Xã Hương Chữ, huyện Hương Trà là địa phương trồng cây kiệu (một loại cây thuộc họ hành) truyền thống của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhờ ứng dụng kỹ thuật để chế biến, bảo quản sau thu hoạch, giá trị kiệu Hương Chữ đã tăng mạnh so với trước. Thương hiệu "Kiệu Hương Chữ" cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký bảo hộ.
Hộ gia đình ông La Văn Trừ ở thôn La Chữ (Hương Chữ) trồng hai sào kiệu; trong đó, hơn một sào đang cho thu hoạch, diện tích còn lại sẽ được thu hoạch vào dịp Tết sắp tới. Ông Trừ cho biết: Trước đây, khi chưa có kỹ thuật bảo quản kiệu sau thu hoạch, gia đình thường bán kiệu ở dạng tươi cho người tiêu dùng trên địa bàn và vùng phụ cận. Kiệu vào vụ thu hoạch, nếu gặp mưa nhiều sẽ không tiêu thụ ngay được dẫn đến khó bảo quản, hư hỏng như bị héo, thối, ủng... làm giảm giá trị hoặc phải vứt bỏ. Hợp tác xã La Chữ (Hương Chữ) được đầu tư máy sấy lạnh đã giúp bảo quản và đa dạng hóa sản phẩm từ kiệu như sấy khô đóng gói, muối chua... Qua chế biến, bảo quản, sản phẩm từ kiệu sẽ dự trữ được trong một thời gian dài để mang đi tiêu thụ ở nhiều địa phương khác. Đồng thời, cho thu lãi khoảng 15 triệu đồng/sào, tăng gần gấp đôi so với trước.
Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chế biến, bảo quản kiệu tại xã Hương Chữ" do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện. Dự án đã cung cấp cho Hợp tác xã La Chữ các loại máy như sấy lạnh, tạo ozon, đóng gói. Ông Lê Đình Thắm - Chủ nhiệm Hợp tác xã La Chữ cho biết: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chế biến, vừa giúp đa dạng hóa sản phẩm vừa nâng cao chất lượng kiệu Hương Chữ. Đồng thời, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, thành phần dinh dưỡng và kéo dài thời gian bảo quản gấp ba lần so với phương pháp phơi nắng thông thường.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để chế biến, bảo quản kiệu cũng hạn chế được tình trạnh ô nhiễm môi trường. Do kiệu được chế biến tập trung nên có thể thu gom phế phẩm dễ dàng và tận dụng làm thức ăn cho chăn nuôi. Kiệu đã qua chế biến, bảo quản cũng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn nhờ tăng chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã… "Kiệu Hương Chữ" đã được đưa vào các trung tâm mua sắm, siêu thị trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao giá trị, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.
Xã Hương Chữ trồng ổn định khoảng 10 ha kiệu, cho sản lượng khoảng 300 tấn/năm. Một năm, kiệu có hai vụ chính: Từ tháng 9 đến tháng 12 và từ tháng 1 đến tháng 5, năng suất bình quân 15 tấn/ha/vụ. Kiệu Hương Chữ có điểm đặc biệt là củ nhỏ nhưng có mùi thơm và vị cay nồng rất đặc trưng mà không nơi nào có được. Các sản phẩm từ kiệu là món ăn truyền thống của người dân ở nhiều địa phương, nhất là trong các dịp lễ, Tết.
Nguyên Lý