Theo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Ninh Thuận, tính đến ngày 8/4, lượng nước tích tại 23 hồ chứa trên địa bàn còn khoảng 186,99/417,70 triệu m3 (chiếm 44,8% dung tích thiết kế). Lượng nước hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) phát điện qua Nhà máy thuỷ điện Đa Nhim và cung cấp nước cho tỉnh Ninh Thuận lượng nước còn 104,90/165 triệu m3, đạt 63,6% so dung tích thiết kế. Hiện nay, có 3/23 hồ đã xuống đến mực nước chết gồm các hồ: CK7, Bầu Ngứ, Ông Kinh. Thời gian tới, nếu tiếp tục không có mưa sẽ có thêm 6/23 hồ chứa xuống dưới mực nước chết gồm các hồ: Phước Nhơn, Tân Giang, Suối Lớn, Sông Biêu, Lanh Ra, Bầu Zôn.
Tại hồ Ông Kinh (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải), hàng chục máy bơm nước cùng đường ống đang nằm phơi nắng. Lòng hồ cạn trơ đáy, nứt nẻ, chỉ còn vài vũng nước sót lại được người dân bơm hút từ giếng khoan lên trữ (do nước giếng khoan yếu bơm lâu nên phải trữ lại để bơm chuyển tiếp). Từ đây, nước được bơm lên lần hai để tưới cho ruộng hành, vườn nho đồng nghĩa với tiền điện, tiền dầu để chạy máy bơm nước tăng gấp đôi. Để duy trì sản xuất, đa phần những hộ dân trong vùng đã phải bỏ hàng chục triệu đồng khoan giếng tìm nguồn nước ngầm.
Ông Lê Văn Lộc (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) cho biết, gia đình làm khoảng 4 sào (4.000 m2) đất trồng hành tím nhưng hiện nay chưa xuống giống vì nguồn nước từ hồ Ông Kinh đã cạn. Cuối năm vừa rồi mưa ít quá nên hồ không tích được bao nhiêu nước. Bà con ở ruộng, rẫy lại hút bơm nhiều để sản xuất nên nguồn nước không đủ. Trồng hành cần thời gian từ 1,5 - 2 tháng, nước chảy vào ruộng đầy đủ thì cây mới phát triển tốt được nhưng hiện nay nguồn nước khan hiếm. Gia đình đang lên kế hoạch đào ao, bơm nước từ giếng khoan lên để sản xuất.
Tại huyện Ninh Hải hiện có 3 hồ thủy lợi lớn; trong đó hồ Ông Kinh có dung tích thiết kế 0,83 triệu m3. Người dân địa phương cho hay, một số năm vào mùa mưa hồ cũng không tích được đầy nước, thường đến khoảng tháng 2 năm sau đã bắt đầu cạn. Do vậy, tình trạng thiếu nước trong mùa khô hầu như năm nào cũng xảy ra. Hiện Ninh Thuận đang triển khai dự án đầu tư đấu nối đường ống để tiếp nhận nguồn nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ dẫn dẫn về hồ Ông Kinh.
Các hồ còn lại gồm Thành Sơn mực nước hiện còn 0,99/3,05 triệu m3 (chiếm 32,3% dung tích thiết kế), Nước Ngọt mực nước hiện còn 1,01/1,81 triệu m3 (chiếm 56,1% so dung tích thiết kế). Về cơ bản, 2 hồ này đang đảm bảo cung cấp nước đủ nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc và nước tưới sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, một số ao, giếng trên địa bàn huyện Ninh Hải, nhất là tại các xã Thanh Hải, Nhơn Hải, Vĩnh Hải có nguy cơ cạn nước và nhiễm mặn trong mùa khô năm nay.
Ông Trần Hữu Nhân - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Hải cho biết, huyện đang tập trung triển khai kế hoạch ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Trước mắt, sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ và nguồn nước mặt được tích trữ tại các hồ trên địa bàn để phục vụ nước uống, sinh hoạt cho người dân theo hướng tiết kiệm. Về sản xuất, các địa phương đang tập trung thu hoạch nhanh gọn cây trồng vụ Đông Xuân; thu gom, chế biến và dự trữ phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm trong mùa khô hạn.
Đồng thời, UBND các xã, thị trấn phối hợp với trạm thủy nông duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi để hạn chế thất thoát nước; phát dọn kênh mương để khơi thông dòng chảy; nạo vét giếng và đào thêm giếng, ao ở các nơi còn nguồn nước ngầm; vận hành công trình kênh tưới thủy lợi theo từng thời điểm bảo đảm nước trong nội đồng để tưới, giữ ẩm.
Đồng thời, địa phương triển khai kế hoạch điều tiết, cung cấp nước luân phiên và vận động nông dân chủ động bố trí mùa vụ sản xuất phù hợp; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung gieo trồng những cây trồng cạn, cây chịu hạn, ít sử dụng nước, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm...
Ông Trương Khắc Trí - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận thông tin, vụ Đông Xuân năm 2023-2024, toàn tỉnh sản xuất trên 31.394 ha cây hàng năm; trong đó trên 17.321 ha lúa, hơn 13.974 ha cây màu và khoảng 12.700 ha cây lâu năm. Hiện các địa phương đang tập trung thu hoạch và dự kiến sẽ kết thúc vụ Đông Xuân vào ngày 30/4 tới đây.
Để đảm bảo sản xuất ổn định, ngành nông nghiệp đang theo dõi sát sao dự báo về thời tiết để kịp thời triển khai các kế hoạch ứng phó, chủ động cân đối nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu trong mùa khô năm 2024. Cùng đó, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi phối hợp các đơn vị, địa phương tăng cường dự trữ, điều tiết nguồn nước để đảm bảo cung cấp nước tưới cho cây trồng đang phát triển ổn định, cho giá trị kinh tế cao. Nhìn chung, lượng nước của các hồ trên địa bàn đến thời điểm hiện tại đều đảm bảo cấp đủ nước tưới phục vụ cho sản xuất trồng trọt, chăn nuôi.
Trước dự báo tác động của hạn hán, thiếu nước đến sản xuất tại các địa phương, trong vụ Hè Thu năm 2024, kế hoạch cấp nước sẽ ưu tiên lượng nước tại hồ chứa để cấp cho sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc và phục vụ nông nghiệp. Trong nông nghiệp ưu tiên nước cấp cho cây lâu năm, cây hàng năm sau đó mới đến cây lúa và các lĩnh vực thiết yếu khác.
Nếu xuất hiện tình hình nắng nóng tiếp tục kéo dài, vụ Hè Thu năm 2024 tỉnh Ninh Thuận sẽ triển khai theo phương án 1 tổ chức sản xuất với diện tích trên 24.102 ha; trong đó, cây lúa trên 13.064 ha, cây màu trên 7.988 ha, cây lâu năm trên 2.622 ha, thủy sản trên 425 ha. Đối với một số khu vực không đảm bảo nguồn nước tưới như khu tưới hồ Lanh Ra, Phước Trung, Phước Nhơn, Ông Kinh, CK7, Bầu Ngứ, Suối Lớn... sẽ không sản xuất, chỉ ưu tiên lượng nước cấp cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây lâu năm, cây màu và ngành kinh tế trọng điểm.