Tranh thủ thời tiết nắng ấm xuống đồng sản xuất đầu năm

Hòa chung không khí sản xuất đầu xuân, nông dân miền Bắc đã khẩn trương xuống đồng chuẩn bị gieo cấy vụ đông xuân. Tại miền Nam, lúa đông xuân đang trong giai đoạn trổ chín, nông dân xuống đồng thu hoạch với ước muốn một vụ mùa bội thu.

Miền Bắc xuống đồng chuẩn bị gieo cấy

Từ ngày mùng 3 Tết, trên khắp cánh đồng của thôn 3 (xã Minh Tân, Huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), không khí sản xuất đầu năm đã trở nên hối hả. Người tát nước, người san mặt ruộng, tích cực chuẩn bị để gieo cấy sau Tết. Bác nông dân Vũ Trọng Cốc cho biết, từ mùng 3 Tết, bà con đã ra đồng mở nilon cho mạ phát triển trong điều kiện thời tiết nắng ấm. Trước Tết, thời tiết có nhiều đợt rét đậm khiến mạ chậm lớn, nhiều gia đình phải che phủ bằng nilon để chống rét, sương cho mạ.

 “Chúng tôi gieo mạ trước Tết 7 ngày. Qua rằm tháng Giêng chúng tôi sẽ cấy và gieo sạ. Năm nay, thời tiết thuận lợi, không có nhiều đợt rét đậm như năm ngoái. Do vậy, mạ phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, thời tiết ấm lại là điều kiện để sâu bệnh, rầy, chuột, bọ… phát triển. Nếu không có biện pháp phòng trừ, có thể mất trắng cả cánh đồng. Nhà tôi có 1 mẫu (3.600 m2), cho thu hoạch khoảng 2,7 tấn thóc”, ông Cốc chia sẻ.

Ngày 30/1/2017 (tức mùng 3 Tết Nguyên đán), người dân trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên nô nức kéo về xóm Thanh Hoa, xã Trung Thành, Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên tham dự Lễ hội xuống đồng Xuân Đinh Dậu. Ảnh: Thu Hằng/TTXVN.

Còn tại Nam Định, Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, kết thúc đợt xả nước đổ ải lần 2, tỉnh Nam Định đã có gần 71.000 ha đủ nước, đạt tỷ lệ 89% diện tích có nước gieo cấy. Các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy, Trực Ninh, Mỹ Lộc gần như toàn bộ diện tích đã đủ nước. Các huyện có nhiều diện tích đồng cao như: Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực và thành phố Nam Định cũng đã có từ 70 - 77% diện tích có đủ nước. 

Ông Vũ Đình Phương, xã Nam Dương, huyện Nam Trực cho biết, toàn bộ diện tích của gia đình đã đủ nước, do đó phải tranh thủ thời tiết nắng ấm để bừa đất, ngâm ủ đất sẵn sàng để xuống đồng gieo cấy. 

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Nam Định, những diện tích đã đủ nước, dù đang trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán nhưng nhân dân tại các địa phương trong tỉnh vẫn tranh thủ thời gian ra đồng đắp bờ vùng, bờ thửa để giữ nước. Đồng thời tiến hành cày bừa đất sẵn sàng chuẩn bị gieo cấy vụ đông xuân 2016 - 2017. 

Vụ đông xuân 2016-2017, toàn miền Bắc dự kiến gieo cấy 1,137 triệu ha, giảm khoảng 18.000 ha so với vụ đông xuân 2015-2016; năng suất trung bình đạt 63 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với năm trước. Sản lượng ước đạt 7,166 triệu tấn, giảm khoảng 93.000 tấn so với vụ trước. Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), thời tiết đã lập xuân, tùy vào thời gian sinh trưởng của từng giống, điều kiện thực tế ở địa phương để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp theo nguyên tắc đảm bảo lúa phân hóa đòng và trỗ gặp thời tiết thuận lợi, tránh rét “nàng Bân” khi trỗ, tránh lũ tiểu mãn ở vùng đất thấp khi thu hoạch. Đồng thời, tạo thuận lợi cho việc gieo cấy lúa vụ hè thu, vụ mùa và vụ đông 2017. 

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, do năm 2016 không có lũ lớn nên nhiều khả năng chuột sẽ phát triển, gây hại nặng. Ngoài ra, cần chú ý bệnh rầy nâu và rầy lưng trắng có khả năng phát sinh sớm, mật độ, diện tích nhiễm có xu hướng cao hơn vụ đông xuân năm trước. Khả năng về mức độ nhiễm và diện tích nhiễm sâu đục thân cao hơn, cùng với đó là sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn ở các thời kỳ sinh trưởng của cây lúa.

Miền Nam bước vào vụ thu hoạch

 Tại các tỉnh miền Nam, vụ đông xuân được bắt đầu xuống giống từ tháng 10/2016. Hiện lúa đông xuân đang trong giai đoạn trổ chín, chuẩn bị vào giai đoạn thu hoạch ngay thời điểm sau Tết Nguyên đán. Năm nay, thời tiết thuận lợi mặc dù lũ về trễ và xuất hiện mưa muộn. Đặc biệt, năm nay đất lúa không bị nước mặn xâm nhập sâu như đầu năm 2016.

 Anh Nguyễn Minh Sơn, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết, gia đình anh có hơn 3 ha lúa đang giai đoạn trổ bông, phát triển tốt. Năm mới 2017, hy vọng giá lúa sẽ tăng, gạo xuất khẩu được để nông dân bớt lo “trúng mùa, rớt giá”. Nông dân cũng mong muốn được tham gia vào các chuỗi liên kết nông nghiệp bền vững, để không phải lo về đầu ra của hạt lúa, được bao tiêu sản phẩm, được công ty hỗ trợ giống, kỹ thuật, sấy miễn phí, gửi lúa vào kho của các công ty.

Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Sau Tết là thời điểm thu hoạch lúa đông xuân. Đây là vụ lúa chính của bà con, diện tích gieo trồng khoảng 1,55 triệu ha, sản lượng thu hoạch vào khoảng 10 -11 triệu tấn, tương đương năm trước. Đầu năm mới, thời tiết nắng ấm, lúa phát triển tốt, hứa hẹn một mùa vụ bội thu”. 

Bộ NN&PTNT đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc điều tiết các hồ chứa nước thủy điện gồm: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang nhằm bổ sung dòng chảy cho hạ du, phục vụ lấy nước gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2016-2017, khu vực các tỉnh Trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Có 3 đợt xả nước qua phát điện với tổng cộng 18 ngày. Cụ thể: đợt 1: từ ngày 10/1/2017 đến 15/1/2017; đợt 2: từ ngày 23/1/2017 đến  26/1/2017; đợt 3: từ ngày 6/2/2017 đến 13/2/2017. Để tận dụng tối đa nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, các địa phương bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực, sẵn sàng tận dụng nguồn nước bổ để cấp nước phục vụ cho vụ đông xuân. 
Nhóm PV
Lễ hội xuống đồng 'Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh'
Lễ hội xuống đồng 'Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh'

Cứ vào mùng 3 Tết Âm lịch, người dân Thái Nguyên lại nô nức kéo về Thị xã Phổ Yên, tham dự Lễ hội xuống đồng, cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người người mạnh khỏe.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN