Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2012, phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ đã có buổi phỏng vấn ông Phạm Nam Kim - chuyên gia tư vấn chiến lược tài chính tại Thụy Sĩ, đồng thời là cựu giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thụy Sĩ, về vấn đề này.
PV: Ông đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế thế giới trong năm tới khi mà Hoa Kỳ và đặc biệt là các quốc gia châu Âu đang phải đối phó với khủng hoảng nợ côngđang trở nên ngày càng trầm trọng?
Ông Phạm Nam Kim: Năm 2011 là một năm đầy khó khăn đối với thế giới, thiên tai triền miên dẫn tới những mối đe dọa nghiêm trọng từ các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật, cuộc nổi dậy của nhân dân Bắc Phi tạo nên sức ép lớn tới các nguồn cung nguyên liệu, rồi đến cuộc khủng hoảng nợ công ở Mỹ, Châu Âu và nạn lạm phát đang hoành hành ở các quốc gia mới nổi. Tuy nhiên, trước các thách thức đó, kinh tế thế giới trong năm 2011 tuy bị suy yếu nhưng không bị rơi vào tình trạng khủng hoảng nặng nề như năm 1929, bởi các chính phủ đã biết ngồi lại với nhau để cùng tìm giải pháp. Một loạt các cuộc họp bàn đối phó với khủng hoảng kinh tế đã diễn ra ở cấp khu vực và thế giới.
Tuy vậy, các cuộc họp trên chỉ giải quyết một cách nhất thời vấn đề của khủng hoảng kinh tế, còn gốc rễ của nó vẫn chưa được giải quyết. Nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng nợ công, là các các quốc gia châu Âu và Mỹ đang có mức sống cao hơn khả năng kinh tế «thực» của họ, vì sự suy thoái từ nhiều năm trong sản xuất và cung cấp dịch vụ có giá trị thực, cuối cùng đưa đến ngân sách bội chi thường xuyên. Qua các cuộc họp giải quyết khủng hoảng kinh tế vừa qua, các quốc gia trên thế giới chỉ tập trung làm sao cho Hy Lạp tránh bị vỡ nợ và đảm bảo cho nền kinh tế của những nước đang bên bờ vực vỡ nợ như Ý, Bồ Đào Nha, Aixơlen, Tây Ban Nha không bị đổ vỡ theo. Tuy vậy, không một quốc gia nào đề cập tới vấn đề cần tái cấu trúc lại nền kinh tế.
Hướng tới năm 2012, những nguy cơ trước mắt như phá sản của một vài quốc gia cũng như phản ứng dây truyền của một số quốc gia khác, sự suy sụp của đồng Euro sẽ sớm được khắc phục. Cái giá phải trả cho vấn đề này là một loạt các quốc gia trên thế giới sẽ phải thắt lưng buộc bụng trong một thời gian, kéo theo đó là mức tiêu thụ sẽ giảm và điều này sẽ ảnh hưởng tới các quốc gia mà nền kinh tế của họ đang dựa vào xuất khẩu.
Phần lớn các nhà dự đoán kinh tế trên thế giới đều có chung một kế luận là năm 2012 sẽ còn là năm khó khăn đối với khu vực châu Âu. Kinh tế của khối này sẽ suy thoái và có thể xuống dưới mức -2%. Ở Mỹ cũng sẽ khó khăn trong việc khôi phục lại tốc độ phát triển kinh tế, và sẽ không có thay đổi gì lớn từ nay cho tới kỳ bầu cử Tổng thống mới. Tốc độ phát triển kinh tế thế giới sẽ ở vào khoảng trên 3% nhờ vào sự năng động của các quốc gia mới nổi, nếu như những nước này biết khỏa lấp những thiếu hụt về thị trường tiêu thụ trên thế giới bằng thị trường tiêu thụ quốc nội.
PV: Thếgiới hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức đối với phát triển kinh tế, đó là cạn kiệt nguồn nguyên liệu, thất nghiệp, khủng hoảng xã hội, chủ nghĩa bao hộ đang gia tăng trong thương mại quốc tế..., theo ông Việt Nam cần điều chính chỉnh sách thương mại, kinh tế-xã hội như thế nào để đối phó với những thách thức này?
Ông Phạm Nam Kim: Về xuất khẩu, trong năm 2012, xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi khủng hoảng kinh tế xã hội đang hoành hành trên thế giới và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trong thương mại quốc tế.
Về nhập khẩu, thị trường trong nước của ta hiện đang bị sản phẩm nước ngoài chiếm lĩnh, với nhiều lý do, đó là người dân Việt chuộng đồ ngoại và cũng là vì doanh nghiệp Việt Nam không mặn mà với thị trường nội địa. Hơn nữa, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp trên thế giới đang và sẽ thay đổi cơ bản chiến lược phát triển, từ chỗ coi các quốc gia đang phát triển và mới nổi là «cơ xưởng sản xuất» với nguồn nhân công rẻ sang coi những nước này là thị trường tiêu thụ hàng hóa tiềm tàng và dần chuyển thành thị trường tiêu thụ chính và cần phải khai thác triệt để. Theo đó, những nhà máy và xưởng sản xuất của họ tại những nước này dự kiến sẽ trở thành những cơ sở để họ thâm nhập thị trường vốn không được các doanh nghiệp sở tại coi trọng.
Hiện nay, ở Việt Nam, xu hướng này được thể hiện ngay trên thị trường dịch vụ, với những ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty kiểm toán du nhập từ nước ngoài và đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam vì sức ép cạnh tranh. Chiến lược nêu trên của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được thực hiện triệt để trong những năm tới để bù đắp sự sụt giảm của thị trường tiêu thụ do suy thoái kinh tế thế giới, đặc biệt là ở thị trường châu Âu và Mỹ.
Trước tình hình này, để thúc đẩy và phát triển kinh tế bền vững, Việt Nam cần có những chủ trương sau:
- Trong lĩnh vực xuất khẩu, thị trường nguyên liệu và nông sản trên thế giới đang bị thiếu hụt bởi nguồn khai thác đang dần cạn cũng như do thiên tai triền miên, vì vậy, có lẽ xuất khẩu thô cũng như nông, lâm sản của Việt Nam không bị ảnh hưởng lớn. Tuy vậy, để bảo đảm phát triển bền vững cũng như nâng cao giá trị xuất khẩu, Việt Nam nên gia tăng giá trị của sản phẩm thông qua nhãn hiệu thương mại và phương cách chế biến nguyên liệu thô cho phù hợp với người tiêu thụ nước ngoài.
- Liên quan tới thị trường xuất khẩu sản phẩm công nghệ, như đã đề cập ở trên, ta sẽ gặp khó khăn và để vượt qua những khó khăn này cũng là để thoát cảnh ‘gia công’ cho doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam nên tập trung tạo giá trị cho sản phẩm bằng khả năng sáng tạo và chất lượng.
- Trong năm 2012, cạnh tranh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài nhằm chiếm lĩnh thị trường trong nước sẽ thực sự trở nên căng thẳng, bởi như đã đề cập ở trên, các doanh nghiệp của các quốc gia phát triển sẽ cố gắng thâm nhập thị trường Việt Nam, trong khi đó, Việt Nam cũng đã ý thức được tầm quan trọng của thị trường quốc nội với 87 triệu dân. Theo đó, Việt Nam cần đề cao hơn nữa nhiệm vụ giúp định hướng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh cho bằng được thị trường trong nước. Muốn làm được điều này, Việt Nam cần hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam ít ra là ngang bằng so với các doanh nghiệp nước ngoài. Được biết, về mặt tài chính, doanh nghiệp nước ngoài trước hết được ưu đãi về thuế khi mới thiết lập ở Việt Nam, ngoài ra, họ còn được vay nợ để đầu tư vào Việt Nam với mức lãi suất thấp trên thị trường tài chính thế giới, trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam phải chịu mức lãi suất ngân hàng rất cao. Hơn nữa, các doanh nghiệp nước ngoài có vốn hiểu biết, năng lực và thương hiệu vượt xa các doanh nghiệp Việt Nam. Chênh lệch này khiến các doanh nghiệp của Việt Nam chắc chắn sẽ lép vế trước các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên chính thị trường nước mình. Nhận thức được điều này, Việt Nam cần có những hỗ trợ và điều phối để tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trước các đối thủ quốc tế.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế trong nước cũng như chính sách của chính phủ Việt Nam thời gian qua? Theo ông, chính phủ cần có những điều chỉnh chính sách như thế nào để tình hình kinh tế có thể có những cải thiện trong thời gian tới.
Ông Phạm Nam Kim: Sau những năm phát triển rất mạnh, kinh tế của Việt Nam ta đã để lộ ra nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế.
Hiện tượng «Bong bóngtài chính» của nền kinh tế ảo đã tạo ra sự phồn thịnh giả tạo, đưa đến một mức độ tiêu thụ quá tầm tay của khả năng sản xuất ‘thực’ trong nước. Kết quả là nhập siêu gia tăng mạnh, cán cân thương mại bị thâm hụt, cộng vào đó suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm giảm mức xuất khẩu của ta và khi đầu tư từ nước ngoài sụt giảm thì cán cân thanh toán cũng thâm hụt theo. Do đó, mức độ dự trữ đồng USD suy giảm mạnh và đồng Việt Nam bị phá giá. Tất cả những hiện tượng trên đã bị giới đầu cơ phóng đại, thổi phồng hiện tượng để hưởng lợi. Tiếp đó, hiện tượng lạm phát xuất hiện vì chênh lệch cung-cầu sản phẩm và một số sai lầm của Ngân hàng Nhà nước cũng bị thổi phồng theo và đưa đến tình trạng khó kiểm soát.
Để giải quyết những vấn đề kinh tế nêu trên, theo tôi, Việt Nam cần thực hiện những bước sau:
- Trước tiên, chính phủ cần dập tắt lạm phát, tuy nhiên, phương án dập khuôn tư vấn của các chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là bất cập, bởi liều thuốc thắt chặt bằng mọi cách khối tiền tệ để giảm lạm phát có thể có tác dụng cho một nền kinh tế phát triển, bị lạm phát nhẹ và không có nạn đầu cơ, ngoài tình huống này thì giải pháp này không những không giải quyết được mà còn có hậu quả xấu. Ở Việt Nam, Ngân hàng nhà nước đã thắt chặt khối tiền tệ từ hơn một năm, lạm phát có chiều hướng suy giảm chút đỉnh nhưng vẫn ở mức kỷ lực 17% / năm, đó là vì vấn đề căn bản của hiện tượng không được giải quyết.
Việc đầu tiên Việt Nam cần thực hiện là phải giải quyết tận gốc nạn đầu cơ vì nó phá hoại nền kinh tế và gây nên sự bất ổn hiện tại của nền kinh tế. Khi đã giải quyết được nạn đầu cơ là tự động lạm phát sẽ giảm xuống ở mức độ lạm phát của những quốc gia mới nổi trong khu vực tức ở mức 5 hay 6%.
- Khi ta đầu tư vào nền kinh tế thực, sản xuất để phục vụ thị trường trong nước thì sẽ lấy lại được thăng băng giữa cung và cầu và triệt tiêu luôn 5%, 6% lạm phát còn lại, đồng thời ta sẽ phục hồi thăng bằng trong cán cân thương mại và mang lại sự vững vàng cho đồng tiền Việt Nam.
- Tuy nhiên, vấn đề là sẽ lấy tiền ở đâu để đầu tư? Câu trả lời lại nằm chính trong cuộc khủng hoảng nợ công hiện tại trên thế giới, các nhà đầu tư thế giới đều mất hết lòng tin vào châu Âu và Hoa Kỳ và họ đặt tất cả hy vọng vào những quốc gia mới nổi. Việt Nam chỉ cần nhìn danh mục đầu tư của các quỹ quốc tế ta sẽ thấy cụ thể sự chuyển hướng này. Đối với Việt Nam, họ chỉ đợi một tín hiệu khả quan về kinh tế vĩ mô để ồ át rót tiền vào nước ta. Cơ hội này thật hiếm có và Việt Nam nắm lấy thời cơ này.
Bài và ảnh: Trần Đức Hùng