Lúa mì trên cánh đồng tại Tioga, Bắc Dakota, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Theo thông báo, kể từ ngày 18/4, các doanh nghiệp xuất khẩu cao lương của Mỹ sẽ phải nộp khoản tiền đặt cọc lên tới 178,6% tổng giá trị đơn hàng cho cơ quan hải quan của Trung Quốc trước khi chuyển hàng tới Trung Quốc.
MOC cho biết kết quả điều tra sơ bộ đối với một số mặt hàng nông sản nhập khẩu cho thấy các công ty Mỹ đã bán phá giá cao lương trên thị trường Trung Quốc. Cụ thể, xuất khẩu cao lương của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng từ 317.000 tấn trong năm 2013 lên 4,76 triệu tấn vào năm 2017, trong khi giá mặt hàng xuất khẩu này giảm 31% trong cùng thời gian này.
Điều này đã khiến giá cao lương trong nước Trung Quốc buộc giảm theo, gây tổn hại hoạt động sản xuất và kinh doanh trong nước. MOC cho biết sẽ mở rộng điều tra hoạt động bán phá giá hàng nhập khẩu ở Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc khẳng định việc nước này đưa ra quyết định nói trên hoàn toàn phù hợp với luật pháp Trung Quốc và quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với mục đích điều chỉnh lại các hoạt động thương mại bất công để duy trì trật tự thương mại lành mạnh. Tuy nhiên, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ nhằm giảm các bất đồng trong lĩnh vực thương mại.
Động thái trên của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh liên quan đến chính sách thuế đáp trả lẫn nhau gần đây giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17/4 ra tuyên bố cho rằng những thông tin đánh giá của Mỹ về chính sách tiền tệ của Trung Quốc "hỗn độn". Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tải trên Twitter nhận định rằng Trung Quốc đang phá giá tiền tệ.
Tuyên bố này trái ngược hoàn toàn với đánh giá của Bộ Tài chính Mỹ trong Báo cáo về Chính sách Tỷ giá giao dịch và Kinh tế quốc tế trình bày trước Quốc hội cuối tuần trước, theo đó nhận định không có đối tác thương mại lớn nào, kể cả Trung Quốc, có động thái thao túng tiền tệ trong giai đoạn hiện tại.