Bên cạnh đó, giá trị tiêu thụ ở kênh OTC tiếp tục tăng trưởng nhờ tâm lý "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Cơ hội ở kênh ETC dành cho các sản phẩm được sản xuất trong nước với tiêu chuẩn EU-GMP, Japan-GMP hoặc tương đương nhờ lợi thế cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm nội địa được sản xuất với tiêu chuẩn thấp hơn.
Theo chuyên gia tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán FPT – FPTS, nguồn cung nguyên liệu đã phục hồi từ cuối quý I/2020 và không còn là một rủi ro lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm. Ở mảng sản xuất, tiến độ hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với đối tác nước ngoài được kỳ vọng sẽ tăng tốc sau khi việc di chuyển của các chuyên gia tới Việt Nam và việc xét duyệt tiêu chuẩn từ xa được cho phép.
Theo tổ chức IQVIA Institute, tổng giá trị dược phẩm tiêu thụ ở Việt Nam dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, ước đạt 123.600 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 8% so với năm 2020.
FPTS cho rằng, tiêu thụ ở kênh OTC (kênh bán lẻ của các nhà thuốc) sẽ có tốc độ tăng trưởng thấp hơn trong năm 2021, khi nhu cầu tích trữ nhu yếu phẩm giảm dần. Ở kênh ETC (kênh đấu thầu tại bệnh viện), trong bối cảnh chi tiêu quỹ bảo hiểm y tế bị thâm hụt do tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc ở mức cao, cơ hội sẽ dành cho các doanh nghiệp nội địa có khả năng sản xuất dược phẩm với chất lượng cao như EU-GMP và Japan-GMP.
Tiêu thụ ở kênh OTC sẽ tăng trưởng chậm lại do nhu cầu tích trữ giảm. FPTS tin rằng, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát tốt nhờ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ như cách ly và giãn cách xã hội. Do đó, tình trạng tích trữ nhu yếu phẩm như khẩu trang, nước rửa tay… đã và sẽ tiếp tục suy yếu dần trong năm 2021.
Động lực tăng trưởng kênh OTC sẽ đến từ các sản phẩm như vitamin và sản phẩm hỗ trợ tăng sức đề kháng. Một số nhóm sản phẩm như vitamin tổng hợp, vitamin C và một số sản phẩm có nguồn gốc thảo dược được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 8% - 20%/năm do nhận thức của người tiêu dùng trong việc "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Tốc độ tăng trưởng chung của kênh bán lẻ dự báo ước giảm từ 15,5% trong năm 2020 xuống 10,2% trong năm 2021.
Tuy nhiên, năm 2021 là cơ hội cho dược phẩm nội đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương ở kênh ETC. Trong bối cảnh số dư lũy kế quỹ bảo hiểm y tế có xu hướng giảm từ năm 2015 trong khi số thu quỹ bình quân vẫn tăng trong giai đoạn 2015-2019, các biện pháp điều chỉnh cân bằng thu - chi quỹ đang và sẽ tiếp tục tập trung vào việc giới hạn tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc có giá thành cao.
Nhằm đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng thuốc, các sản phẩm nội địa có giá thành thấp hơn và được sản xuất dưới dây chuyền EU-GMP, Japan-GMP hoặc tương đương được hưởng lợi thế cạnh tranh nhờ một số ưu tiên pháp lý.
Dù vậy, mới chỉ một số ít doanh nghiệp trong nước đủ khả năng sản xuất tân dược với các tiêu chuẩn sản xuất trên do các giới hạn về vốn, trình độ công nghệ và khả năng nghiên cứu. Do đó, FPTS cho rằng, để các doanh nghiệp nội địa mở rộng quy mô sản xuất tân dược có chất lượng cao, có thể thay thế biệt dược gốc và các tập đoàn dược phẩm quốc tế tăng khả năng cạnh tranh về giá ở Việt Nam thì cần nhờ vào việc nhượng quyền sản xuất thay thế cho nhập khẩu.
Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các tập đoàn dược phẩm toàn cầu là cần thiết và là yếu tố thúc đẩy xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành dược phẩm ở Việt Nam.
Để tận dụng được các ưu tiên pháp lý trong đấu thầu, các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm nội địa cần đạt được các các tiêu chuẩn sản xuất chất lượng cao như EU-GMP, Japan-GMP… và nhận được sự hỗ trợ trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm generic từ các tập đoàn dược phẩm toàn cầu. Đây cũng yếu tố thúc đẩy xu hướng M&A giữa các tập đoàn dược phẩm nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm ở Việt Nam
Theo FPTS, xu hướng M&A trong ngành dược ở Việt Nam sẽ tiếp tục trong năm 2021 do mang lại lợi ích cho cả phía doanh nghiệp sản xuất Việt Nam và tập đoàn dược phẩm nước ngoài.
Đối với doanh nghiệp nội, đó là những lợi ích do tiếp cận tiêu chuẩn sản xuất Japan-GMP, EU-GMP… Cụ thể là các doanh nghiệp nội địa được tiếp cận với công nghệ, công trình và dữ liệu nghiên cứu và thử nghiệm; giúp tiết kiệm thời gian và vốn khi phát triển các sản phẩm mới; tận dụng hệ thống phân phối của các tập đoàn lớn, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thông qua M&A, các tập đoàn nước ngoài tiếp cận được với nguồn lực sản xuất có chi phí thấp. Cụ thể là tiếp tục tham gia thị trường Việt Nam với các sản phẩm giá thấp hơn qua phương án nhượng quyền sản xuất thay vì nhập khẩu. Các tập đoàn nước ngoài cũng có cơ hội mở rộng thị trường tới các nước trong khu vực châu Á.
Theo FPTS, xu hướng giới hạn tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc để giảm chi quỹ bảo hiểm gốc đang diễn ra. Số dư quỹ bảo hiểm xã hội lũy kế giảm từ 49.600 tỷ đồng trong năm 2015 xuống 39.200 tỷ đồng trong năm 2019 dù mức đóng bảo hiểm y tế bình quân tăng trong giai đoạn 2015-2019.
Nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc cao, chiếm xấp xỉ 26 - 27% tổng chi phí thuốc chi trả qua bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2019; trong đó, tỷ lệ này tại các thành phố lớn như Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội chiếm lần lượt đạt xấp xỉ 45% và 39%.
Do chỉ với phương án tăng mức đóng bảo hiểm y tế bình quân là không đủ, vì vậy tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc có giá thành cao dần được giới hạn bằng các biện pháp pháp lý.
Cụ thể, tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc so với tổng chi phí thuốc được giới hạn từ 0 - 30% theo tuyến bệnh viện. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý khuyến khích doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, sản xuất thuốc generic với tiêu chuẩn tương đương ngay khi biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bản quyền.
Cơ quan quản lý đưa ra các ưu tiên pháp lý nhằm khuyến khích doanh nghiệp nội địa sản xuất thuốc generic chất lượng cao. Luật Dược 105/2016/QH13 khuyến khích việc phát triển các thuốc Generic trong nước khi hết hạn bảo hộ bản quyền, đồng thời yêu cầu ưu tiên trúng thầu sản phẩm nội địa nếu có khả năng tương đồng với sản phẩm nhập khẩu về chất lượng sản phẩm, giá đấu thầu và khả năng cung cấp.
Thông tư 03/2019/TT-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp; trong đó, tăng số lượng hoạt chất ưu tiên đấu thầu cho các doanh nghiệp sản xuất nội địa từ 146 lên 640 hoạt chất.
Các ưu tiên pháp lý này tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, ở các nhóm thuốc đấu thầu chất lượng cao, do các doanh nghiệp này có lợi thế cạnh tranh về giá nếu được sản xuất với cùng tiêu chuẩn so với sản phẩm nhập khẩu, nằm khác nhóm thầu và không phải cạnh tranh với số đông các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm khác chưa đạt được tiêu chuẩn tương đương
Thực tế, ngành dược phẩm chỉ chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19 trong ngắn hạn. Năm 2020, ngành dược chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc nguyên liệu sản xuất dược phẩm thiếu hụt trong 2 tháng đầu năm 2020 và các hoạt động hợp tác với nước ngoài ngưng trệ.
Dù vậy, những khó khăn về nguồn nguyên liệu dược phẩm qua nhanh. Các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm tại Việt Nam đã tăng cường mua nguyên liệu để tích trữ.
Chỉ tính tháng 3/2020, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu dược phẩm vào Việt Nam tăng lên 61,5 triệu USD tăng tới 66% so với cùng kỳ năm 2020, đánh dấu sự kết thúc cuộc khủng hoảng thiếu hụt nguồn nguyên liệu dược phẩm kéo dài 2 tháng.
Bên cạnh đó, tiêu thụ ở kênh OTC tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhóm sản phẩm phòng dịch. Nhờ vậy, tổng giá trị tiêu thụ dược phẩm ở Việt Nam năm 2020 vẫn ước tăng trưởng tích cực ở mức 10,8% so với năm 2019.
Trên thị trường chứng khoán, nhiều mã cổ phiếu lớn ngành dược diễn biến khá khả quan. Năm 2020, cổ phiếu IMP của Công ty cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM tăng hơn 17,2%, TRA của Công ty cổ phần TRAPHACO tăng hơn 18,3%, DHG của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang tăng 13,6%...
Sang đến năm 2021, các cổ phiếu ngành dược giảm nhẹ do chịu tác động của thị trường chung. Cụ thể, tính từ đầu năm đến hết phiên 9/2, DHG giảm nhẹ hơn gần 3%, IMP giảm nhẹ không đáng kể, trong khi TRA giảm hơn 8,3%...