Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngay từ khi khởi nghiệp, việc tiếp cận và chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp chuyển hóa hoạt động và quá trình vận hành từ thụ động hay còn gọi là phản ứng sau (phản ứng chạy theo) với những diễn biến trên thị trường sang tâm thế chủ động theo dõi diễn biến của thực tế và dự báo - tiên đoán những gì sẽ xảy ra.
Việc chủ động trong sản xuất kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp có thể đưa ra các chiến lược cạnh tranh theo thời gian thực. Khả năng dự báo giúp doanh nghiệp có thể tiên lượng những vấn đề xảy ra và đưa ra những chiến lược dẫn đầu nhằm đáp ứng và xử lý trước khi có các thay đổi trên thị trường. Như vậy, tùy theo các cấp độ chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể đi theo, đáp ứng và dẫn đầu các thay đổi.
Theo phân tích của ông Vũ Tuấn Anh, Chuyên gia Chuyển đổi số - khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cũng quyết định việc nhân rộng hoặc thay đổi quy mô doanh nghiệp. Nếu không có chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc nhân rộng mô hình và luôn luôn phải đi theo sau, do toàn bộ hạ tầng, cách thức vận hành cũng như cấu hình chuỗi giá trị là nằm trên không gian thực vật lý.
Khi thay đổi và nhân rộng không gian thực vật lý sẽ đòi hỏi thời gian trễ để đáp ứng thị trường. Thông qua kiến trúc số, phát triển dịch vụ, sản phẩm cũng như chuỗi giá trị số, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tái cấu trúc, mở rộng, thêm mới hoặc nâng cấp cũng như cắt bớt quy mô và phạm vi hoạt động doanh nghiệp một cách dễ dàng.
Hiện nay, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đều ở quy mô vừa, nhỏ hoặc siêu nhỏ và gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi số. Do đó, việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi số một cách bài bản theo từng giai đoạn là yêu cầu cấp thiết để giúp doanh nghiệp có thể hiểu, vận dụng và quản trị thành công các chuỗi giá trị.
Đồng tình với chuyên gia, bà Phạm Mỹ Hạnh, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh cho biết, hiện tại nguồn nhân lực về công nghệ và năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn hẹp; nhất là khi phải tập trung vào quá nhiều mảng đầu tư. Các phần mềm công nghệ Make in Vietnam cũng còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, ngôn ngữ sử dụng tại các phần mềm ứng dụng của quốc tế cũng rất khó hiểu, khó tiếp cận nhất là với những doanh nghiệp có lãnh đạo là phụ nữ.
Chính vì lẽ đó, doanh nghiệp rất mong mỏi, các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức những khóa đào tạo, kết nối, tư vấn hướng nghiệp cơ bản về số hóa cho doanh nghiệp. Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ về vốn, nền tảng công nghệ để doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận nhanh chóng công nghệ mới.
Theo ông Hoàng Văn Đại, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn bất động sản công nghiệp Mac Land Vietnam, khi ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản, đòi hỏi cần có nguồn nhân lực chất lượng cao và có trình độ về công nghệ để có thể sử dụng và vận hành trong công việc.
"Trong một dự án chuyển đổi số, nguồn nhân lực phải biết vận hành để làm sao mang lại hiệu quả. Nếu như chúng ta chuyển đổi số một cách tích cực nhưng nguồn nhân lực lại không làm chủ được và vận hành không hiệu quả thì đó chỉ là chạy theo và làm theo xu hướng".
Thực tế hiện nay, thị trường bất động sản truyền thống đang có sự chuyển mình tích cực nhờ vào những đổi thay khi ứng dụng các giải pháp về công nghệ số từ khâu xây dựng đặc biệt là hạ tầng, đến khâu tiếp thị, bán hàng cho tới vận hành hệ thống.
Các doanh nghiệp bất động sản cũng đã bắt đầu sử dụng những công cụ kỹ thuật số thay thế cho phương pháp làm việc truyền thống trước đây.
Việc quản lý dự án, thông tin khách hàng hay tài liệu chung đều được thực hiện chủ động trên phần mềm chung tạo nên tính đồng bộ trong toàn bộ hệ thống, giúp việc trao đổi thông tin diễn ra mạch lạc hơn và quá trình chăm sóc khách hàng nhanh chóng hơn.
Tương tự, ông Tô Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cộng đồng bất động sản Recbook cho hay, quá trình mở rộng quy mô kinh doanh đã buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi số. Sau khi chuyển đổi số, doanh nghiệp đã thiết kế ra một nền tảng duy nhất, giống như một mạng xã hội nội bộ. Ở đó, có kênh bán hàng, các công cụ làm việc phục vụ nội bộ, điều hành nội bộ.
Đặc biệt, trên hệ thống này, khách hàng đưa lên được nền tảng thông qua tài khoản ảo và chăm sóc khách hàng một cách cá nhân hoá theo nhu cầu của khách hàng. Với việc áp dụng nền tảng công nghệ mới, doanh nghiệp đã thay đổi rất lớn về mặt doanh thu; việc điều hành cũng đơn giản hơn rất nhiều…
Bên cạnh việc tận dụng những lợi ích của chuyển đổi số, việc số hóa thông tin cũng mang lại lợi ích trong việc kiểm soát thông tin đất đai, nhằm đảm báo tính minh bạch của thông tin. Đây cũng là một trong những giải pháp đã được đưa ra sau những cơn sốt đất liên tục gần đây, khi giá đất bị đẩy lên cao chỉ vì thiếu nguồn tin chính xác.
Từ thực tiễn và quá trình nghiên cứu của doanh nghiệp, ông Vĩnh Tuấn Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone, muốn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số thì doanh nghiệp cần bắt đầu ngay từ những hành động nhỏ nhất, thực hiện từng bước nhỏ để đi đến mục tiêu xa theo tầm nhìn và sứ mệnh.
MobiFone đã không ngừng đổi mới sáng tạo và làm chủ công nghệ, đẩy mạnh định hướng “Make in MobiFone” và tạo ra các sản phẩm mới giúp thay đổi, nâng cao năng suất trong nội bộ, đồng thời cung cấp hạ tầng, giải pháp và dịch vụ số cho các khách hàng, đối tác trong hệ sinh thái MobiFone.
Dự kiến, đến năm 2025 và tầm nhìn 2030, MobiFone sẽ là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu cả nước về công nghệ số, giữ nòng cốt triển khai phát triển 15 nền tảng số quốc gia. Đây là sứ mệnh của doanh nghiệp với đất nước, đồng thời cũng là cơ hội lớn để phát triển.
MobiFone tin tưởng những nền tảng, giải pháp và dịch vụ số của MobiFone sẽ đóng góp hiệu quả vào thành công to lớn của Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như công cuộc chuyển đổi số của quốc gia.