thu kênh thuốc điều trị (kênh ECT). Thay vì trước đó, kênh OTC có sự tăng trưởng bất thường, tập trung doanh thu vào các sản phẩm giảm đau, hạ sốt, thuốc sát trùng, nước rửa tay, thuốc tăng sức đề kháng.
Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư 02/2018/TT-BYT kiểm soát việc lạm dụng thuốc kê đơn và thuốc không rõ nguồn gốc kênh OTC, nhường chỗ cho sư phát triển của kênh ETC.
Bên canh đó, sự phát triển mạnh mẽ của khối bệnh viện tư nhân cũng góp phần gia tăng chi tiêu thuốc trong bệnh viện theo kênh ETC. Hiện nay, số bệnh viên tư nhân khoảng hơn 200 đơn vị với tốc độ tăng trưởng 6.8%/năm. Hơn nữa, Nhà nước có chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các bệnh viện tư sẽ khuyến khích sự phát triển của nhóm này.
Tuy nhiên, Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cảnh báo, kênh ETC có thể không tăng trưởng đột biến do người dân tâm lý sợ lây nhiễm từ bệnh viện. Điều đó có thể góp phần làm cho kênh OTC phát triển. Mặt khác giá thuốc OTC không bị ràng buộc về luật đấu thầu nên sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp dược cạnh tranh, cải tiến quá trình nghiên cứu và phát triển (R&D), từ đó đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng củng cổ luận điểm này khi có khoảng 71.4% doanh nghiệp dược được khảo sát lựa chọn phát triển, mở rộng kênh OTC là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu.
Theo báo cáo của Tổ chức tài chính Fitch Solution, thị trường dược phẩm của Việt Nam hiện có quy mô khoảng 7,4 tỷ USD với 22.000 loại thuốc. Năm 2021, tăng trưởng ngành dược Việt Nam ước đạt 8,7%.
Các doanh nghiệp dược đều đặt mục tiêu tăng chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, Dược phẩm Bến Tre đặt kế hoạch doanh thu 918 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 19,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2020. Dược phẩm Trung ương CPC1 đặt mục tiêu doanh thu 2.100 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2020, lợi nhuận sau thuế 41,6 tỷ đồng, tăng 2,56%.