Ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp an toàn, thân thiện môi trường

Nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp an toàn, thân thiện môi trường là vấn đề ngày càng được người dân quan tâm và trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Việc ứng dụng công nghệ cao, đưa ra các giải pháp hiệu quả để phát triển nông nghiệp an toàn, thân thiện môi trường có vai trò quan trọng.

Nhiều mô hình ứng dụng thành công

Theo ông Lê Hùng Lân, Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ: Với vai trò là viện đầu ngành trong nghiên cứu triển khai ứng dụng các công nghệ mới tại Việt Nam, Viện có nguồn công nghệ trong nhiều lĩnh vực có thể tích hợp, liên kết đưa ra các giải pháp hiệu quả phát triển nông nghiệp hiện đại. Thực tế, Viện đã có các công trình và những nghiên cứu hiệu quả ứng dụng các tác nhân vật lý thay đổi chu trình sinh trưởng của cây, giám sát, canh tác tự động trên cánh đồng mẫu lớn, bảo tồn nguồn gen, nuôi cấy mô, chế biến sau thu hoạch.

Chú thích ảnh
Mô hình trồng dưa lưới kiểu Nhật trong nhà kính công nghệ cao của ông Nguyễn Thanh Sơn (huyện Lộc Ninh, Bình Phước) cho thu hoạch 4 vụ/năm, doanh thu đạt 120 triệu đồng/vụ. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Tại Việt Nam, nhiều mô hình thành công khi ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp như mô hình sản xuất hoa của Dalat Hasfarm, mô hình trồng rau công nghệ cao VinEco của Vingroup, mô hình chăn nuôi bò sữa công nghệ cao của Vinamilk, mô hình nuôi gà công nghệ cao theo tiêu chuẩn Global Gap của Hùng Nhơn Group…

Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nên việc xác định nhu cầu của các doanh nghiệp, các khách hàng địa phương để đưa ra các giải pháp phù hợp thực tế, hiệu quả dựa trên các nền tảng công nghệ hiện đại, có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối tạo ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh đã xuất hiện, nhưng còn rất ít.

Vì thế, mô hình tăng trưởng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được khuyến khích và tạo nhiều ưu đãi với các chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương, từng bước làm thay đổi mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khu vực và thế giới, hướng tới phát triển nông nghiệp an toàn, thân thiện môi trường.

Ông Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng: Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, sự lựa chọn nông nghiệp 4.0 áp dụng trong chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp sẽ là việc ứng dụng các chế phẩm mới nhất trong quy trình sản xuất giảm mạnh phân bón hóa học, nhất là phân đạm, tăng cường phân hữu cơ kết hợp với phân sinh học chứa nhiều nguyên tố vi lượng và vi sinh vật kích kháng sâu bệnh cho tất cả cây trồng và vật nuôi. Điều này giúp nông dân làm giảm tác động biến đổi khí hậu, tiết kiệm chi phí, tăng lợi tức một cách vững chắc.

Cùng với các chính sách khuyến khích và ưu tiên phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã ban hành tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, đây được coi là nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện sản xuất, tiếp cận thị trường nông nghiệp hữu cơ trong và ngoài nước.

Theo báo cáo, năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các chuyên gia, hiệp hội, cũng như nhiều đơn vị phối hợp xây dựng bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ. Việc ban hành tiêu chuẩn thể hiện nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thúc đẩy sản xuất và góp phần quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tiêu chuẩn được xây dựng theo định hướng tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế, tuy nhiên có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, nhằm giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường hiệu quả. Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động chứng nhận, truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa thông tin nhằm mang lại niềm tin cho người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng.

Hướng tới an toàn, thân thiện môi trường

Ông Vũ Hoàng Minh, Trung tâm Chứng nhận phù hợp Quacert, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lượng Chất lượng cho biết: Thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam còn mới và có nhiều rào cản dẫn tới việc thực phẩm được chứng nhận hữu cơ đang là mặt hàng “xa xỉ” dành cho những đối tượng khách hàng có thu nhập cao. Vì vậy, việc công bố các Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ có hệ thống, đưa ra các mô hình chứng nhận, thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực chứng nhận, phù hợp đối với các sản phẩm hữu cơ trong và ngoài nước về nông nghiệp hữu cơ là cần thiết. Việc công bố TCVN để triển khai, áp dụng một cách nhất quán, minh bạch và công khai nhằm gia tăng sự tin cậy lẫn nhau thông qua các cơ chế tuân thủ áp dụng các tiêu chuẩn và được chứng nhận bởi các tổ chức độc lập.

Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng: Để sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, thân thiện môi trường, cần định hướng rõ thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ bởi mỗi thị trường sẽ có các yêu cầu về tiêu chuẩn hữu cơ riêng. Để đáp ứng các yêu cầu, cần đảm bảo tìm hiểu thị trường, tiêu chuẩn và các quy định an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, do điều kiện sản xuất nên giá thành cao, các nhà phân phối nên tìm hiểu rõ sản phẩm được phân phối về thông tin, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc.

Nhằm hướng tới việc tăng trưởng và ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp an toàn, thân thiện môi trường, cần thúc đẩy áp dụng các tiêu chuẩn trong thực tiễn, minh bạch thông tin thông qua các hoạt động chứng nhận, truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát chất lượng trong chuỗi sản xuất hữu cơ để người tiêu dùng nhận diện được các sản phẩm nông nghiệp “chuẩn” hữu cơ.

Ông Lê Thành Hưng, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam nhấn mạnh, cần xây dựng và hoàn thiện nhóm tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, giúp các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp tiếp cận thông tin và áp dụng bộ TCVN về nông nghiệp hữu cơ. Các tiêu chuẩn Việt Nam được công bố góp phần minh bạch hóa các hoạt động sản xuất, chế biến, chứng nhận, ghi nhãn và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tạo động lực để ngành nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững. Đồng thời, cần có những điều chỉnh trong sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước, xã hội, nâng cao chất lượng sản phẩm, thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường quốc tế.

TTXVN/Báo Tin tức
Hà Nội chuyển đổi cơ cấu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao
Hà Nội chuyển đổi cơ cấu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao

Ngày 19/10, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với huyện Mê Linh về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” để nắm tiến độ và tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN