Để có thể thích ứng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt này, chính quyền và người dân tỉnh Bến Tre đã có nhiều giải pháp linh hoạt trong sản xuất. Những giải pháp này để nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thể hiện trong chùm bài "Ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn".
Bài 1: Chuyển đổi cây trồng vật nuôi
Sau những đợt hạn hán khốc liệt năm 2020-2021, nước đầu nguồn sông Cửu Long không thể cầm cự với những đợt triều cao, nước biển ăn sâu vào đất liền. Cây lúa, cây mía không còn là sản phẩm có thể nuôi sống người dân Bến Tre trên vùng đất chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Chính quyền địa phương tỉnh Bến Tre đã nhanh chóng cùng người dân chuyển đổi sản xuất, để tạo kế sinh nhai cho người dân địa phương.
Quy hoạch nhiều mô hình hiệu quả
Nói đến hạn hán, xâm nhập mặn, tỉnh Bến Tre đã nhiều lần phải đối mặt với diện tích sản xuất lúa của người dân huyện Ba Tri mất trắng. Diện tích trồng bưởi, sầu riêng của huyện Giồng Trôm thiệt hại 50%, nhất là đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016 và 2020. Cũng chính từ đây, kế sinh nhai của người dân phải được cấp bách giải quyết.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 đã gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, hơn 5.400 ha lúa vụ Đông Xuân 2019 – 2020 chết, 168 ha rau màu bị ảnh hưởng, hơn 27.900 ha cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng; trong đó, có 274 ha cây ăn trái có nguy cơ chết. Ước thiệt hại trên lĩnh vực trồng trọt hơn 1.600 tỷ đồng.
Trước những thiệt hại to lớn đó, đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề trong vụ sản xuất sau. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Đã nhanh chóng đưa ra những mô hình sản xuất, chuyển đổi sản xuất linh hoạt hiệu quả cho người dân. Theo đó, năm 2021, tỉnh đã nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần năng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn như: mô hình phát triển cây bưởi da xanh thích ứng biến đổi khí hậu tại xã Tiên Long và Phú Đức, huyện Châu Thành.
Bên cạnh đó, mô hình phục hồi vườn chôm chôm bị ảnh hưởng hạn mặn của mùa khô năm 2020 tại xã Sơn Định, huyện Chợ Lách. Mô hình trình diễn giống lúa chịu mặn thích ứng biến đổi khí hậu cho các xã vùng ven biển. Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, nhiều mô hình chăn nuôi bò, dê cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn nghiêm trọng thời gian trước đó.
Ông Nguyễn Thành Long, ngụ tại ấp 8, xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cho biết, trước kia gia đình trồng lúa, nhưng đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2020 đã gây thiệt hại nặng nề trên toàn bộ diện tích sản xuất lúa. Sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ chuyển đổi sang nuôi bò sữa, ông Long đã nhận 6 con bò cái, 3 con đang mang bầu, 3 con còn tơ, cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò sữa của cán bộ nông nghiệp huyện Thạnh Phú, ông Long đã gầy dựng đàn bò lên 18 con. Đàn bò này cho 70kg sữa/ngày. Với giá sữa dao động từ 11.000-14.500 đồng/lít, ông Long thu lợi 200 triệu đồng/năm, gấp hơn 5 lần so với sản xuất lúa.
Đặc biệt, tỉnh Bến Tre tiếp tục thực hiện đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính đã được xác định trong việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu. Theo đó, tỉnh xoay trục phát triển kinh tế theo hướng Đông, phát triển phù hợp với điều kiện nước mặn, phát triển kinh tế biển, khai thác tiềm năng khu vực ven biển.
Tỉnh Bến Tre cũng đã công bố và phổ biến kịch bản biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2030 đến các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, các xã trên toàn tỉnh.
UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch số 2790/KH-UBND ngày 27/5/2021, cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025 theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xây dựng chuỗi dừa hữu cơ độc đáo
Bến Tre vốn nổi tiếng là quê hương xứ dừa. Tuy nhiên, qua bao nhiêu năm, sản phẩm dừa Bến Tre cũng chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước, và cũng chỉ mới được thị trường quốc tế biết đến trong vài năm gần đây. Đặc điểm cây dừa vốn có thể chịu được độ mặn lên đến 10 phần nghìn, cao hơn nhiều loại cây trồng khác như lúa, bưởi da xanh, sầu riêng và nhiều loại cây ăn trái khác, nhưng những đợt mặn sâu và kéo dài cũng đã khiến cây dừa điêu đứng. Chính vì đặc điểm chịu mặn cao này, cho thấy đây là loại cây có thể thích nghi rất lớn với biến đổi đổi khí hậu trong hệ thống cây trồng trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu hiện nay là vấn đề lớn của những người làm quy hoạch cây trồng. Tỉnh Bến Tre đã có loại cây ưu thế, nên đã chọn cây dừa là cây chuyền đổi giúp người dân có kế sinh nhai. Hơn nữa, nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng hiện nay luôn đòi hỏi truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, nên sản xuất dừa theo hướng hữu cơ là bước đi đúng đắn để đưa cây dừa thành cây chuyển đổi hiệu quả nhất. Tính đến nay, tỉnh Bến Tre đã xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất 14.000 ha dừa hữu cơ có kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, tạo nên một chuỗi sản xuất tiêu thụ bền vững.
Bằng cách xây dựng chuỗi sản xuất dừa hữu cơ này, chính là cách tỉnh Bến Tre tạo nên một vùng nguyên liệu dừa hữu cơ để có thể thu hút các doanh nghiệp chế biến dừa đến với tỉnh Bến Tre, tạo nên một chuỗi liên kết nông dân (vùng nguyên liệu) với doanh nghiệp, nhà máy chế biến, tiêu thụ, đẩy mạnh ngành chế biến cho sản phẩm dừa được phát triển.
Nói đến vùng nguyên liệu dừa, đặc biệt là vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, không thể không nói đến hợp tác xã nông nghiệp Thới Thạnh. Ông Trần Quốc Ửng, Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp Thới Thạnh cho biết, hiện hợp tác xã Thới Thạnh có gần 120 ha dừa hữu cơ. Mỗi tháng hợp tác xã Thới Thạnh cung ứng cho công ty chế biến dừa Lương Quới 100.000 trái dừa để chế biến thành mứt dừa, xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Khi các hộ trồng dừa tham gia sản xuất dừa hữu cơ, các doanh nghiệp sẽ thu mua cao hơn so với dừa sản xuất thông thường từ 15.000-20.000 đồng/chục. Tuỳ theo số chục của từng địa phương là 12 trái/chục hoặc 14 trái/chục, ước tính dừa hữu cơ được thu mua cao hơn khoảng 1.000 đồng/trái.
Ông Nguyễn Văn Diện, chủ vườn dừa hữu cơ 4 ha tại xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú chia sẻ, kể từ khi tham gia sản xuất dừa theo hướng hữu cơ, vườn dừa luôn sạch sẽ, không có tàu (lá) dừa khô trên cây, các vườn dừa luôn thoáng đãng, không còn cỏ dại hay các loại cây pha tạp khác. Hơn nữa, với cách sản xuất này, nước và đất vườn dừa luôn an toàn bởi không sử dụng các loại phân bón hay thuốc hoá học trong phòng trừ sâu bệnh trên cây dừa. Cây dừa hữu cơ mang lại hiệu quả rất cao. Với 4 ha, trồng 1.000 cây dừa cho sản lượng 8.400 trái/năm, thu hoạch 4 lần/năm, mỗi lần dao động từ 190-250 triệu đồng. Như vậy, thu nhập từ cây dừa hữu cơ rất lớn, đảm bảo được đời sống của người dân trồng dừa.
Bài cuối: Kỳ vọng từ con tôm