Ngày 21/10, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị tổng kết các nhiệm vụ của ngành giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long các thời kỳ 2001 - 2010 và 2011 - 2020.
Hội nghị do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì và được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành Trung ương và 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long có gần 20 triệu người dân sinh sống, thiên nhiên ưu đãi, rất phù hợp để phát triển nông nghiệp nhưng khu vực này phát triển chậm. Vì vậy, Nghị quyết 21-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành kịp thời và được triển khai đồng bộ cho cả 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, ngành giao thông vận tải tham mưu để phát triển hạ tầng vùng tốt hơn. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu đại biểu tham gia hội nghị phải đánh giá rõ những dự án nào chưa làm được theo Nghị quyết 21-NQ/TW để định hướng ưu tiên đầu tư thời gian tới.
“Cần căn cứ danh mục đầu tư công trung hạn 2021-2025, danh mục dự án trọng điểm theo các quy hoạch chuyên ngành 5 lĩnh vực giao thông liên quan đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long để lên danh mục tất cả các dự án ưu tiên. Ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cần có giải pháp mang tính chất đột xuất như phát hành trái phiếu, xây dựng cơ chế đặc thù cho từng dự án...”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành, đại diện các bộ ngành đều cho rằng, cần ưu tiên, tập trung cho phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là hạ tầng giao thông để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, đẩy mạnh tốc độ xây dựng đường cao tốc, phát triển vận tải thủy vốn là đặc trưng và thế mạnh của vùng. Cùng với đó, đẩy mạnh logistics để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, đưa vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, một trong những lý do nhà đầu tư chưa rót vốn nhiều vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long là do yếu kém về hạ tầng và logistics. Do đó, thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh tháo gỡ điểm “nghẽn” về hạ tầng; trong đó, có các trục dọc, trục ngang và hạ tầng hành lang kinh tế ven biển.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, việc huy động nguồn lực PPP (hợp tác công tư) vào đầu tư giao thông như thời gian qua dù có nhiều hình thức, nhưng chưa thực hiện tốt nên áp lực dồn về ngân sách đầu tư công, sẽ không thể đủ nguồn lực đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế đầu tư, phân cấp nguồn lực đầu tư của Trung ương và địa phương.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW và Kết luận 2828-KL/TW, lĩnh vực giao thông vận tải trong hai thời kỳ 2001 - 2010 và 2011 - 2020 của ngành giao thông vận tải, ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đến nay cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đề ra trong nghị quyết.
Cụ thể, ngành giao thông đã xây cầu vượt sông trên các tuyến quốc lộ bị chia cắt bởi hệ thống sông lớn; đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống quốc lộ. Các nút thắt về đường thủy nội địa cũng được tháo gỡ như kênh Chợ Gạo, âu Rạch Chanh; mở các đường bay trong nước và quốc tế đến cảng hàng không Cần Thơ và Phú Quốc; thông tuyến luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu vào cảng Cần Thơ…
Về đường bộ, cơ bản hình thành các tuyến trục dọc nối Đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Đông Nam bộ, các tuyến trục ngang kết nối nội vùng. Đến năm 2020, hệ thống quốc lộ trong vùng có tổng chiều dài khoảng 2.688 km, tăng 52% so với năm 2002.
Tổng chiều dài mạng lưới đường thủy nội địa vùng Đồng bằng sông Cửu Long hơn 6.100km. Trung ương hiện quản lý 2.990 km. Giai đoạn vừa qua, nhiều công trình trọng điểm về đường thủy nội địa đã được đầu tư đưa vào khai thác như: kênh Chợ Gạo giai đoạn 1, âu Rạch Chanh cũng như các công trình thuộc dự án phát triển cơ sở hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (dự án WB5) đã góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động vận tải thủy trong vùng.
Về hàng hải, phát triển hệ thống 12 cảng biển với 37 bến cảng, tổng chiều dài 7.642 m, 23 bến phao và 16 khu neo đậu chuyển tải, khu tránh, trú bão. Nhiều cảng biển, bến cảng đã được đầu tư xây mới trong suốt 20 năm qua như bến cảng Cái Cui - Cần Thơ, bến cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang, bến cảng Trà Cú - Trà Vinh đáp ứng cho tàu trọng tải đến 20.000 DWT; Bến cảng Mỹ Thới - An Giang đáp ứng cho tàu trọng tải đến 10.000 DWT...
Về hàng không, hoàn thành đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không trong khu vực bao gồm: Cảng hàng không Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá với tổng công suất 7,45 triệu hành khách/năm, 12.000 tấn hàng hóa/năm.
Mặc dù vậy, ông Lê Đỗ Mười cũng thừa nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định tạo thành những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của vùng. Theo đó, tốc độ đầu tư, xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc còn chậm, chưa đạt tiến độ theo Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra. Mạng lưới quốc lộ chưa đáp ứng yêu cầu vận tải; nhiều tuyến có tiêu chuẩn thấp, quy mô IV, cấp V nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Cùng với đó, hệ thống hạ tầng kết nối, hạ tầng sau cảng cảng biển, hạ tầng phục vụ logistics còn thiếu đồng bộ với tiến trình đầu tư các cảng, bến, cảng biển chưa đáp ứng yêu cầu vận tải biển của hàng hóa trong vùng; chưa hình thành các trung tâm logistics quy mô lớn trong vùng cũng như thiếu cảng biển có thể tiếp nhận tàu biển trọng tải lớn từ 50.000 DWT trở lên...